Aristotle viết tác phẩm Chính trị luận năm 350 TCN. Cuốn sách này được xem là căn bản cho Chính trị học Tây phương và ảnh hưởng sâu rộng tới các tư tưởng gia đời sau như Cicero, St. Augustine, Aquinas, và các lý thuyết gia khác thời Trung Cổ. Các lý thuyết gia hiện đại như Machiavelli, Hobbes, và các nhà tư tưởng thời Khai Sáng đều dựa trên nền tảng này mà phê phán lý thuyết và mô hình chính trị kiểu Aristotle. Nhờ vậy, họ đã phát triển nên các hệ tư tưởng mới. Vì thế, dù chúng ta có đồng ý hay không với lập luận và lý thuyết của Aristotle, hiểu rõ các nguyên lý căn bản mà Aristotle đã đề ra vẫn là điều cần thiết để có thể hiểu được các nhà tư tưởng thời Khai sáng và Hậu hiện đại.

Trong Chính trị luận, Aristotle đã dùng phương pháp luận lý quy nạp, đi từ đơn vị xã hội nhỏ nhất là gia đình tới xã hội và cuối cùng là quốc gia, để tìm ra những đặc tính thiết yếu mà nhà nước phải có để trở thành một nhà nước lý tưởng. Ngoài phương pháp quy nạp, Aristotle cũng dùng phương pháp so sánh giữa mô hình nhà nước “lý tưởng” và mô hình nhà nước trong thực tế và đưa ra những nguyên lý xây dựng một nền chính trị mang lại “điều tốt nhất” cho con người.

Một số vấn đề được đề cập đến trong Chính trị luận:
– Aristotle tán thành ý kiến của Plato là con người không thể không có quốc gia và mục đích căn bản của chính khách là xây dựng một quốc gia “tốt nhất” – chứ không phải một quốc gia “lý tưởng”;
– Aristotle chú trọng vào sự cải tổ quốc gia đương thời thay vì xây dựng một quốc gia mới hoàn toàn. Theo ông, quốc gia cung cấp cho con người nhiều ích lợi về mặt vật chất nhưng, quan trọng hơn hết, là về mặt luân lý, đạo đức. Ông tin là nhân loại lúc nào cũng cố gắng tìm kiếm những gì tốt đẹp cho nên tổ chức quốc gia có khả năng giúp cho nhân loại tiến bộ;
– Aristotle chú trọng vào vai trò của Hiến pháp và chính thể pháp trị. Hiến pháp là bộ luật căn bản quy định sự phân quyền và tưởng thưởng trong một quốc gia. Sự thành công của một quốc gia lệ thuộc vào khả năng phân chia quyền lợi đồng đều trong xã hội. Quốc gia sẽ đạt được công lý nếu sự tưởng thưởng được chia sẻ và quyền lực chính trị được sử dụng trên căn bản đóng góp cho sự ích lợi của xã hội;
– Theo Aristotle, xã hội dân chủ thực dụng và tốt nhất bao gồm đa số nhân dân lo cày cấy và cho phép các chính khách có khả năng quản trị quốc sự. Quyền lực chính trị tối thượng nằm trong tay của công dân và họ chỉ sử dụng để thay đổi những chính khách vô tài hay phạm lỗi. Chính thể dân chủ do Aristotle đề nghị là chính thể dân chủ đại diện (hay gián tiếp) mà công dân giao trọng trách quản trị quốc gia cho các vị đại diện có khả năng;
– Khi bàn về vấn đề nô lệ, Aristotle quan niệm theo cái nhìn của dân Athens vào thời đó. Sự khác biệt về khả năng và tài đức khiến con người bị phân chia thành chủ nhân và nô lệ. Mặc dù công nhận sự thực một số nô lệ có khả năng và tài đức hơn chủ nhân mà vẫn phải sống đời sống nô lệ là không đúng, Aristotle vẫn tin là một số người sinh ra làm chủ nhân và một số người khác phải làm nô lệ. Ông chỉ khuyên là chủ nhân nên đối xử với nô lệ một cách nhân từ…

Aristotle không những là một trong những triết gia vĩ đại của Cổ Hy Lạp mà còn của thế giới phương Tây. Ông sinh năm 384 và mất năm 322 TCN tại Stagira, một thị trấn nhỏ phía đông thành phố Salonica, sát biên giới vương quốc Macedonia. Xuất thân từ một gia đình trí thức, cha của Aristotle là ngự y của vua Macedonia nên từ nhỏ, Aristotle đã được học về thiên nhiên và sinh vật qua quan sát cũng như qua các tài liệu y học của phụ thân.

Sau này, dưới sự hướng dẫn của Plato trong suốt 20 năm học tập và nghiên cứu, Aristotle có điều kiện tiếp xúc với đủ mọi ngành học thuật từ toán học, văn học, sinh vật học cho đến triết học. Aristotle chú trọng đặc biệt đến siêu hình học (metaphysics) – môn học nghiên cứu về “ý tưởng,” những gì bên ngoài và ở bên kia thực tại, không phụ thuộc vào giác quan – cùng thiên văn học và chính trị học.

Aristotle là học trò của Platon và thầy dạy của Alexandros Đại đế. Di bút của ông bao gồm nhiều lĩnh vực như vật lý học, siêu hình học, thi văn, kịch nghệ, âm nhạc, luận lý học, tu từ học, ngôn ngữ học, chính trị học, đạo đức học, sinh học, và động vật học. Ông được xem là người đặt nền móng cho môn luận lý học. Ông cũng thiết lập một phương cách tiếp cận với triết học bắt đầu bằng quan sát và trải nghiệm trước khi đi tới tư duy trừu tượng. Cùng với Platon và Socrates, Aristotle là một trong ba cột trụ của văn minh Hy Lạp cổ đại.

Tác giả: Aristotle
Nhà xuất bản: NXB Thế giới
Công ty phát hành: Omega Plus