Đến thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang, nhiều du khách sẽ rất bất ngờ về sự tồn tại của một cây Da đã có trên 350 tuổi, đã được sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là cây da có tuổi đời cao nhất cả nước 350 tuổi ( xác lập năm 2012).
Chương trình “ Chuyện lạ Việt Nam” cũng đã đến đây thực hiện phóng sự về cây Da kỳ bí nầy.
Ông Du Danh Số, 76 tuổi ngụ ấp Tân Thạnh, thị trấn Long Bình kể lại “…hồi trước giải phóng, mỗi lần bị lính bắt quân dịch, tui nhiều lần chui vào gốc cây da khổng lồ nầy để trốn. Dù biết, nhưng sợ thần cây da nầy quở phạt nên chúng bỏ đi không dám đến gần lục soát, nhờ vậy trốn lính ngon lành…”
Cây Da cổ thụ nầy tọa lạc trên một con đường làng nhỏ hẹp, cạnh một hồ sen khá lớn tạo khung cảnh đồng quê rất đẹp, nên thơ sừng sững giữa trời. Theo kết quả nghiên cứu mới đây, độ che phủ của cây da này lên đến 1.500 mét vuông gồm một thân cây chính với bộ rễ khổng lồ phải mất đến hàng chục người mới ôm hết thân cây. Với chiều cao lến đến khoãng 40 mét, từ trên cao có rất nhiều rễ cây có đường kính rất to lớn rũ xuống đất tạo cảm giác vừa đẹp, vừa huyền bí rất lạ lùng. Qua quá trình phát triển theo dòng thời gian, các rễ cây tạo thành những hình thù rất quái dị nhưng thú hút khá nhiều chim muông đến đây cư trú, sinh sản. 
Cây có tổng cộng 7 tay lớn ăn sâu xuống đất tạo thành thân và hàng chục tay nhỏ, rất nhiều hốc từ thân đến ngọn, có những hốc to có thể chứa đến 5 người cùng đứng. Cây da này một năm có hai kỳ rụng lá. Kỳ thứ nhất khoãng tháng 2 đến tháng 3 (âm lịch), lần thứ hai khoãng tháng 10 đến tháng 11 (âm lịch). Lá chuẩn bị rụng thì vàng úa cả cây, rồi rụng đồng loạt, có năm dầy từ 5 đến 7 cm. Khi cây bắt đầu cho ra lá non là lúc thời tiết đã chuyển giao mùa. Thường thì ban ngày có nhiều loài chim đến xây tở và ăn trái Da non đầu mùa, ban đêm là lũ dơi đến trú ngụ và ăn những quả còn sót lại.
Ảnh : Thân cây
Nhiều người dân sinh sống xung quanh cây da “ khủng” nầy kể thêm : ban đêm không ai dám bén mãng đến xung quanh thân cây vì họ luôn thấy xuất hiện những bóng đen chập chờn nhảy múa rất rợn người trong tiếng chim kêu rã rít suốt đêm. Từ đó họ đã lập hai cái miếu thờ dưới gốc cây để cầu mong sự yên bình, dân làng không bị dịch bệnh, làm ăn phát tài, ruộng rẫy trúng mùa.
Nhiều cư dân sinh sống lâu năm tại đây kể thêm: hồi trước đây là những giống cát, cư dân sống rãi rác, thưa thớt vì thường xuyên bị nước lũ nhấn chìm hàng năm. Điều rất kỳ lạ là những loại cây cổ thụ khác bị úng rễ rồi chết nhưng cây Da nầy vẫn sống và phát triển xanh tốt. Tuy nhiên số lượng mối, mọt đến cư trú và sinh sôi ngày càng nhiều dẫn đến sự lo ngại của nhiều người. Một số người khác còn kể nhiều câu chuyện xưa tại khu vực giồng Cây Da là khu giáp ranh một bên là cách mạng, một bên là Mỹ – ngụy. Khu vực nầy um tùm, rừng cây tạp hoang vu, rắn rít nhiều. Đến chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1978, con đường giồng Cây Da nầy trở thành đường vận chuyển binh lực, lương thực cho các chiến sĩ cách mạng và giúp dân di tản trước sự tràn sang bắn giết của bọn Pôn Pốt – Iêng Sa Ri.
Ảnh : Bộ rễ cây
Bà Lê Thị Tho, ngụ gần cây Da đã 60 năm lo lắng “…dù chính quyền và các ngành hữu quan có quan tâm thường xuyên phun xịt hóa chất diệt mối mọt nhưng xem ra kết quả chưa khả quan, người dân tại đây rất lo ngại cây bị xâm hại và chết dần…”.
Nên chăng cần có sự quan tâm chu đáo hơn, thiết thực hơn để giữ gìn cây Da cổ thụ quý hiếm hàng trăm năm tuổi và cần lắm một sự thẩm định để cây Da “ khủng” nầy được công nhận “ cây di sản Việt Nam” vì hiện tại cây Da nầy đã đạt chuẩn về tuổi thọ, chiều cao, chu vi lẫn giá trị lịch sử.
Theo Phương Anh/vacne.org.vn