Một trong những cuốn tiểu thuyết đen tối nhất là “1984” của tác giả George Orwell, xuất bản năm 1949, và “Chuyện người tùy nữ”, được xem là “1984 dưới điểm nhìn nữ giới”.

Chuyện người tùy nữ là tác phẩm nổi tiếng của Margaret Atwood, xuất bản lần đầu tiên tại Canada đã ngay lập tức tạo được tiếng vang và trở thành tác phẩm kinh điển. Năm 2019, bản sách Chuyện người tùy nữ do dịch giả An Lý chuyển ngữ tiếng Việt đã được tái bản tại Việt Nam.

Chuyện người tùy nữ là cuốn tiểu thuyết “dystopia”, có nghĩa là thể hiện một điều đen tối không tưởng. Trong tiếng Việt thường gọi dòng tiểu thuyết này là “phản địa đàng”. Một tác phẩm phản địa đàng là một tác phẩm hư cấu tái dựng xã hội phát triển theo hướng đen tối khủng khiếp, nơi đó mọi thứ đều trở nên trần trụi, ngột ngạt. Con người sống nhưng bị tước đoạt tất thảy mọi quyền lợi sống. Một trong những cuốn tiểu thuyết đen tối nhất là 1984của tác giả George Orwell, xuất bản năm 1949, và Chuyện người tùy nữ, được xem là “1984 dưới điểm nhìn nữ giới”.

Chuyện người tùy nữ được kể bởi Offred, một hầu gái ở Cộng hòa Gilead mới. Offred là một phần của lớp phụ nữ được gọi là tùy nữ, được hình thành với mục đích duy nhất trong xã hội là thụ thai và sinh con trong các gia đình Quân Trưởng, trong khi nạn vô sinh đang hoành hành trong xã hội. Nếu không sinh được con họ sẽ trở thành phế nữ, bị gửi đến các trại tập trung, tỵ nạn, trở thành gái mại dâm, hoặc bị giết chết. Họ thường xuyên mặc trang phục màu đỏ, mũ trắng che kín mặt.

Nước Cộng hòa Gilead được thành lập sau cuộc tấn công vào chính phủ Hoa Kỳ, tổng thống bị giết chết, quốc hội bị xóa bỏ. Chính trong bóng tối này, chế độ độc tài quân sự mới bị che giấu dưới hình thức tôn giáo đã lên nắm quyền kiểm soát toàn bộ.

Dưới chính phủ mới, phụ nữ bị tước đoạt mọi quyền và nghĩa vụ dân sự. Những quyền như bình đẳng, sinh sản hữu tính, và quyền con người đều thuộc về đàn ông.

Hình ảnh những người tùy nữ được chuyển thể trên bộ phim truyền hình Chuyện người tùy nữ của Mỹ.

Làn sóng mới của sự cuồng tín tôn giáo đã đưa những người đàn ông đến phục vụ Cộng hòa Gilead. Đàn ông được chia thành các Thiên thần, là những người bảo vệ trong xã hội.

Offred đã hồi tưởng lại cuộc sống mà cô từng sống trước khi chính quyền lật đổ. Cô nhớ đã kết hôn với một người đàn ông tên Luke. Trước Cộng hòa Gilead, Luke đã lừa dối vợ mình để ở bên Offred và họ đã có một cô con gái riêng.

Vì Cộng hòa Gilead coi tất cả các vụ ly dị là tội ác chống lại Thiên Chúa, cuộc hôn nhân của họ đã bị vô hiệu hóa. Luke bị sát hại trong rừng, con gái của họ bị bắt và Offred bị biến thành một tùy nữ để trừng phạt cho “tội ác” của cô.

Offred sống giữa những ngày tháng “vô tri” của chính phủ mới, đồng thời hồi tưởng chất chồng về quá khứ. Dưới ngòi bút sắc bén của Margaret Atwood Offred hiện lên không phải là nữ anh hùng nữ quyền, như nhiều người đọc từng nghĩ thế; cô ấy là một người phụ nữ bình thường không có sự thúc đẩy ý thức hệ. Cô ấy không muốn gì hơn là một gia đình và một công việc dễ chịu.

Đối với vấn đề đó, bản thân Chuyện người tùy nữ không phải là tuyên ngôn về nữ quyền. Điều này được thể hiện rõ trong đoạn kết mở của tiểu thuyết. Khi được giải đi bởi chiếc xe thùng đóng sầm cửa, biểu tượng cho cái chết, số phận của Offred sẽ ra sao? Rốt cuộc, số phận ấy chỉ như bị cuốn vào hố đen của vũ trụ, không một hồi đáp. Cái kết tuyệt vọng và tuyệt đẹp trong văn chương.

Margaret Atwood xây dựng Chuyện người tùy nữ, thông qua cuộc đời của Offred, để trải bày cái đen tối của đời sống, giải thiêng những điều từng được coi là đẹp đẽ trong đời sống. Khắc nghiệt, đen tối và sầu thảm của những người phụ nữ.

Tác giả Margaret Atwood.

Margaret Atwood đã tái dựng những hình ảnh đen tối, với những xác người bị treo lên bức tường vào mỗi sớm mai để răn đen kẻ còn sống, hay những đoạn tình dục được trình chiếu như hai công cụ va vào nhau, không xúc cảm… đều biến xã hội Cộng hòa Gilead như một trại tập trung đã từng được Đức Quốc Xã xây dựng để giết người Do Thái.

Không có chút gì tươi sáng trong tác phẩm, chỉ có những điều đau khổ, ít đau khổ, hoặc nhiều đau khổ hơn. Mỗi hình ảnh trong tiểu thuyết đều có sức ám ảnh ghê rợn đối với người đọc. Trong đó, cảnh trong buổi Cứu chuộc chính là một cảnh tuyệt cùng. Ở buổi Cứu chuộc ấy, chúng ta sẽ phải chứng kiến cảnh trừng phạt con người, như một xác chết đang bị bầy kền kền bủa vây, rỉa rói. Cảnh tượng kinh hoàng đó, có lẽ người đọc chỉ có thể liên tưởng đến cảnh “đấu tố” vô nhân tính trong 1984.

Người đọc hôm nay có lẽ vẫn không đủ sức để chịu đựng một tác phẩm đen tối như Chuyện người tùy nữ, nhưng có lẽ khám phá cuốn tiểu thuyết cũng là điều cần thiết để nhìn thẳng vào hố đen của đời sống hiện đại, khi những vấn đề rối ren về tình dục, cưỡng đoạt liên tục xuất hiện. Chuyện người tùy nữ đã bán được hơn tám triệu bản tiếng Anh và đến nay vẫn tiếp tục tạo được làn sóng trong dư luận.

Margaret Atwood sinh năm 1939 ở Ottawa, lớn lên ở những vùng hoang dã miền Bắc Ontario, Quebec và Toronto, lấy bằng cử nhân Đại học Toronto và bằng Thạc sĩ Havard. Bà chinh phục công chúng văn học Anh ngữ trước hết bằng thơ ca, và sau này bằng những tiểu thuyết dày dặn và độc đáo. Danh mục tác phẩm của Atwood đã lên tới hơn 60 cuốn sách – tiểu thuyết, thơ, tuyển truyện ngắn, tuyển phê bình, sách văn học thiếu nhi.

Thủy Nguyệt

Nguồn: Zing.vn