Chánh niệm là sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc và kéo dài khoảnh khắc đó vào miền vĩnh cửu của linh hồn. Kết nối một cách đầy ý nghĩa với lịch sử ẩm thực của con người có thể đem lại cảm giác về sự nhận thức mở rộng này.

Một trong những điều tử tế nhất mà chúng ta có thể làm cho bản thân là thực hiện một chuyến đi bộ chất lượng. Đi bộ là một trong những hoạt động tự nhiên nhất trên thế giới, giúp rèn luyện thân thể, kích thích trái tim và cải thiện hơi thở, đồng thời cũng giải phóng tâm trí để trở nên cởi mở, linh hoạt và mẫn cảm hơn. Cũng tương tự như một cơ bắp bị căng cứng, tâm trí cũng cần được thả lỏng nhẹ nhàng trước khi ngơi nghỉ để rồi chúng ta có thể tận hưởng được khoảnh khắc hiện tại và đối mặt với thực tế. Sau một chuyến đi bộ thành công, tâm trí ta tươi mới và tỉnh táo.

25 suy tưởng trong cuốn sách này giúp bạn khám phá ra cách đi bộ như thế nào để gia tăng mức độ nhận thức và cải thiện cuộc sống ý thức của mình; để khiến cho cuộc đi bộ trở nên thú vị hơn, bởi chúng ta dần hiểu được chỗ đứng của mình trong thế giới tự nhiên và để ý thức hơn với khoảnh khắc hiện tại. Những câu hỏi vốn ẩn phía sau tâm trí có thể được gợi lên: Tôi là ai? Tôi đến từ đâu? Tôi đang làm gì ở đây? Tôi đang đi đâu? Những chuyến đi bộ có thể chỉ là cuộc đi dạo nhẹ nhàng hằng ngày hoặc có thể mở rộng ra thành những chuyến đi được lên kế hoạch cẩn thận: Đưa chúng ta đi qua đường chân trời, xuôi theo dòng của một con sông lớn hay vượt lên trên những rặng núi và xuyên qua các cánh rừng.

Đây là cuốn sách nằm trong bộ “Chánh niệm từng phút giây”. Cuốn sách gợi mở những suy nghĩ mới về việc đi bộ – một trong những hoạt động thú vị nhất mà chúng ta thực hiện mỗi ngày – như một cách tiếp cận có “chánh niệm” hơn với cuộc sống.

Tác giả:

Adam Ford là một linh mục Anh giáo, hiện đã nghỉ hưu. Ông có bằng Thạc sĩ về tôn giáo Ấn Độ và thường xuyên thuyết giảng về Phật giáo và Ấn Độ giáo. Ông là tác giả của The Art of Mindful Walking (2011), Seeking Silence in a Noisy World (2011), Mindfulness & the Art of Urban Living (2013), và Galileo & The Art of Aging Mindful (2015).

Trích đoạn sách:

Một người bước đi chầm chậm theo bản năng qua một cái cây hay một khu rừng, như thể đang thám hiểm mặt đất thần thánh. Có quá nhiều thứ để tiếp nhận, các giác quan được cảnh báo từ mọi hướng – mùi của đất mùn và lá rữa, tiếng kêu ồn ào của một con bồ câu rừng, tiếng răng rắc của cành cây gãy khi một con vật giật mình, thoáng hiện ra trong một giây phút nơi ánh sáng mờ ảo, biến mất vào trong các bụi rậm.

Hãy tìm một nơi để dừng lại. Làm quen với khung cảnh. Cảm nhận kết cấu của một thân cây, vẻ nhẵn bóng của một cây sồi hay lớp vỏ xù xì, thô xốp của một cây củ tùng. Thở sâu và hít vào mùi của đất mùn trên mặt đất rừng. Nếu có thể, hãy tìm một nơi để ngồi, có thể là một khúc gỗ; hay nếu bạn may mắn và đang đi bộ trên con đường rừng trong công viên, có thể có một băng ghế dài. Đó sẽ là một chỗ tốt để thực hành hít thở chánh niệm. Cứ từ từ. Nhận biết bất cứ suy nghĩ phân tán hay phiền muộn nào mà bạn có thể có, nhận diện chúng và để chúng ra đi. Chú tâm vào không khí khi bạn hít vào chậm rãi, mở lá phổi của bạn ra rồi thở ra mà không cần cố gắng. Nhận biết bản thân đang hít thở giữa những cái cây.

Người ta thường nói về việc chinh phục một quả núi, cứ như thể quả núi đó là một đối thủ cần phải kiểm soát. Nhiều người leo núi nói theo cách này, nhìn các mỏm đá, vách đá, đỉnh núi và độ cao, độ xa như những thách thức về thể chất – tất nhiên điều này cũng tốt thôi. Cách tiếp cận các đỉnh núi khó leo của vùng đồi núi như vậy khơi dậy những nét tính cách tốt nhất, giúp phát triển kỹ năng và đôi khi là khả năng làm việc nhóm, thử thách nỗi sợ và khuyến khích năng lực tập trung vào các yêu cầu thực tế trong một số khoảnh khắc. Việc chinh phục này có thể là công việc nguy hiểm, nhưng cũng khích lệ sự hiểu biết về bản thân và nhận thức điểm mạnh và điểm yếu của một con người – và chắc chắn có liên quan đến một kiểu chánh niệm trong chính hành động này

Trong khi tuân thủ lời khuyên “Cố gắng không đi bộ và nói chuyện cùng một lúc”, chúng ta không nên bỏ lỡ cơ hội cho một cuộc trò chuyện nhỏ với một người qua đường. Những cuộc gặp gỡ này có thể chứa đựng điều gì đó đặc biệt và bất ngờ. Hai người hầu như không quen biết gặp nhau ở một cái cổng hay bậc thang; họ chia sẻ niềm vui thú khi đi bộ và nhận xét về sự ưu ái của thời tiết hay một cơn mưa đang đến gần. Mỗi người đều tận hưởng sự tạm ngừng và bắt đầu trò chuyện. Một cuộc gặp gỡ như vậy có thể rất thú vị và đáng nhớ. Sau tất cả, con người cũng là một phần của cuộc sống, của một thế giới mà chúng ta nên chú tâm vào – như những cái cây và đồi núi, bướm hay chim. Điểm khác biệt duy nhất là con người phức tạp và khó hiểu hơn rất nhiều khi mang theo thế giới bên mình.