Ở chiến trường, những người lính cùng chiến đấu vì mục tiêu chung đánh đuổi quân thù, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Còn khi chiến tranh kết thúc, những người may mắn được trở về bắt đầu cuộc sống đời thường, số phận đưa họ đến những ngã rẽ khác nhau. Có những niềm vui và có những nỗi buồn. Có những niềm tin, sự hy vọng và cũng có nỗi thất vọng. Tác giả Vũ Công Chiến đã vẽ nên phần nào bức tranh câu chuyện những người lính thời hậu chiến trong cuốn sách mới của mình – “Chúng tôi thời hậu chiến”.

Sau “Hồi ức lính”, “Kim Liên một thuở – Ký ức Hà Nội từ những khu nhà cũ”, Vũ Công Chiến lại lần hồi trong kho nhớ của mình để kể về “những ngày còn khoác áo lính sau chiến tranh” và cuộc sống đời thường sau đó: “Có rất nhiều việc phải làm để bắt đầu gây dựng cuộc sống. Hòa nhập lại với gia đình, với hàng xóm, với xã hội. Học và làm việc để được như những người bình thường khác. Phụng dưỡng cha mẹ, yêu đương, thăm hỏi đồng đội, bạn bè… Chỉ đơn giản vậy thôi mà không phải ai cũng làm được như ai”.

Với giọng văn điềm đạm quen thuộc, Vũ Công Chiến đưa độc giả đi gặp đồng đội cũ của mình, lúc là qua kỷ niệm ngày còn cùng đơn vị, khi là tình cờ gặp nhau trên đường, trong những chuyến đi tìm đồng đội của chính tác giả hay tại những buổi gặp gỡ những người cùng nhập ngũ. Chân dung và số phận của nhiều đồng đội được Vũ Công Chiến kể lại thật chi tiết. Ở có có những người nỗ lực và thành đạt, có những người mắc sai lầm và trả giá, cũng có những người mà số phận thật éo leo khiến độc giả cảm thương. Số phận con người sau chiến tranh thật muôn hình muôn vẻ, mỗi câu chuyện đem lại cho độc giả một cảm xúc khác nhau. Có những câu chuyện không vui không buồn, có những câu chuyện tưởng rất bình thường mà ngẫm ra lại nhiều xót xa.

Nhưng sau tất cả, tác giả viết: “Điều cuối cùng mà những người lính chúng tôi thường nghĩ, nếu thời gian có quay trở lại, mình sẽ làm gì? Câu trả lời hết sức đơn giản: Chúng tôi vẫn sẽ lên đường ra trận, cầm súng chiến đấu và hy sinh thân mình để bảo vệ Tổ quốc. Không thể khác được”. Không nghĩ trước tương lai ra sao, không đoán được số phận mình sẽ thế nào, lớp lớp thanh niên khi ấy chỉ biết đến hiện tại, chỉ biết cần phải “cầm súng chiến đấu để bảo vệ những điều nhỏ bé, giản dị của đất nước”.

Xen kẽ chuyện về đồng đội, tác giả cũng kể về cuộc đời mình. Hòa bình đã đến, nhưng có những người lính chưa thể về nhà ngay mà còn tiếp tục với nhiệm vụ mới, đôi khi phải mất nhiều năm. Tác giả Vũ Công Chiến đã trải qua thêm 6 năm trong quân ngũ rồi mới trở về. Những trang đời của ông, từ việc tiếp tục học đại học đến chuyện “thứ nhất là lấy được em bạn”, từ công việc cho đến chuyện “xây dựng tổ ấm từ hai bàn tay trắng”… dường như cũng chậm rãi và tuần tự đến như chính giọng văn điềm đạm của ông vậy. Sự chậm rãi và điềm đạm ấy cho độc giả cảm nhận được sự ấm áp trong tình yêu và hôn nhân của ông dù cuộc sống từng qua nhiều đận khó khăn.

Kể lại những năm tháng tuổi trẻ trong chiến tranh của thế hệ mình, tác giả Vũ Công Chiến mong muốn “để những người không cầm súng và những thế hệ mai sau biết được một thời dân tộc ta đã sống và chiến đấu như thế nào để có đất nước hôm nay”. 

“Chúng tôi thời hậu chiến” do NXB Lao động và Công ty cổ phần Văn hóa Truyền thông Sống hợp tác xuất bản.

nguồn: https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/1009354/chung-toi-thoi-hau-chien