Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật (VHNT) nhân kỷ niệm 65 năm Giải phóng Thủ đô vừa trao giải ngày 27-12 và ngay lập tức gây xôn xao dư luận bởi số tiền thưởng mà các văn nghệ sĩ nhận được. Một lần nữa, người ta lại cảm thán “Văn chương hạ giới rẻ như bèo!”.

Chỉ trong thời gian ngắn, giới văn nghệ sĩ thủ đô cùng lúc trải qua đủ cung bậc hỉ nộ, bi hài đan xen. Trước hết là “hỉ”, đến từ lễ trao giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 2 vừa diễn ra trang trọng tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm nay, giải có nhiều nét mới, như thay vì 7 mảng sách như các năm trước thì nay chỉ còn 5 mảng, gồm: chính trị, kinh tế; khoa học tự nhiên và công nghệ; khoa học xã hội và nhân văn; văn hóa, văn học và nghệ thuật; thiếu nhi. Thay vì phân ra hạng mục Sách đẹp, Sách hay thì nay cũng được gộp lại làm một. Đặc biệt, một điểm mới khiến những người làm công việc sáng tạo không khỏi phấn khởi là mức giải thưởng năm nay cao hơn nhiều so với những lần tổ chức trước. Cụ thể: 100 triệu đồng cho giải A, 50 triệu đồng cho giải B và 30 triệu đồng cho giải C.

Vui chưa bao lâu thì tại lễ trao giải cuộc thi sáng tác VHNT 65 năm Giải phóng Thủ đô do Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội tổ chức, người làm nghề lại buồn đến phẫn nộ. Cuộc thi dành cho 9 hội chuyên ngành của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, với kết quả 6 giải A, 12 giải B và 17 giải C cho các tác phẩm VHNT xuất sắc. Trong số những người đạt giải, chỉ riêng lĩnh vực văn học, có nhiều gương mặt tên tuổi như nhà văn Y Ban (giải A), nhà văn Võ Thị Xuân Hà (giải B).

Ngay sau khi số tiền thưởng được công bố, rất nhiều người cả trong giới lẫn ngoài cuộc đều không tránh khỏi ngạc nhiên, thậm chí là “cười ra nước mắt”. Bởi lẽ, tổng giá trị giải thưởng của 35 giải là 12,9 triệu đồng. Theo đó, mỗi giải A trị giá 500.000 đồng, mỗi giải B trị giá 400.000 đồng và mỗi giải C trị giá 300.000 đồng. Sở dĩ có số tiền thưởng như vậy, theo NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, trình bày trong lễ trao giải, là “theo quy định thi đua, khen thưởng”. Mà thật ra, chiếu theo quy định, giải A chỉ được 480.000 đồng.

Ở đây, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội có nhập nhằng giữa “quy định thi đua, khen thưởng” với quy chế của một cuộc thi sáng tác? Bởi quy định thi đua, khen thưởng là mức khen thưởng thành tích thi đua, thành tích đột xuất dành cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc. Đối với cấp thành phố trực thuộc Trung ương là bằng khen; cấp sở, ngành là giấy khen. Điều này đã được quy định tại Nghị định 91/2017/NĐ-CP của Luật Thi đua, khen thưởng. Còn giải thưởng các cuộc thi là căn cứ thể lệ, quy định, số giải, mức tiền giải… do ban tổ chức cuộc thi ban hành khi phát động. Trước đó, theo chia sẻ của nhà văn Y Ban, cũng là Ủy viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, trong thể lệ cuộc thi lúc phát động thì cơ cấu giải thưởng dành cho giải A là 10 triệu đồng.

Với hầu hết văn nghệ sĩ, tiền vẫn chỉ là yếu tố đi sau sự sáng tạo, nhưng với một cuộc thi mang tầm vóc như trên mà giá trị giải thưởng hoàn toàn không tương xứng với công sức các văn nghệ sĩ đã bỏ ra. Trong trường hợp Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội gặp khó khăn về ngân sách, đơn vị này hoàn toàn có thể tháo gỡ, nâng mức giải thưởng cho các văn nghệ sĩ bằng giải pháp xã hội hóa, giống như giải thưởng Sách Quốc gia đã và đang làm. Còn nếu chỉ chăm chăm vào “bầu sữa mẹ”, những chuyện bi hài chắc chắn vẫn chưa hết.

HỒ SƠN – báo Sài Gòn Giải Phóng