Tuyệt tác văn chương Italy có bản lược dịch tiếng Việt từ năm 1978. Sau này, PGS Nguyễn Văn Hoàn đã chuyển ngữ toàn bộ tác phẩm “Thần khúc”.

Dante là thi hào lỗi lạc của Italy. Tác phẩm Thần khúc của ông nổi tiếng khắp thế giới. Tại Việt Nam, tác phẩm đã được dịch từ năm 1978, một số trích đoạn tác phẩm được giảng dạy trong các chương trình dạy học văn chương.

Dante và sự đón nhận tác phẩm Thần khúc tại Việt Nam đã được các nhà nghiên cứu bàn luận trong tọa đàm khoa học kỷ niệm 700 năm mất của đại thi hào Dante Alighieri (1321-2021).

Tọa đàm do Đại sứ quán Italy tại Việt Nam, Viện Văn học và Nhà xuất bản Khoa học Xã hội tổ chức hôm 23/10. Đây là một trong những hoạt động kỷ niệm 700 năm ngày mất Dante được tổ chức tại nhiều nơi trên thế giới.

Ông Antonio Alessandro tại tọa đàm hôm 23/10. Ảnh: M.P.

Hai bản dịch trọn vẹn

Theo thạc sĩ Trần Hồng Hạnh (cán bộ Đại sứ quán Italy), bản dịch tác phẩm Thần khúc ra mắt độc giả Việt Nam lần đầu năm 1978 với 30 khúc. Đây là bản do GS Lê Trí Viễn và nhà thơ Khương Hữu Dụng tuyển dịch từ 100 khúc nguyên bản. Bản lược dịch này được thực hiện với tiêu chí “lược bớt những khúc ca xét ra không cần thiết lắm, hoặc khó hiểu quá, chỉ chọn một số khúc thường được nhắc đến”.

Bản của Khương Hữu Dụng và Lê Trí Viễn dịch theo bản tiếng Pháp của Henri Longnon, do Nhà xuất bản Văn học phát hành.

Hơn 30 năm sau, PGS Nguyễn Văn Hoàn (giảng viên văn học Italy tại Đại học Sư phạm Hà Nội) đã dịch trọn vẹn tác phẩm. Là người nhận học bổng tiếng Italy, từng biên soạn cuốn Từ điển Việt – Ý (1999) và Từ điển Ý – Việt (2002), đến năm 2009, PGS Hoàn mới hoàn thành bản dịch Thần khúc. Từ khi PGS Hoàn bắt tay dịch đến khi hoàn tất tác phẩm là 30 năm.

Sinh thời, PGS Nguyễn Văn Hoàn quyết định dịch Thần khúc từ mong ước giúp độc giả Việt Nam tiếp xúc một trong những tác phẩm quan trọng nhất trong lịch sử văn học nhân loại. Ông cũng chia sẻ dịch tác phẩm là một thử thách lớn.

Trong khoảng 10 năm gần đây, một số dịch giả khác thử sức dịch Thần khúc, đa số là lược dịch một số khúc. Thạc sĩ Trần Hồng Hạnh cho biết bản trọn vẹn duy nhất sau bản dịch của PGS Nguyễn Văn Hoàn là của Nhất Uyên.

Nhất Uyên là bút danh của tiến sĩ ngành khoa học giáo dục Phạm Trọng Chánh, đang làm việc tại Đại học Paris V, Pháp. Các bản dịch mềm này được công bố trên Internet.

Ông Antonio Alessandro – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Italy tại Việt Nam – coi những bản dịch đó là một trong những chiếc cầu nối văn hóa giữa hai nước. Đại sứ Italy tại Việt Nam bày tỏ sự trân trọng với các dịch giả đã mang áng thơ Italy tới Việt Nam.

“Tình hữu nghị của chúng ta thể hiện ở nhiều mặt, trong đó có hoạt động văn thơ như buổi tọa đàm hôm nay”, Đại sứ Antonio Alessandro nói.

Đặc biệt, ông Antonio Alessandro tưởng nhớ tới PGS Nguyễn Văn Hoàn: “PGS Nguyễn Văn Hoàn đã qua đời sáu năm trước, nhưng chúng tôi vẫn luôn tưởng nhớ và ngưỡng mộ thành quả lao động của ông với tư cách là một trong những học giả am hiểu về ngôn ngữ và văn hóa Italy trong khu vực châu Á. Những đóng góp to lớn của ông trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, dịch thuật và nghiên cứu đã góp phần thắt chặt quan hệ hợp tác giữa Italy và Việt Nam”.

Sách Địa ngục – một phần của Thần khúc – do PGS Nguyễn Văn Hoàn dịch, mới được Nhà xuất bản Khoa học Xã hội tái bản. Ảnh: M. P.

Ảnh hưởng của Dante

PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp – Viện trưởng Viện Văn học – chỉ ra những điểm tương đồng trong con người, tác phẩm của hai đại thi hào Dante và Nguyễn Du.

“Mỗi quốc gia có một nhà văn đại diện cho sự giàu có của văn chương quốc gia ấy: Shakespeare của Anh, Cervantes của Tây Ban Nha, Dante của Italy, Nguyễn Du của Việt Nam”, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp nói.

Theo viện trưởng Viện Văn học, Dante và Nguyễn Du đều sinh ra trong gia đình quý tộc, hoạt động văn chương và chính trị; cả hai đều tài hoa, uyên bác, vượt lên trên thời đại của mình.

Sinh ra trong giai đoạn chính trị đầy biến động, Dante phải lưu vong, cũng giống Nguyễn Du có 10 năm gió bụi. Cả hai tác phẩm Truyện Kiều và Thần khúc suy cho cùng đều nói về số phận con người, đi đến khát vọng muôn đời. Đặc biệt, cả hai thi hào đều góp phần gìn giữ, phát triển ngôn ngữ dân tộc mình.

Sau 7 thế kỷ, tác phẩm của những đại thi hào vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới văn hóa, nghệ thuật.

Đối với Thần khúc, tác phẩm đã được dịch sang 60 ngôn ngữ, đưa Dante đi khắp thế giới. Tác phẩm được chuyển thể, gợi cảm hứng cho nhiều tác phẩm ở các loại hình nghệ thuật.

Từ năm 1900 đến 1949, 36 bộ phim lấy cảm hứng từ các nhân vật và từ tác phẩm Thần khúc. Giai đoạn 1950-2000 có 17 phim.

Bà Maria Benimeo – Tùy viên Văn hóa, Đại sứ quán Italy tại Việt Nam – cho biết ngày nay, tác phẩm của Dante tiếp tục truyền cảm hứng, đi vào các sáng tác đương đại. Năm nay, Nhà xuất bản Giunti đã xuất bản bộ truyện tranh mang tên Paper Dante, nhanh chóng bán hết.

Bà Maria Benimeo cũng đưa ra nhiều dẫn chứng về sự ảnh hưởng của Dante trong âm nhạc, quảng cáo, trò chơi điện tử, chứng minh sự hiện diện và khơi nguồn cảm hứng của Dante trong các loại hình nghệ thuật đương đại.

Dante Alighieri (1265-1321) – đại thi hào người Italy – nhà thơ “cuối cùng của thời Trung cổ, người mở đầu cho trào lưu văn hóa Phục hưng”; ông có tầm ảnh hưởng lớn về văn hóa, văn học thế giới.

Tác phẩm lớn nhất của Dante là Thần khúc, viết bằng tiếng Italy, gồm 14.226 câu thơ, được chia làm ba phần: Địa ngục, Luyện ngục và Thiên đường.

nguồn: https://zingnews.vn/cac-ban-dich-than-khuc-o-viet-nam-post1272834.html