Theo ông Lê Hoàng, sách là người bạn nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ. Cha mẹ phải tham gia đọc sách cùng con, giúp con hình thành thói quen và đam mê với việc đọc.

“Làm cách nào để nuôi dưỡng đam mê đọc sách cho con?” là chủ đề được thảo luận tại buổi tọa đàm “Xây dựng tủ sách cho con và đọc sách cùng con trong gia đình như thế nào?”. Chương trình diễn ra sáng 3/7 tại đường sách TP.HCM, do Hội Xuất bản Việt Nam, Văn phòng đại diện phía Nam tổ chức.

Tại tọa đàm, các diễn giả đã thảo luận về cách xây dựng văn hóa đọc trong gia đình cũng như xây dựng thói quen đọc sách cho con. Giải pháp giúp phụ huynh nuôi dưỡng đam mê đọc sách cho con em mình, giúp trẻ phát triển toàn diện về tri thức, hoàn thiện nhân cách cũng được đề xuất tại chương trình.

Các diễn giả tại tọa đàm “Xây dựng tủ sách cho con và đọc sách cùng con trong gia đình như thế nào?”. Ảnh: Nhật Xuân.

Tủ sách là nơi kết nối gia đình

Ông Lê Hoàng – Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM – khẳng định tầm quan trọng của văn hóa đọc trong gia đình.

“Có nhiều tiêu chí xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc nhưng có 2 tiêu chí quan trọng gồm sự chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, thuận lợi cũng như khó khăn… và hoàn thành trách nhiệm của các thành viên trong gia đình với nhau. Tủ sách chính là nơi kết nối, là không gian để các thành viên ngồi lại, sẻ chia, là công cụ góp phần thực hiện 2 tiêu chí trên”, ông Lê Hoàng nói.

Cũng theo ông Lê Hoàng, cha mẹ nuôi con cần đạt được 3 tố chất: Thể chất, trí chất và phẩm chất. Trong đó việc phát triển phẩm chất cho trẻ không chỉ thông qua sự giáo dục của gia đình, nhà trường mà còn phải thông qua những cuốn sách.

“Sách là người bạn nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ. Chính vì vậy, để con phát triển toàn diện, cha mẹ phải xây dựng cho con thói quen đọc sách ngay từ khi còn nhỏ, tham gia đọc sách cùng con, giúp con hình thành thói quen và đam mê với việc đọc”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Với 15 năm trăn trở trong ngành xuất bản và câu hỏi “làm cách nào để các bậc phụ huynh lựa chọn được cuốn sách phù hợp cho con”, ông Lê Hoàng đưa ra gợi ý cho cha mẹ hãy bám theo chương trình học của con ở trường.

Ví dụ, lớp 1 có môn Đạo đức, môn học này có các chủ đề như yêu thương gia đình; quan tâm, chăm sóc người thân trong gia đình; tự giác làm việc của mình, thật thà, sinh hoạt nề nếp tự chăm sóc bản thân. Cha mẹ có thể dựa vào các chủ đề trên để lựa những cuốn sách có nội dung phù hợp với con. Điều này vừa giúp con nuôi dưỡng tâm hồn lại có thể hỗ trợ các con học tập ở trường.

Bên cạnh đó, cha mẹ có thể tham khảo xây dựng tủ sách theo định hướng phát triển 5 phẩm chất và 10 năng lực. Đây là khung chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Cụ thể, 5 phẩm chất gồm: yêu nước, trách nhiệm, trung thực, chăm chỉ, nhân ái. 10 năng lực gồm: tự chủ và tự học, năng lực thể chất, năng lực thẩm mỹ, năng lực tin học, năng lực công nghệ, năng lực khoa học, năng lực toán học, năng lực ngôn ngữ, giải quyết vấn đề và sáng tạo, giao tiếp và hợp tác.

Dạy trẻ thông qua các câu chuyện chứ không phải giáo điều

Trả lời cho câu hỏi làm thế nào để đọc sách cùng con hiệu quả cũng như nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách cho con, ông Khiêm Nguyễn – Đại diện Việt Nam của Build a School Foundation – cho rằng mỗi phụ huynh phải đọc làm gương.

Cha mẹ nên nuôi dưỡng tình yêu đọc sách từ khi con còn nhỏ. Ảnh: Thuận Thắng.

“Đầu tiên, bạn không thể mong ước con mình thích đọc nếu bạn không phải là một người thích sách. Nếu chúng ta chưa đọc sách thì hãy là một phụ huynh đọc sách để làm gương cho con”, ông Khiêm Nguyễn nói.

Tiếp đến, cha mẹ không nên biến việc đọc sách trở thành áp lực mà hãy truyền cảm hứng đọc cho con, hãy tạo cho con không gian vui vẻ, thoải mái.

Quá trình nuôi dưỡng tình yêu đọc sách cho con có 5 yếu tố cha mẹ cần quan tâm là: “chọn sách đúng”, “lựa chọn thời gian phù hợp”, “tương tác”, “đọc đi đọc lại” và “ghi nhận”.

Theo đó, “chọn sách đúng” là chọn được cuốn sách phù hợp với con trẻ, mỗi lứa tuổi cần có những câu chuyện phù hợp, cha mẹ dạy con phải qua các câu chuyện chứ không phải giáo điều. Với những cuốn sách khó, hãy hướng dẫn, khuyến khích để con tự chọn chứ không nên ép các bé.

“Lựa chọn giờ” tức giờ đọc sách nhất định phải là khoảng thời gian thoải mái, vui vẻ của gia đình, đừng cứng nhắc phải dành ra bao nhiêu phút hay cố định giờ nào thì đọc sách cùng con. Cha mẹ phải đảm bảo giờ đọc sách phải là khoảng thời gian tuyệt vời cùng gia đình.

Cha mẹ nên tương tác, hiện diện 100% khi đọc sách cùng con, đừng để các yếu tố khác làm phiền trong ít nhất 15 phút. Hãy dành thời gian đọc sách cho con một cách trọn vẹn.

Bạn nhỏ thường thích được nghe đi nghe lại một câu chuyện, hãy vui lòng với yêu cầu “đọc đi đọc lại” đó của con. Tuy nhiên hãy thử kể lại câu chuyện một cách khác, đọc ngắn hơn, tương tác cùng con, đặt câu hỏi “tại sao?”, “thế nào?”, khuyến khích con tư duy sâu vào câu chuyện.

Cuối cùng là yếu tố “ghi nhận” khi đọc sách. Cha mẹ đừng chỉ đọc nội dung, hãy kể về cả tiểu sử tác giả cho con, ghi nhận và thể hiện lòng biết ơn với tác giả.

Đồng quan điểm với ông Khiêm Nguyễn, ông Lê Hoàng Thạch – CEO Công ty Wewe (sách nói Voiz FM) – cho biết xây dựng văn hóa đọc cần nền tảng bắt nguồn từ sự yêu thích, đặc biệt trẻ nhỏ càng không thể đọc nếu chúng không có tình yêu với sách.

Ngày nay, công nghệ có thể hỗ trợ phụ huynh xây dựng tình yêu đọc sách cho trẻ. Sách nói có thể thay cha mẹ kể câu chuyện cho con.

“Tuy nhiên, sách công nghệ hay sách nói chỉ có thể dừng lại ở hỗ trợ chứ không thể thay thế được sự tương tác, sẻ chia, kết nối giữa cha mẹ và trẻ nhỏ”, ông Thạch khẳng định.

Các diễn giả đều cho rằng gia đình là cái nôi để phát triển văn hóa đọc. Đồng thời, việc cha mẹ và con cái cùng đọc sách cũng góp phần làm cho mỗi gia đình trở thành mái ấm hạnh phúc.

nguồn: https://zingnews.vn/cha-me-khong-the-mong-con-yeu-thich-sach-neu-minh-khong-doc-post1331603.html