Hải đăng là một ngọn tháp (nhà hoặc khung) được thiết kế để chiếu sáng từ một hệ thống đèn và thấu kính, hoặc thời xưa là chiếu sáng bằng lửa, với mục đích hỗ trợ cho các hoa tiêu trên biển định hướng và tìm đường. Hải đăng được dùng để đánh dấu các đường bờ biển hay bãi cạn nguy hiểm, các lối an toàn vào cảng. Hải đăng còn có thể hỗ trợ việc định hướng của các máy bay.
Hiện nay nước ta có tổng số 79 ngọn đèn biển. Trong đó thì có 8 ngọn được người Pháp xây dựng từ hơn 100 năm trước là các ngọn: Bảy Cạnh ở Côn Đảo, Hòn Lớn ở Nha Trang, Long Châu, Hòn Dấu ở Hải Phòng, Núi Nai ở Kiên Giang, Hòn Khoai ở Cà Mau, Tiên Sa ở Đà Nẵng, và Mũi Dinh ở Ninh Thuận.
1.Bảy Cạnh ở Côn Đảo
Hải đăng Bảy Cạnh là ngọn hải đăng được người Pháp xây dựng sớm nhất ở nước ta, cũng là nơi ghi dấu cuộc nổi dậy của tù nhân hòn Bảy Cạnh cách nay 122 năm.
Đô đốc Bonard là người đã nhận được chỉ thị từ bộ trưởng Hải quân Pháp về tầm quan trọng của quần đảo Côn Lôn, như một pháo đài quan sát cần phải chiếm ngay lập tức và xây dựng tại đây một ngọn hải đăng. Bởi vậy, ngay sau khi đánh chiếm Côn Đảo (1861), đô đốc Bonard đã cử người khảo sát và dựng tạm ngọn hải đăng trên một ngọn đồi phía bắc thung lũng Cỏ Ống. 22 năm sau (1883), ngọn hải đăng Côn Đảo được chuyển đến một mỏm núi phía đông hòn Bảy Cạnh, với độ cao và tầm chiếu sáng ưu thế hơn. Kể từ ấy, ngọn hải đăng ở Côn Đảo mới chính thức có tên Hải đăng Bảy Cạnh.
Muốn đến Hải đăng Bảy Cạnh, trước hết phải đến Côn Đảo. Từ trung tâm Côn Đảo đi thuyền theo hướng đông nam hơn 7km thì đến Bảy Cạnh. Lần theo lối mòn, đi bộ khoảng 30 phút lên đỉnh núi phía đông là đến ngọn hải đăng.
2.Hòn Lớn ở Nha Trang
Trạm đèn Hòn Lớn được xây dựng từ thời Pháp,cho đến nay đã hơn 100 tuổi. Tòa nhà của trạm có diện tích hơn 750m2. Riêng ngọn hải đăng cao 102m, có 2 màu sơn chính là trắng và đen. Màu sắc và chu kỳ chớp nháy của đèn theo quy định riêng của ngành Hàng hải về tín hiệu trên biển. Độ rọi của đèn xa nhất khoảng 26 hải lý.
3.Long Châu ở Hải Phòng
Trên đảo Long Châu có một hải đăng bằng đá được người Pháp xây dựng từ năm 1894, nhiệm vụ chính là phát ra tín hiệu chỉ dẫn giao thông cho những con tàu khi qua vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Mùa đông đèn chiếu sáng từ 17h30 đến 6h sáng hôm sau, mùa hè từ 18h30 đến 5h sáng hôm sau, báo hiệu cho tàu thuyền ở cự ly xa nhất là 27 hải lý. Đèn biển Long Châu thuộc đèn biển cấp 1.
Trong chiến tranh Việt Nam, quân đội Hoa Kỳ thường xuyên ném bom nhằm phá huỷ đèn biển này. Nhờ những thành tích chiến đấu, bảo vệ của cán bộ công nhân viên cùng các chiến sĩ bộ đội, năm 1972, Đảo đèn Long Châu đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có liệt sỹ Cao Quang Viên đã anh dũng hy sinh trên đảo.
Hàng năm, vào mùa mưa bão, ngọn hải đăng luôn có nguy cơ bị “thần sét” đánh trúng cột đèn. Đến nay, Trạm đèn biển đã được trang bị hệ thống điện gồm máy phát điện, điện năng lượng gió và năng lượng mặt trời.
4.Hòn Dấu ở Hải Phòng
Hải đăng Hòn Dấu gắn với đảo Hòn Dấu, thuộc khu Du lịch giải trí Đồ Sơn, Hải Phòng, là công trình do các kiến trúc sư người Pháp thiết kế, xây dựng từ năm 1892 và hoàn thành vào tháng 6 năm 1898.Tháp cao 5 tầng, đỉnh đèn cao 140m so với mặt nước biển, ánh sáng được phát ra từ độ cao 65m so với chân tháp. Bên trong tháp có 125 bậc thang gỗ uốn theo hình xoáy ốc.
Đến đảo, ngoài tham quan hải đăng Hòn Dấu, khách du lịch còn có thể khám phá hàng loạt các công trình khác như: kho dầu hỏa, nhà làm việc, nhà ở cán bộ, chiến sĩ, nhà ăn, cột báo hiệu, nhà triều ký, nhà hoa tiêu, đền thờ Nam Hải Thần Vương, Hầm xuyên đảo, nhà 8 gian…
Những công trình ở đảo là minh chứng cho một thời oanh liệt của các công nhân giữ đèn, thắp đèn “đảm bảo an toàn cho tàu của các nước XHCN chở hàng vào cảng Hải Phòng, Hòn Gai viện trợ cho Việt Nam, phục vụ đoàn tàu không số tiếp vận cho đồng bào miền Nam, thực hiện cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”.
5.Núi Nai ở Kiên Giang
Hải đăng Núi Nai thược huyện Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, được xây dựng năm 1896, nằm trong hệ thống đèn biển Phú Quốc – Mũi Nai – hòn Khoai, được xây dựng sửa chữa lại năm 2000.
Vào những năm 40, khi bị thực dân Pháp lưu đày ra Hòn Khoai, thầy giáo Phạm Ngọc Hiển đã lãnh đạo một nhóm tù nhân nổi dậy giết chết tên chúa đảo và chiếm ngọn hải đăng, làm nên chiến công Hòn Khoai lừng lẫy đến tận ngày nay. Cũng chính vì vậy mà ngọn hải đăng và địa danh Hòn Khoai đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Đến ngọn hải đăng, du khách còn có dịp được các chiến sĩ biên phòng cho phép thông qua kính viễn vọng, nhìn một trong 5 hòn đảo vây quanh hòn Khoai là hòn Đồi Mồi với thảm thực vật xanh biếc, hoặc bạn cũng có thể hướng kính viễn vọng về mũi Cà Mau, nơi cực Nam của Tổ quốc.
Hải đăng có tầm hiệu lực ban ngày là 27 hải lý, ban đêm là 19 hải lý với chiều cao tháp đèn 16m, tâm sáng 112m. Đèn hải đăng có ánh sáng trắng, thân đèn màu xám xẫm.
6.Hòn Khoai ở Cà Mau
Hòn Khoai trước được biết đến với tên gọi Đảo Giáng Hương, là tên một cụm đảo thuộc tỉnh Cà Mau. Hải đăng Hòn Khoai được xây dựng vào năm 1899, là một trong sáu ngọn hải đăng lâu đời nhất nước ta được người Pháp xây dựng trong nửa cuối thế kỷ 19 và vẫn hoạt động liên tục từ đó đến nay.Đèn Hòn Khoai được xác định là đèn cấp 1 trong hệ thống đèn biển Việt Nam, có tầm hiệu lực ánh sáng 23 hải lý và tầm nhìn địa lý tương đương 41 hải lý. Chiều cao tháp đèn Hòn Khoai là 15,7m, được xây dựng trên cao độ nền đất 284m.
Hiện nay muốn đến được đảo đèn Hòn Khoai phải đi theo tàu đánh cá hoặc tàu tuần tra của bộ đội biên phòng.
7.Tiên Sa ở Đà Nẵng
Ngọn hải đăng Tiên Sa nằm ở mũi phía Đông bán đảo Sơn Trà thuộc quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng được được Pháp xây và đưa vào hoạt động năm 1902.Phòng điều hành, phòng ngủ trong trạm mang đậm kiến trúc của Pháp.
Ngày thường, trạm có ít nhất 6 người trực, mỗi người trực 6 tiếng, gồm bốn tiếng ban ngày và 2 tiếng ban đêm. Buổi sáng dọn vệ sinh công nghiệp, lau đèn, kéo bạt che đèn.
8.Mũi Dinh ở Ninh Thuận
Đèn biển Mũi Dinh được người Pháp xây dựng đưa vào hoạt động từ năm 1904. Ngọn hải đăng cao 18 mét xây bằng đá ga nít rất vững chắc, tọa lạc trên độ cao 177 mét so với mặt nước biển.
Hiện nay, hải đăng sử dụng pin trời nạp vào bình ắc quy cung cấp năng lượng cho ngọn đèn biển công suất 1.000 W tỏa sáng 26 hải lý định hướng tàu thuyền di chuyển trên vùng biển Phan Rang- Tuy Phong. Mất khoảng 15 phút đi bộ để du khách có thể lên hải đăng với con đường khúc khuỷu dài hơn 1.000 mét.