Năm 2018, Arsene Wenger nói lời chia tay Arsenal sau 22 năm. Một lời từ biệt không được báo trước. Một lời chia tay ngắn gọn, nhẹ nhàng. Wenger tạo ra những cảm xúc ngỡ ngàng cho cả những CĐV mới hôm qua còn chỉ trích, đòi ông ra đi. Một triều đại đã kết thúc, nhưng đó không phải là một triều đại mục ruỗng như cái lẽ tất yếu khi nó sụp đổ. Mà trái lại, lời chia tay của Wenger là sự bắt đầu của một huyền thoại…

Ngày Wenger chia tay Arsenal trước sau gì cũng tới. Ai cũng hiểu điều đó. Bởi sau 22 năm, ông đã trở nên cũ kỹ với cuộc sống quanh ông, với những cuộc chơi tiền bạc, những màn xổ số hên xui như những cú đầu tư chứng khoán. Đã có lúc ai cũng nghĩ rằng, Wenger sẽ làm tất cả để tạo dựng một đế chế, một sự thống trị vượt qua cái bóng Sir Alex, nhưng cuối cùng ông cũng phải đầu hàng trước con số 26 năm mà Alex Ferguson trị vì ở Man Utd. Ngày Sir Alex ra đi, ông là người vĩ đại, là nhà vô địch. Ngày Wenger ra đi, ông là người thất bại, với một mùa giải tệ hại chưa từng có. Tuy nhiên, sự khác biệt đó không thể làm thay đổi sự thật rằng, Wenger vẫn đáng được gọi là vĩ đại. Vĩ đại trong cả thất bại này.

Trong thời đại bóng đá là thực dụng, là danh hiệu, là tiền bạc, là sự hào nhoáng đầy tính giả tưởng, Wenger vẫn là giá trị duy nhất. Thậm chí, ở khía cạnh truyền thống, Wenger còn thành công, còn vĩ đại hơn cả những Pep Guardiola, Mourinho hay Conte. Chỉ cần một hai mùa giải không danh hiệu, họ sẽ bị sa thải. Nhưng Wenger thì không. Và lời chia tay của ông, không đơn giản là một sự chia tay giữa một HLV với một đội bóng, mà hơn nữa, nó có lẽ là sự kết thúc cho một hình mẫu HLV truyền thống. Sẽ còn rất lâu nữa, có thể là không bao giờ, sẽ có lại một HLV gắn bó với một đội bóng, tạo nên một biểu tượng, một phong cách, một đế chế, một quyền năng thống trị như Wenger ở Arsenal. Và dĩ nhiên, những câu chuyện về Wenger và Arsenal sẽ trở thành truyền thuyết, những câu chuyện vĩnh viễn tồn tại như một ký ức thẳm sâu mà bất kỳ một ai thuộc về Arsenal đều phải nằm lòng.

Kỷ nguyên Wenger ở Arsenal bắt đầu năm 1996, và ngày đó, không ai có thể tưởng tượng được rằng nó kéo dài tới 22 năm. Ngay trước mùa giải 1996-1997, Wenger đã từ chối tới Arsenal, và khi bổ nhiệm ông vào tháng 10-1996, báo chí Anh trích lời các CĐV Arsenal cho rằng, gã Wenger đó không đáng tin tưởng, bởi gã đã không dám nhận Arsenal trước mùa giải. Nhưng thực tế, đó là câu chuyện dài, bắt đầu từ tháng 1-1989. Trong một chuyến đi tới London, tham gia một trận đấu tại sân Highbury, Wenger đã gặp gỡ với D.Dein, khi đó là phó chủ tịch Arsenal. Cuộc gặp gỡ không giống những cuộc gặp khác. Dein mời Wenger đến nhà một người bạn ăn tối, tham gia trò chơi đố chữ, và một tình bạn bắt đầu. Khi Arsenal gặp khó, Dein luôn tìm đến Wenger và sau ba lần mời, Wenger đã đồng ý đến Arsenal vào tháng 10-1996 sau hàng loạt cuộc thương lượng với CLB Nagoya Grampus Eight. Trước ngày nhận lời tới tiếp quản Arsenal, chính Dein cũng đã gặp Wenger, họ lại tới nhà người bạn kia, nói chuyện và sau hai tiếng thuyết phục, Arsenal có một HLV “không đáng tin”, nhưng sau đó lại xây dựng được một kỷ nguyên kéo dài tới 22 năm.

Hai mươi tư năm trước, mảnh đất EPL là một khoảnh sân lớn, với quá nhiều thứ phải làm trong một quá trình quá độ từ bóng đá trở thành một ngành công nghiệp giải trí. Chính Wenger chứ không phải Sir Alex đã tạo ra những sự đột phá. Trước khi Wenger đến, các cầu thủ ở Anh luôn sử dụng thực phẩm chính gồm khoai tây chiên, rượu vang nhẹ, mỡ cừu… Nhưng Wenger đã mang đến chế độ ăn mới với Pasta và rau. Ông cũng là người đầu tiên đưa đồ ăn nhẹ vào phòng thay đồ trước các trận đấu, và chính vì thế mà xảy ra vụ “pizzagate” đình đám trong đường hầm trước trận Arsenal gặp MU. Đó là việc HLV Alex Ferguson lĩnh trọn miếng pizza vào mặt, mà mãi sau này mới biết thủ phạm là Fabregas.

Ngoài ra, ông bắt đầu tạo ra những sự thù địch với Sir Alex thông qua cuộc cạnh tranh tay đôi giữa Arsenal và MU, tạo ra một thiên tiểu thuyết kéo dài cho đến ngày Sir Alex nghỉ hưu. Mặc dù ngày Wenger tuyên bố ra đi, trong chuyến làm khách trên sân MU, Sir Alex có tặng quà lưu niệm cho ông, như một lời tri ân, một sự kết thúc những mối hiềm khích. Nhưng với bất kỳ CĐV bóng đá nào thì những câu chuyện giữa họ trong quá khứ luôn là những thước phim đặc biệt, tạo nên sự hấp dẫn cho Premier League.

Trong cuốn hồi ký của mình, Wenger đã khẳng định rằng, ông có nhiều cơ hội làm việc ở Tây Ban Nha, Đức, Pháp, ở những đội bóng lớn như Barca, Real, Bayern, PSG… Nhưng câu trả lời của ông luôn là không. Năm 2008, Real Madrid thậm chí đã tiếp xúc và muốn Wenger đến Bernabeu với mức lương hậu hĩnh, một căn biệt thự và những ưu đãi khó cưỡng. Nhưng Wenger vẫn nói không, với sự tôn trọng tuyệt đối dành cho Arsenal. Rất nhiều năm, ông cũng đối mặt với những chỉ trích, thậm chí là chửi rủa từ các CĐV, nhưng Wenger vẫn đứng vững, kiên định với con đường của mình. Chỉ đến khi ông không thể đi tiếp, khi Ban lãnh đạo Arsenal đưa ra tối hậu thư, hoặc sa thải, hoặc từ chức, Wenger mới ra đi. Và khi ông kết thúc 22 năm gắn bó với Arsenal, người ta tin Wenger đã thật sự thuộc về Arsenal, thật sự là một biểu tượng vĩ đại trong lịch sử đội bóng.

Wenger hiểu những gì mình làm, đam mê những gì mình làm, và tận hiến tất cả cho những gì mình làm. Ngay từ khi còn là một chàng trai trẻ, Wenger đặt mục tiêu đến Anh. Ông từng ở trong một căn nhà trọ chỉ phục vụ bữa sáng, ở đó học tiếng Anh. Ông nói: “Người Anh phát minh ra bóng đá, tôi phải nói tiếng của họ, sống trong cuộc sống bóng đá của họ và làm việc ở đó”. Ông đã tới, đã ở Anh và sống 22 năm với tất cả nhiệt huyết và đam mê.

Câu chuyện về Wenger còn dài, còn rất nhiều những chi tiết thú vị. Nhưng có lẽ chỉ cần biết chi tiết sau đây cũng đủ hiểu về Wenger. Hơn 30 năm từ ngày làm HLV cho đến tận bây giờ, trước ngày ra đi, ông vẫn giữ nguyên tắc bất di bất dịch: không ra ngoài hai ngày trước trận đấu, ăn chế độ của các cầu thủ với cá, rau và nước khoáng. Ông từng nói: “Tôi chuẩn bị cho mỗi trận đấu tốt hơn nhiều cầu thủ”. Có lẽ ở thời đại bóng đá thực dụng, kim tiền và vị danh hiệu, sẽ chẳng còn HLV như Wenger nữa. Thậm chí, một HLV trung thành với một CLB, sống chết với nó cũng sẽ không bao giờ có nữa. Và cũng chính vì thế, Wenger xứng đáng là một tượng đài, một biểu tượng vĩ đại…

Processed with VSCO with preset

Cuốn sách này cố gắng chạm tới cốt lõi của những thành tựu và đưa ra nhận định về phương pháp huấn luyện của Arsene Wenger. Dựa trên những góc nhìn chi tiết từ các cầu thủ, nhân viên và ban lãnh đạo, cũng như nhiều năm đưa tin và theo dõi từng động thái của câu lạc bộ, nó đặt câu chuyện đặc sắc của Wenger vào trung tâm của một cuộc cách mạng bóng đá.

John Cross bắt đầu sự nghiệp báo chí tại tờ Islington Gazette. Chính tại đây, ông có những mối liên hệ độc nhất vô nhị với Arsenal. Kể từ 1999, ông làm việc cho tờ Daily Mirror với vị trí phụ trách mục bóng đá và là phóng viên chính đưa tin về đội bóng này.

nguồn: báo Nhân dân