Gấm hoa phú quý trải khắp thế giới cũng không đẹp bằng con đường đất cát gồ ghề về nhà, về quê hương.

Với những con người sống xa quê, cụm từ “về quê ăn Tết” trở nên hết sức quan trọng và ý nghĩa. Tết là thời điểm lý tưởng để mọi thành viên trong gia đình sum họp, vui vầy sau một năm xa cách; là dịp để con cái thể hiện đạo lý, nghĩa vụ hay bày tỏ tình cảm với người thân.

Cho dù có quên đi tất cả, chúng ta cũng không thể quên được con đường về nhà. Cho dù cả năm trời, chúng ta chỉ đi trên con đường ấy một lần, nó vẫn quen thuộc đến từng viên gạch, từng ngọn cỏ, từng ngã rẽ hay từng góc nhà.

Luôn có một con đường như thế: Cho dù không ổn ào đông đúc, cho dù không nhộn nhịp như thành phố phồn hoa, con đường ấy cũng không bao giờ cô đơn. Đó là đường về nhà.

Luôn có một con đường như thế: Nó không chỉ là một con đường phủ lên bởi xi măng, gạch đá. Nó còn chất chứa bao suy nghĩ, tâm tư và sự mong đợi của hàng triệu gia đình. Nó có thể rất bình thường với bao người khác, nhưng lại chính là con đường đặc biệt nhất của riêng ta. Bất kể chúng ta đang ở phương trời nào, con đường đó vẫn luôn ở nằm sâu trong trái tim mình. Đó chính là đường về nhà. Cũng chính là con đường về với quê hương, mẹ cha thân thuộc.

Trong tim của mỗi người cũng đều vang lên hai tiếng “gia đình” trong những giờ khắc năm mới, những giờ khắc cần nhất sự đầm ấm và vòng tay yêu thương của những người thân.

Dù đôi chân bạn đi khắp bốn phương, trái tim bạn vẫn luôn chất chứa một nỗi niềm mang tên quê hương. Chính vì vậy, cho dù thế giới ngoài kia đẹp đẽ, hấp dẫn đến nhường nào, không gì có thể đẹp bằng con đường về nhà. Con đường quê hương mà không một ai có thể quên được.

Cho dù bao xa, cho dù khó khăn đến mấy, cứ mỗi dịp xuân về, chúng ta đều háo hức lên đường về quê. Cho dù con đường ấy có gió, có tuyết, có nắng mưa, có bụi bay mịt mù, chúng ta vẫn hăm hở khăn gói chuẩn bị dấn bước. Không có gì buồn và khổ bằng việc một đứa con phải ăn tết xa nhà, xa cha mẹ, quê hương. Không có gì vui vẻ bằng việc sau 1 năm bôn ba vất vả, chúng ta được trở về trong vòng tay của quê hương, nơi chữa lành mọi nhọc nhằn, mệt mỏi. Bởi vì ở cuối con đường đó là nơi bao lo toan nhọc nhằn của chúng ta sẽ biến mất, bao buồn khổ không còn trong tim. Cũng là nơi cho bạn sự ấm áp và dịu dàng chân thật nhất.

Thời tuổi trẻ, ai ai cũng muốn được đi xa. Đi càng xa, càng trải nghiệm nhiều điều lại càng chứng tỏ bản thân mình khôn lớn trưởng thành, đã có thể sống tự lập mà không cần vòng tay cha mẹ bảo bọc nữa. Chỉ đến khi xa cha mẹ, xa ngôi nhà và những ấm áp yêu thương, chúng ta mới cảm nhận được hết sự lạc lõng, cô đơn trong thành phố nhộn nhịp nhưng xa lạ ngoài kia. Đi xa đến mấy thì tâm niệm lớn nhất trong lòng vẫn luôn là về nhà.

Những người Việt xa quê đều có chung một ước ao là được về nhà đón Tết, đó là điều vô cùng thiêng liêng và quý giá.

Ngồi trên chuyến xe về nhà, ta biết đó là chuyến xe chở ta về nơi có những người thân ngóng đợi, nơi hội ngộ và chia ly, để người ta lại mong chờ lần hội ngộ tiếp theo như một động lực để sống. Đấy cũng là chuyến xe chở theo vô vàn cảm xúc. Chúng ta nghĩ về sự mong ngóng của mẹ cha ở nhà mà lòng bồi hồi không yên. Niềm hân hoan, sự hồi hộp và cả dự định mang đến những điều bất ngờ cho gia đình trong năm mới đều chất chứa đầy chặng đường dài.

Tuy vậy, đâu đó ngoài kia vẫn còn không hiếm người không dám mơ Tết đến Xuân về. Họ vẫn phải bộn bề lo toan cho những ngày cuối năm giữa nơi xa xứ. Gánh nặng về chi phí khiến họ thêm nhọc nhằn và đắn đo, nào tiền vé xe, vé tàu, rồi tiền đi lại, quà cáp, còn chưa kể tiền mừng tuổi bà con họ hàng.

Chẳng ai muốn ăn Tết một mình nơi không có gia đình, nhưng thực tế là vẫn luôn có những người phải đón Tết xa quê với nhiều cảm xúc khác nhau.

Dù trong lòng luôn tồn tại nỗi nhớ nhà, những cảm xúc ngậm ngùi, những nỗi niềm khó tả nhưng vì hoàn cảnh, vì điều kiện không cho phép, hay thậm chí vì bất đắc dĩ mà vô số người không thể đoàn tụ cùng gia đình. Tết gần đến, vậy nhưng bao lo toan, bộn về của cuộc sống mưu sinh dường như chưa thể khép lại. Những người lao động, công nhân nghèo chỉ mong sao cho hành trình về quê ăn Tết bớt cực nhọc, để sau một năm lam lũ, nhọc nhằn, họ được vui cái Tết trọn vẹn bên gia đình.

theo Phương Thúy/Tri thức trẻ – đăng lại có chỉnh sửa