Cuốn sách Khoa học não bộ trong Thiền và tâm hồn góp phần đem đến cho các độc giả nói chung, các độc giả muốn tìm hiểu về hoạt động tinh thần của con người nói riêng, các bạn đồng nghiệp ở mỗi chức năng và trình độ và đặc biệt là các bạn đang học hay thực hành thiền định những thông tin về Khoa học não bộ thông qua tra cứu sách vở và tường trình khoa học cận đại nhất, thông qua kinh nghiệm sống và những kiến thức đông tây. Cuốn sách còn đề cập tới thiền định, học thiền và thực hành thiền, giúp độc giả hiểu được cơ chế của thiền định và những thể nghiệm siêu hình của thiền định.

Khoa học não bộ trong Thiền và tâm hồn

Bs. Mai Trung Kiên là một Giáo sư Bệnh Lý học lại am hiểu các Triết Thuyết và các Tín Ngưỡng Hồi Giáo, Thiên Chúa Giáo nhất là Phật Giáo cùng Phật học nên có đủ cơ sở kiến thức viết các mối liên hệ giữa Não bộ là vật chất cụ thể với các trạng thái trừu tượng của Tâm Hồn, Thiền Định, Trí Nhớ, Tri Thức, Thông Minh… Thật ích lợi thực tế trong những chương đề cập tới Giấc Ngủ, Mộng Mị, Đau Ngứa hay cao sâu hơn về Tham Sân Si, Từ Bi Bác Ái. Thật thú vị trong những chương bàn về Tình Yêu Cha Con, Mẹ Con nhất là Nam Nữ Luyến Ái. Chuyện đời hư hư thực thực “Sắc Sắc Không Không” nên Đức Phật trước khi viên tịch đã phải chối bỏ những gì đã nói “Ta chưa hề nói gì!”.

Tác giả:

Giáo sư y khoa Mai Trung Kiên là người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu mối liên hệ giữa các tế bào trong não bộ và vai trò của các tế bào thần kinh trong đời sống tâm linh của chúng ta. Bs. Mai Trung Kiên xuất thân là một Cựu Nội trú Đại học Y khoa Sài Gòn, một tước vị đại học dành riêng cho một thiểu số sinh viên y khoa ưu tú và hiện nay là Giáo sư Đại học Ottawa, Canada với 169 papers/publications đã được đăng trên các tạp chí y khoa danh tiếng cùng 179 abstracts đã trình bày trong các hội thảo quốc gia, quốc tế.

Trích đoạn sách:

Theo cách hiểu chung nhất, hồn là phần linh thiêng, bất tử (trái ngược hoàn toàn với quan niệm của Đạo Phật: Hồn cũng sinh khi tạo nghiệp và diệt khi hết nghiệp) và siêu hình của con người khi sống, tạo nên nhân cách cá biệt bao gồm cả tư tưởng, sẽ rời thân xác con người sau khi chết để tự tồn tại ở thiên đường, cõi trên hay cõi vô hình hay trong sáu nẻo luân hồi.

Một số Phật tử thậm chí còn quan niệm: Chấp nhận có nghiệp nhưng  không chấp nhận có linh hồn. Quan niệm này không dị biệt với quan niệm sẽ được nêu trong cuốn sách này, mà trái lại có cùng quan điểm là chấp nhận có nghiệp quả, tiền đề cho tái sinh. Sự khác biệt là ở chỗ định nghĩa của linh hồn vì hồn không thể xác nhận được bằng phương tiện vật lý như nhìn thấy hay nắm bắt.

Theo quan niệm của Ấn Độ giáo (Bà La Môn), linh hồn là biểu hiện cho tiểu ngã/Atman đối nghịch với đại ngã/Brahman của vũ trụ. Linh hồn trong quan niệm này là trường tồn, vĩnh cửu và khác với hồn chất chứa nghiệp được nêu trong cuốn sách này. Hồn trong quan niệm của sách này là phù hợp với quan niệm của Phật giáo, đó là vô thường, sẽ tiêu mất đi 

khi không còn nghiệp để trở về với chân như/bản tính/niết bàn. Vì vậy, để tránh ngộ nhận, cuốn sách này sẽ không dùng từ linh hồn khi nói về thể siêu hình của sinh vật trong đạo Phật. Thiên Chúa giáo quan niệm không có luân hồi nên linh hồn là phần siêu hình. Nghiệp tác dụng bằng hiệu quả như hạt sinh ra cây trái, ít dùng đến năng lượng mà do nảy mầm. Năng lượng làm hạt thành cây trái là từ đất, nước. Vì vậy, lực của nghiệp cũng như của hạt mầm là nhỏ và không đáng kể. Từ “lực” trong “nghiệp lực” không đồng nghĩa với từ lực trong “lực điện từ”.