Thomas L.Friedman không phải là cái tên xa lạ với bạn đọc Việt Nam, hai tác phẩm của ông đã rất nổi tiếng, đó là Thế giới phẳng và Chiếc lexus và cây oliu – những cuốn sách về kinh tế được yêu thích nhất tại Việt Nam từ khi xuất bản cho đến nay.

Điều đáng nói là sự thành công của sách không phải chỉ là về chủ đề kinh tế mà còn nằm ở chỗ tác phẩm đã giúp cho bạn đọc hình dung ra cách mà thế giới tương lai vận hành, những cái giá phải trả của sự phồn vinh… Thậm chí sau đó, khái niệm “thế giới phẳng” còn trở thành một danh từ chỉ những vấn đề trong quá trình hội nhập, phát triển.
Vừa qua, NXB Trẻ đã giới thiệu tác phẩm mới nhất của Friedman với nhan đề Cảm ơn vì đến trễ. Cũng giống như Thế giới phẳng hay Chiếc lexus và cây oliu, cuốn sách này không chỉ bàn về thực trạng kinh tế thế giới, mà hơn hết, nó lý giải điều gì đang diễn ra với các thế giới, từ kinh tế đến chính trị, xã hội…
Khoảng dừng là ý tưởng xuyên suốt cả bộ sách, giữa những dòng xoáy của sự phát triển, khoảng dừng là thời điểm giúp người đọc nhìn lại quá khứ, hiểu điều gì đã từng xảy ra, làm thay đổi tất cả. Tác giả đặt mốc thời gian năm 2007, năm mà theo ông là điểm mốc định hình cả thế giới hôm nay. Ngày 9-1-2007, Steve Jobs giới thiệu điện thoại iPhone. Vài tháng sau, Google giới thiệu hệ điều hành Android, thêm vài tháng, Facebook – mạng xã hội dành riêng cho trường học bước ra cộng đồng. Rồi cũng năm 2007, một dự án khởi nghiệp nhỏ trình làng với cái tên Twitter, công ty bán hàng trực tuyến Amazon giới thiệu máy đọc sách điện tử Kindle… Tất cả khi đó đều có vẻ rất bình thường.
 Năm 2014, trong một lần tìm chỗ gửi xe tại New York, Friedman gặp một người giữ xe, qua trò chuyện ông biết được đó là một công dân Ethopia lưu vong. Người này giới thiệu trang mạng xã hội của mình cho ông và sau đó Friedman phát hiện ra rằng, người giữ xe đó hàng ngày sau giờ làm đã viết các bài phân tích về tình hình xã hội Ethopia, về vấn đề cuộc sống, về ảnh hưởng của suy thoái kinh tế… Và Friedman chợt giật mình khi hiểu ra, với tiến bộ công nghệ, người giữ xe bình dị đó cũng là một nhà báo chẳng khác gì ông, một phóng viên cao cấp của tờ báo thuộc dạng nổi tiếng thế giới (The New York Times). Đây là một ví dụ điển hình của sự thay đổi công nghệ đã ảnh hưởng đến mọi người như thế nào.
Trong Cảm ơn vì đến trễ, Thomas L. Friedman phơi bày những sự chuyển động mang tính kiến tạo đang tái định hình thế giới ngày nay và giải thích cách để tận dụng tối đa lợi ích từ chúng. Luận đề của Friedman là: để hiểu được thế kỷ 21, bạn cần phải hiểu 3 lực lượng lớn nhất của hành tinh này: Định luật Moore (công nghệ), Thị trường (toàn cầu hóa), và Thiên nhiên (biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học) – đang tăng tốc cùng lúc, làm thay đổi nơi làm việc, chính trị, địa chính trị, đạo đức và cộng đồng. Cũng vì vậy, có thể xem Cảm ơn vì đến trễ là một tác phẩm về lịch sử đương đại, đóng vai trò như một minh họa điển hình về sự tăng tốc của thế giới.
Được viết bằng ngòi bút đầy sức sống, trí tuệ và sự lạc quan đặc trưng “kiểu Friedman” và cùng với sự tiếp cận trực tiếp với rất nhiều người đi đầu, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, công nghệ lớn có ảnh hưởng quyết định trong những sự thay đổi mà ông miêu tả, Cảm ơn vì đến trễ được chính Friedman kỳ vọng là tác phẩm tham vọng nhất của ông, nhằm chỉ ra một tương lai gần của thế giới như Thế giới phẳng đã làm.
Xuân Thân/SGGPO