Một thực tế không thể phủ nhận, lứa tuổi càng nhỏ càng dễ chịu ảnh hưởng từ những trang sách. Thế nhưng việc lựa chọn những cuốn sách hay, kích thích sự phát triển lành mạnh của trẻ nhỏ, giúp trẻ học điều hay lẽ phải lại không phải là một điều dễ dàng nhất là với các bậc phụ huynh.
Sách không dành cho trẻ em
Tại Hội sách TPHCM vừa diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua, trong buổi tọa đàm về sách thiếu nhi, chị Hoàng Thị Thùy Liên, đang sống tại quận Gò Vấp phát biểu, chị đi hội sách, chọn rất nhiều cuốn sách cho cô con gái 6 tuổi. Nhiều cuốn in rất đẹp, đề rõ cho thiếu nhi nhưng mua rồi, ngồi đọc với con chị mới ngạc nhiên vì nội dung trong sách không phù hợp với con chị, thậm chí nhiều nội dung về sinh lý mà theo chị ít nhất phải 5-6 năm nữa bé mới cần đến.
Chị cho biết: “Nội dung không sai nhưng theo tôi nếu không có sự hỗ trợ của bố mẹ, trẻ có thể đọc những cuốn sách vốn dĩ hay nhưng lại không phải dành cho lứa tuổi của các em và khi đó sách hay lại thành sách dở”. 
Nhắc đến sách thiếu nhi, hẳn không ai không nhớ đến bộ sách Doreamon nổi tiếng của Nhật (trước đây thường gọi là Đôrêmon). Thế nhưng ngay cả bộ sách này cũng từng gây dư luận vì theo một số bạn đọc là phụ huynh phản ánh là nội dung có nhiều chi tiết không phù hợp như học sinh đánh nhau, yêu đương, nhìn trộm tắm… Hay như bộ Shin – Cậu bé bút chì đã từng phải đình bản do có nhiều yếu tố không phù hợp với trẻ em 6 tuổi (độ tuổi của nhân vật chính trong sách).
Trên một diễn đàn lớn chuyên để các bà mẹ trao đổi về kinh nghiệm nuôi con, một phụ huynh đã bức xúc khi phát hiện cuốn sách truyện tranh Nhật cậu con trai lớp 3 của mình đọc lại có những chi tiết mà theo chị là “không thể tưởng tượng nổi”. Bối cảnh trong sách là một trường trung học cơ sở với những câu chuyện tuổi học trò nên ban đầu chị không để ý. Thế nhưng một lần tình cờ giở vài trang sách thì phát hiện câu chuyện trong sách đang diễn tiến theo hướng một cô giáo có quan hệ tình cảm với học trò, sau đó cô bị giết chết và cậu học trò bị tình nghi là thủ phạm. Điều đáng nói là hình ảnh cái chết được miêu tả cụ thể với tình trạng nạn nhân không mặc quần áo, nằm trong bồn tắm. Hình ảnh, nội dung đó không thể nào coi là phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học hay cả các cấp học khác ở Việt Nam
Những hình ảnh hay nội dung như vậy không hề xa lạ ở trên thị trường sách, do khác biệt về quan niệm. Nhiều nước như Âu, Mỹ, Nhật xem truyện tranh là một loại sách cho mọi người đọc dù lớn hay nhỏ. Lớn có truyện tranh cho lớn và nhỏ có truyện tranh cho tuổi nhỏ. Thế nhưng, khi về Việt Nam theo quan niệm cũ, nhiều người quan niệm rằng cứ truyện tranh là của trẻ em nên vì thế cứ thấy con xin mua hay đọc truyện tranh là đồng ý. Và trong điều kiện đó, không khó để những cô cậu bé tiếp cận với những cuốn sách vốn dĩ được viết ra không phải cho các em.
Chọn sách cho con: không dễ
Vừa qua, Cục Xuất bản có yêu cầu về việc bắt buộc các đơn vị xuất bản khi làm sách thiếu nhi phải có ghi chú lứa tuổi phù hợp. Tuy nhiên, điều đáng nói là việc quy định tuổi nào đọc cái gì lại bỏ ngỏ cho các NXB tự quyết định. Với các NXB, công việc này được giao xuống cho các biên tập viên vì đây là người tiếp cận với sách rõ nhất. Thế nhưng quan niệm về đọc của các đơn vị lại khác nhau, có trường hợp sách in ở đơn vị này quy định là tuổi mới lớn (14-16) nhưng khi đơn vị khác mua bản quyền lại thành tuổi trưởng thành (trên 18)… 
Phụ huynh giúp con chọn sách phù hợp lứa tuổi
Đại diện một NXB lớn của TP cũng thừa nhận rằng hiện nay chúng ta vẫn chưa có một quy chuẩn nào về sách thiếu nhi. Trong khi đó ở các quốc gia có nền xuất bản phát triển, điều này đã được quy định rất rõ và những quy định này được lấy ra từ các cuộc nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Ví dụ như họ quy định rằng với trẻ dưới 2 tuổi sách nên có nhiều màu sắc rực rỡ nhằm tạo sự thu hút và giúp bé tập phân biệt màu sắc, sách phải làm từ nhựa dẻo hay vải, có bìa cứng để trẻ dễ cầm nắm, ít độc hại, nội dung cũng phải đơn giản qua những động vật, hình ảnh gần gũi với trẻ hàng ngày như chú mèo, chó, cây cối… Rồi trẻ đến 3-5 tuổi lại yêu cầu sách phải có điểm khác biệt như ngôn từ mang tính đồng dao, lặp lại giúp trẻ tập nhớ… Từ 6-11 tuổi là giai đoạn tiếp nhận thế giới xung quanh, đây là lúc sách cần có nhiều thông tin, kiến thức phổ thông. Hay từ 12 trở lên bắt đầu định hình những chủ đề cụ thể mà trẻ hứng thú đòi hỏi cần có những cuốn sách đi sâu vào các chủ đề…
Chính các đơn vị xuất bản còn gặp khó khăn nên không có gì lạ khi các bậc phu huynh vô cùng bối rối khi chọn lựa sách cho con mình. Hiện nay cách chọn sách cho con hầu hết dựa trên các cảm nhận mang tính chủ quan như qua đơn vị xuất bản, cứ thấy có uy tín như Trẻ, Kim Đồng là đồng ý mua. Cũng vì thế nếu các đơn vị này gặp sai sót dù lớn hay nhỏ cũng gây phản ứng mạnh cho các phụ huynh. Thứ hai là theo chỉ dẫn từ các diễn đàn mạng, từ các lời giới thiệu sách trên các phương tiện truyền thông và cuối cùng là tự đọc, tìm hiểu trực tiếp. Cách cuối cùng theo chính những người làm sách là hay nhất bởi phụ huynh vốn hiểu nhất về con mình đặc biệt là ở độ tuổi còn trẻ thơ. Có thể với đứa bé lớn hơn tuổi, phụ huynh sẽ chọn sách cao hơn với sự quy định tuổi thông thường hay ngược lại sẽ chọn sách thấp hơn vài tuổi. 
Góp phần ngăn chặn những “món ăn” độc hại
Tuổi thơ dữ dội của nhà văn Phùng Quán là một tác phẩm xuất sắc, thuộc dạng kinh điển về thiếu nhi trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Giá trị nghệ thuật của tác phẩm này đã được khẳng định từ rất lâu nhưng gần đây nó lại được nhắc đến thường xuyên như là một minh họa cho câu chuyện “đọc sách cùng con”. Do bối cảnh trong truyện mang nhiều đặc thù, thời Pháp thuộc, chiến tranh, tù đày, hy sinh, phản bội, lý tưởng… nên nếu để cho một học sinh tiểu học hay thậm chí là trung học cơ sở đọc thì các em sẽ rất khó cảm được sự tuyệt vời của tác phẩm, thậm chí còn có rất nhiều đoạn không hiểu.
Thế nhưng khi đọc với phụ huynh thì lại khác, câu chuyện bắt đầu khi một phụ huynh tại quận Bình Thạnh nghe cô con gái học lớp 6 đi học về kể rằng thầy giáo có nhắc đến một nhân vật trong cuốn Tuổi thơ dữ dội khiến cô bé rất thích, muốn mẹ mua sách về để đọc. Thế nhưng khi đọc sách, cô lại mau chóng chán, bỏ rơi cuốn sách. Thấy thế, hàng đêm trước khi đi ngủ, người mẹ đọc một đoạn sách với con. Lúc đó, chị mới giải thích cho con vì sao nhân vật Mừng lại theo Vệ quốc đoàn, sự thông minh của Lượm, sự hy sinh của Quỳnh “sơn ca”… từ những câu chuyện đó, cô bé trở nên yêu quý các nhân vật trong truyện và đạt giải nhất cuộc thi vẽ tại trường với hình ảnh miêu tả Mừng trên cành cây quan sát trong trận đánh cuối cùng của em.
Câu chuyện này sau đó được nhiều phụ huynh dẫn lại bởi Tuổi thơ dữ dội là tác phẩm khó đọc cho các em tiểu học, trung học cơ sở hiện nay nhưng khi được sự giúp đỡ của phụ huynh, tác phẩm lại nhanh chóng chiếm được cảm tình của các em bởi sự mạnh mẽ, rõ ràng của các nhân vật. 
Sách được xem như món ăn tinh thần nhưng cũng như một món ăn, nếu ăn phải món có hại sẽ ảnh hưởng sức khỏe, món dở sẽ gây chán ăn. Có thể nói, sự giúp đỡ của phụ huynh, từ chuyện chọn sách đọc sách cùng con sẽ góp phần ngăn chặn những món ăn độc hại, chọn được món ngon, phù hợp với bạn đọc tuổi nhỏ. Từ đó góp phần kích thích niềm đam mê đọc, giúp nuôi dưỡng và phát triển thói quen đọc sách lành mạnh ở trẻ cho đến sau này.
XUÂN THÂN/SGGPO