Bước qua tuổi tri thiên mệnh, Đinh Nho Tuấn mới dự phần sáng tạo vào đời sống văn chương. Không phải anh ngẫu nhiên trở thành nhà thơ trẻ sau tuổi 50, mà thi ca đã được âm thầm nuôi dưỡng trong anh từ thời thơ ấu. 

Rời xa chốn chôn nhau cắt rốn Hương Sơn, Hà Tĩnh, Đinh Nho Tuấn lăn lộn mưu sinh nơi xứ người mấy thập niên và có không ít câu thơ trong trí nhớ hoặc trong tâm tưởng đã nâng anh lên khi vấp ngã, đã dìu anh dậy khi muộn phiền. Và rất tự nhiên, lúc nỗi dằn vặt cơm áo không còn đè nặng nữa, Đinh Nho Tuấn lặng lẽ ngồi xuống bàn và viết những câu thơ của đời mình, những câu thơ ngưng tụ “cõi nhớ dựng lên giữa ngày nhòa”.

Sau 3 tập thơ xuất bản liên tục mỗi năm Em hãy cho anh vội (2018), Em tôi (2019) và Díu dan với núi sông (2020), thơ của anh cũng giãn cách như một dấu hiệu thời Covid-19. Rối bời giữa thông tin xét nghiệm và cách ly, mạch thơ Đinh Nho Tuấn đằm sâu hơn và thổn thức hơn. Tập thơ thứ 4 Ngàn tiếng đời ấp ủ xuất hiện trong năm 2022 đúng kiểu thích ứng bình thường mới, lại cho thấy một tâm tư khác ở anh.

Vẫn giữ cái duyên của một người nói giọng trầm, Đinh Nho Tuấn cứ thủ thỉ những câu thơ tỉ tê chuyện mình ngậm ngùi, chuyện người xa vắng: “Anh đi học bằng vô tư hoàng hôn/ Học chồi non, học mởn xanh, hoa tím/ Học phong ba, học câu hát núi đồi/ Học tiếng chim, biển khơi, cát mịn”. Đôi lúc anh hoảng hốt: “Cái xa lạ ta đã quen thân/ Đời rụng lá, mùa còn chuông còn tiếng”, nhưng anh không phẫn nộ gào thét mà chọn thái độ nhẫn nại: “Cơn mưa vừa đi vừa hát kia/ Gây tê buốt nhiều trái tim chưa ngủ”. 

Đinh Nho Tuấn mang thân phận tha phương, mỗi ngọn cỏ bên đường cũng bật xanh như ánh đèn canh khuya hư ảo. Anh nâng niu “những buổi chiều ngun ngún môi hôn” vì luôn thấu hiểu: “Rơm rạ ngủ vùi, sương khói ngày đông/ Lửa tí tách trong lòng người viễn xứ”. Anh bồi hồi “Những dịu ngọt một thời xưa cũ/ Trôi như mây muôn ngả xa xăm” vì luôn mê đắm: “Những mảnh tim rắc đều muôn phía/ Bay thành hoa giữa cỏ dại hoang vu”.

Đọc thơ Đinh Nho Tuấn, có thể nhận ra giữa những dòng hờ hững luôn được gieo những câu mong ngóng. Anh đi tìm cái đẹp đang chìm dưới xô bồ ranh mãnh danh lợi bằng tất cả sự tin yêu: “Anh nhốt cho em bài thơ vào lồng ngực/ Kẻo ngày mai theo gió lạnh bay đi”. Cái đẹp phân vân ngỡ thoáng trôi đã đọng lại thơ anh: “Mỗi bông hoa là một dòng kinh thánh/ Ngân trong chiều vọng âm sắc niềm vui”.

Với tập thơ Ngàn tiếng đời ấp ủ, Đinh Nho Tuấn có được một “cõi nhớ dựng lên giữa ngày nhòa” để vỗ về, để an ủi, nâng niu.

LÊ THIẾU NHƠN

nguồn: https://www.sggp.org.vn/coi-nho-dung-len-giua-ngay-nhoa-815467.html