“Cô gái mặc váy tím” là tác phẩm đoạt giải Akutagawa 2019, kể câu chuyện về sự cô đơn gây ra nỗi ám ảnh đáng ngờ của con người trong xã hội hiện đại.

Cô gái mặc váy tím đang bị theo dõi nhưng không hay biết. Cô gái mặc váy tím lúc đầu được “tôi” – cô gái mặc áo khoác len vàng – mô tả như một người ngoài lề xã hội, một người không có khả năng hòa nhập và kỳ quái đến mức “nổi tiếng”.

Nhưng với mỗi phát hiện trong quá trình nhân vật “tôi” theo dõi cô gái mặc váy tím, độc giả dần nhận ra rằng cô gái mặc váy tím không khác người bình thường là mấy. Và có chăng, người “kỳ quái” ở đây không phải cô gái mặc váy tím.

Tiểu thuyết của Imamura Natsuko là một cái nhìn độc đáo về sự cô đơn, lạc lõng trong xã hội hiện đại. Con người ở rất gần nhau nhưng không hiểu rõ nhau. Và tấm màn kỳ bí từ những e dè giản đơn biến chuyển thành nỗi ám ảnh đáng ngại.

Tiểu thuyết Cô gái mặc váy tím bản Việt. Ảnh: Nhã Nam.

Khao khát kết nối giữa người với người

Cô gái mặc áo khoác len vàng chính là một kẻ rình rập, một kẻ đeo bám. Cô tìm cách để can thiệp vào cuộc sống của cô gái mặc váy tím, cố gắng khiến cô gái nọ làm cùng chỗ với mình. Tất cả màn rình rập quái đản này xuất phát từ mong muốn giản đơn đến khó hiểu – kết bạn với cô gái mặc váy tím.

Khó để phân định được nỗi ám ảnh của nhân vật “tôi” với cô gái nọ là dễ thương, nực cười hay đáng sợ. “Tôi” không thực sự có ý định làm hại cô gái mặc váy tím, nhưng “tôi” theo dõi cô hàng ngày, ghi chép lại lịch trình của cô, biết cô hay ăn gì, đi đâu, làm gì.

“Tôi” vẫn giữ một khoảng cách xa vừa đủ để theo dõi, nhưng không đủ gần để chuyện trò.

“Sẽ rất kỳ cục nếu tôi đột ngột bắt chuyện với cô ấy. Có lẽ cho tới lúc này, cô gái mặc váy tím chưa bao giờ được ai đó đề nghị làm bạn. Bản thân tôi cũng chưa từng. Tôi đoán hầu như mọi người đều chưa từng trải qua việc đó. Bởi cách làm quen đó không tự nhiên. Có phải chuyện tán tỉnh chơi đùa đâu”.

Cô gái mặc váy tím cũng có dáng vẻ của một người cô đơn, thiếu thốn tình cảm. Cô không kỳ quái như cô gái mặc áo khoác len vàng nghĩ. Nhưng qua những ghi chép theo dõi, độc giả biết cô cũng gặp khó khăn khi kết bạn.

Điều này có thể lý giải cho việc cô dễ dàng rơi vào mối quan hệ tình ái với trưởng phòng – một người đàn ông đã có gia đình. Và cũng từ đây, cô gái mặc váy tím hình thành một nỗi ám ảnh với người đàn ông nọ. Mỗi ngày nghỉ, cô đều ra bốt điện thoại gọi đến nhà ông ta. “Bất kể sáng sớm hay đêm muộn, cô cần mẫn nhấn gọi rồi lại ngắt cuộc gọi, không biết chán”.

Và vì cô gái mặc áo khoác len vàng là một người kể chuyện không đáng tin, các nhân vật trong cuốn sách hiện lên mờ nhòe, khó đoán. Độc giả thường phải mất một thời gian mới có được cái nhìn tương đối rõ về nhân vật, có khi phải tới trang cuối cùng.

Sự mờ nhòe này tựa như một màn sương ngăn cách các nhân vật hiểu được và kết nối với nhau. Màn sương ấy tạo nên sự xa cách kỳ lạ, khiến các nhân vật bị cô lập trong thế giới riêng.

Tác phẩm gợi sự cô đơn của con người trong xã hội hiện đại. Ảnh: Anna Alexels/Pexel.

Sự lạc loài trong xã hội

Nhân vật “tôi” làm gợi nhớ đến Furukura Keiko trong tiểu thuyết Cô nàng cửa hàng tiện ích – một cô gái (đúng hơn là một phụ nữ) 36 tuổi, độc thân và làm nhân viên cửa hàng tiện ích, bị người đời nhận xét là đáng ngại và không hợp chuẩn. Cả hai nhân vật này đều gặp khó khăn khi cố hiểu cách xã hội xung quanh vận hành, cách con người tương tác với nhau. Họ nghĩ những người khác, những người lọt vào tầm mắt họ, mới là những kẻ kỳ lạ.

Về nhân vật cô gái mặc áo khoác len vàng, độc giả không thực sự được biết người xung quanh nghĩ gì về cô. Cô xuất hiện tựa một bóng ma, khăng khăng níu giữ vai trò duy nhất là làm một ống kính camera theo dõi cô gái mặc váy tím.

Điều tiếng và định kiến xã hội cũng là một chủ đề được cả 2 tác phẩm khai thác. Nếu như Furukura bị xã hội lên án vì đã 36 tuổi mà vẫn chưa kết hôn, chưa có “công việc ổn định” thì cô gái mặc váy tím chịu điều tiếng từ những đồng nghiệp vì qua lại với trưởng phòng, vì có tin đồn là cô được trả lương cao hơn.

Và khi xảy ra thất thoát đồ đạc, chỗ làm như biến thành một cuộc săn phù thủy và cô gái mặc váy tím chính là đối tượng bị chĩa mũi rìu vào.

Người ta đặt điều cho cô, buông ra những lời ám chỉ cay độc, cười nhạo cách cư xử khác thường của cô như để đặt ra một ranh giới vô hình, đẩy cô ra khỏi xã hội của họ.

Nhà văn Imamura Natsuko. Ảnh: AERAdot.

Cô gái mặc áo khoác len vàng chứng kiến hết nhưng không xen vào. Có lẽ vì cô cũng là người không hòa hợp với cái “xã hội” kia. Nhân vật “tôi” không phải là người có tiếng nói trong xã hội. Và vì thế, cô chỉ đứng nhìn người ta thanh trừng cô gái mặc váy tím.

Nhà văn Imamura Natsuko chủ đích xây dựng hệ thống nhân vật với ít chi tiết, gần như vô diện, tạo nên một sân khấu kịch mập mờ, ẩn chứa ý nghĩa lớn hơn.

Không gian làm việc các nhân vật bị đặt vào trở thành hình ảnh ẩn dụ cho sự phân tầng giai cấp trong xã hội hiện đại. Các nhân viên cấu xé lẫn nhau vì quyền lợi, các trưởng nhóm tận dụng quyền lực để chểnh mảng công việc, trưởng phòng thì sử dụng vị thế của mình để thao túng, gạ gẫm cấp dưới… Ở mỗi vị trí, người ta có những kỳ vọng, những định kiến riêng. Và bất cứ ai cả gan “khác biệt” đều có thể bị đào thải.

Đầu tác phẩm, tác giả thẳng thừng cung cấp mọi thông tin cho độc giả, nhưng mạch truyện càng phát triển, ta càng thấy Imamura Natsuko đã khéo léo bỏ ngỏ một vài chi tiết nhất định. Để rồi khi đọc hết trang cuối cùng, ta vẫn băn khoăn về bản chất nhân vật. Cô gái mặc váy tím và cô gái mặc áo khoác len vàng, ai là nạn nhân, ai là kẻ xấu, hay có ai thực sự phù hợp với bất kỳ cái mác nào không?

Tiểu thuyết của Imamura Natsuko là một cuốn sách nhỏ gọn nhưng mang nặng ý nghĩa. Câu chuyện độc đáo trong Cô gái mặc váy tím đem lại trải nghiệm đọc lôi cuốn đến khó hiểu, hay đúng hơn là khó hiểu đến lôi cuốn.

nguồn: https://zingnews.vn/bi-an-ke-rinh-rap-co-gai-mac-vay-tim-post1349949.html