Sanchi không có mối liên hệ trực tiếp nào đến cuộc đời Đức Phật, nhưng vẫn trở thành một trung tâm Phật giáo lớn hoạt động trong hơn 10 thế kỷ.

Tọa lạc ở trung tâm bang Madhya Pradesh, Sanchi là một quần thể di tích Phật giáo tiêu biểu và cổ xưa. Di tích này bao gồm nhiều bảo tháp, trụ cột, chùa và tu viện. Sanchi bắt đầu được hình thành khi vua Asoka cho xây ngôi đại bảo tháp và dựng một cột đá nguyên khối ở chính giữa một ngọn đồi. Sanchi cũng có thể được xem là công trình kiến trúc tôn giáo cổ xưa phản ánh quá trình phát triển của Phật giáo Đại thừa.

Đại tháp Sanchi, tại Ấn Độ
Đại tháp Sanchi, tại Ấn Độ

Sanchi (Kakanaya, Kakanava, Kakanadabota hay Bota Sriparvata) được xem là một trong những di tích Phật giáo nổi tiếng ở Ấn Độ1. Tên gọi Sanchi (Sāñcī) chỉ được dùng phổ biến từ khoảng thế kỷ thứ IX và X sau Tây lịch. Trước đó (thế kỷ thứ II trước Tây lịch), di tích này có tên gọi là Kakanaya. Từ thế kỷ V, nó được gọi là Kakanada-bota, và đến thế kỷ VII chuyển đổi thành Bota-Sri Parvata, rồi sau đó trở thành Santi-Sri Parvata. Sau một thời gian từ Santi biến đổi thành Sanchi2.

Sanchi nằm trên một ngọn đồi ở vùng đồng bằng phía Bắc cao nguyên Decan, cách Bhopal 40 dặm. Sanchi không có mối liên hệ trực tiếp nào đến cuộc đời Đức Phật, nhưng vẫn trở thành một trung tâm Phật giáo lớn hoạt động trong hơn 10 thế kỷ. Lý do có thể nơi đây gần Vidisha, một trung tâm thương mại phát triển mạnh, đồng thời là quê hương của hoàng hậu Devi, vợ vua Asoka. Vì thế vua muốn vinh danh khu vực ấy nên đã xây dựng nơi này thành một trung tâm Phật giáo quan trọng. Ngoài bảo tháp chứa xá-lợi Phật, Sanchi còn lưu giữ bảo tháp xá-lợi của hai vị đại đệ tử là Tôn giả Sariputta và Tôn giả Moggallana. Đại vương thống sử Tích Lan cũng ghi lại việc hoàng tử Mahinda, con trai của vua Asoka, đã lưu trú tại một tu viện do hoàng hậu Devi xây dựng tại thị trấn Vedisa (Vidisha) một tháng trước khi dẫn đầu phái đoàn truyền giáo, mang thông điệp của Phật đến Sri Lanka vào thế kỷ III trước Tây lịch3.

Đại tháp Sanchi được kiến tạo vào thời đại đế Asoka (thế kỷ III trước Tây lịch) theo cấu trúc vòm, với đường kính khoảng 12m, bằng gạch nung, trung tâm chứa xá-lợi của Đức Phật. Đến vương triều Shunga (thế kỷ III trước Tây lịch), ngôi tháp này bị hư hỏng và được vua Agnimitra (năm 151 đến năm 143 trước Tây lịch) trùng tu, mở rộng kích thước gấp đôi ban đầu. Tôn trọng sự thiêng liêng của ngôi tháp cổ, những người thợ xây không đập bỏ kiến trúc cũ mà xây dựng một vòm bát úp mới bao bọc bên ngoài. Hàng rào và đường hành lang bao quanh đáy tháp cũng được xây dựng thêm.

Cuối thế kỷ thứ I, vào triều đại Satavahana, vua Satakarni II (năm 50 đến năm 25 trước Tây lịch) cho xây dựng bốn cổng (torana) bằng đá màu trắng ngà, được mài bóng và chạm trổ cực kỳ tinh xảo.Đầu kỷ nguyên Tây lịch, những người Schythoparthian và Kushan xâm lăng Ấn Độ. Vào thời kỳ này có sự bất ổn về chính trị, và sự bất ổn chính trị đã làm ngưng trệ sự phát triển nghệ thuật. Sau giai đoạn bế tắc đó, nền nghệ thuật Phật giáo được hồi sinh dưới triều Gupta (320-550), thể hiện qua nghệ thuật điêu khắc trên đá.

Từ thế kỷ IX đến suốt thời Trung cổ, Sanchi vẫn còn phồn thịnh. Chúng ta không biết rõ Sanchi suy tàn như thế nào, và không biết chính xác niên đại Sanchi bị lãng quên. Có lẽ, vào đầu thế kỷ XIII, khi Phật giáo đi đến điểm cuối của thời kỳ suy tàn ở Ấn Độ, Sanchi cùng chung số phận với những di tích Phật giáo khác đã rơi vào lãng quên và đổ nát.

Năm 1818, Sanchi được phát hiện bởi một sĩ quan người Anh tên là Henry Taylor (1784-1876). Bấy giờ di tích này ở trong tình trạng hoang phế, bị cây cối bao phủ, các cổng bị vỡ thành nhiều mảnh, cột trụ Asoka bị người dân địa phương đập vỡ đem làm trục ép mía. Bên cạnh, những tay buôn cổ vật, những nhà khảo cổ học không chuyên đã làm cho khu di tích càng thêm hư hoại.

Vào năm 1881, công việc phục hồi được khởi xướng. Giữa năm 1912 đến 1919, các cấu trúc của đại tháp được khôi phục dưới sự Giám sát của John Marshall, Tổng Giám đốc Viện Khảo cổ học Ấn Độ. Từ đó đến nay, công tác tu bổ vẫn tiếp tục thực hiện. Quần thể Sanchi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1989.

Đặc điểm nghệ thuật kiến trúc

Đại tháp Sanchi là một công trình kiến trúc độc đáo kết hợp với nghệ thuật điêu khắc được xây dựng theo cấu trúc vũ trụ. Ngôi tháp có hình bán cầu, có chỏm hơi dẹt được gọi là anda, vớiđường kính 36,6m và cao 16m.Ở giữa tháp có một trụ cột vươn lên khỏi đỉnh tháp. Trụ cột này được gọi là yasti (trục thế giới) và tiếp nối với chattra (cái lọng) gồm có ba tầng bằng đá, tượng trưng cho Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng. Dưới chiếc lọng là nơi tôn trí chiếc hòm đựng xá-lợi. Bao quanh tháp là một vòng rào hình vuông được gọi là harmika, xuất phát từ tập tục bao bọc những vật tôn kính như cây thiêng hoặc đền chùa bằng hàng rào trong tư tưởng cổ Ấn Độ4.Tượng trưng cho trục vũ trụ, bảo tháp hợp nhất ba cõi hiện hữu: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới5.

Đại tháp Sanchi, tại Ấn Độ
Ba thanh đà ngang hình cánh cung, khắc tạc những câu chuyện tiền thân Đức Phật

Có một con đường kinh hành bao quanh ngôi tháp để khách hành hương khi đến thánh tích có thể nhiễu quanh. Con đường này được bao bọc bằng một hàng rào lớn, được xây dựng mô phỏng theo mẫu hàng rào bằng gỗ với các cổng vào. Bốn cổng vào được xây vào thế kỷ I trước Tây lịch. Chúng được xem là những tuyệt tác nghệ thuật. Mỗi cổng đều được tạc từ những phiến đá nguyên khối có trọng lượng lớn, nằm ở bốn hướng chính Đông, Tây, Nam, Bắc.

Kết cấu chung của các cổng (torana) này gồm 3 phần. Phần trên cùng là ba thanh đà ngang (acistrap) hình cánh cung, khắc tạc những câu chuyện tiền thân Đức Phật, nhưng ở đó Đức Phật chưa được diễn tả bằng nhân dạng, mà được thay thế bằng các hình ảnh biểu tượng như cây bồ-đề, chỗ ngồi để trống, hoa sen, bánh xe pháp luân... Hai đầu mỗi thanh có hình xoắn ốc, tượng trưng cho bánh xe. Khoảng trống giữa các đà ngang này được khắc tạc những hình ảnh thú và người, có cả những con vật huyền thoại, mang phong cách Ba Tư. Đà trên cùng có biểu tượng bánh xe pháp luân ở giữa, được nâng lên bởi những con voi. Hai bên có biểu tượng Tam bảo (Triratna): Phật, Pháp, Tăng.

Phần thứ hai là những đầu trụ cột nối các thanh ngang với hai cột chính ở dưới. Những đầu trụ cột này có khắc hình bốn con voi, hoặc bốn con sư tử quay mặt về bốn hướng khác nhau. Ngoài phần đầu cổng này, còn có một phần rầm chìa được thêm vào theo cấu trúc của một chiếc cổng bằng gỗ, tuy nhiên nó không có tác dụng chống đỡ mà chỉ nhằm mục đích trang trí. Phần rầm chìa được khắc hình nữ thần sinh sản, một tay nắm cành cây, một tay cuốn chặt vào hai cành cây, gót chân trái tựa vào gốc cây. Thân hình nữ thần vươn ra như chống đỡ phần đà ngang phía trênNhững tượng thần Yaksha, Yakshi này chủ yếu mang tính tôn giáo hơn là thiên về kiến trúc.

Phần thứ ba là hai cột đứng chống đỡ toàn bộ phần cổng, được chạm khắc nổi ở cả ba mặt. Mặt tiền chạm các câu chuyện tiền thân, các mặt còn lại chạm trổ hoa văn hoặc hình ảnh các Yaksha, Yakshi và Shalabhanjika. Phần chạm khắc các câu chuyện trong Jataka được miêu tả riêng biệt. Nội dung câu chuyện được thể hiện tỉ mỉ, sắc sảo, bố trí từ gần đến xa, bao gồm cả những hình ảnh của kiến trúc cảnh vật và hoạt động của con người theo phong cách kể chuyện bằng tranh vào thời bấy giờ.

Trong bốn cổng, cổng Nam được xây dựng đầu tiên, khoảng thế kỷ thứ I trước Tây lịch, kế đó là cổng Bắc, Đông và Tây. Các phù điêu trên cổng Nam miêu tả cuộc đời Đức Phật Thích Ca từ Đản sinh đến Niết-bàn; việc khởi binh của bảy bộ tộc đòi những người Malla phân chia xá-lợi Phật; bảy vị Phật quá khứ; những sự kiện liên quan đến vua Asoka sau khi quy y Tam bảo, như việc ông thu hồi xá-lợi từ tám bảo tháp ban đầu để chia thành 84.000 phần tôn trí trong 84.000 bảo tháp, hay việc ông hành hương ở Lộc Uyển, xây điện thờ cây bồ-đề tại Bodhgaya… Đầu cột trụ của cổng Nam sử dụng hình ảnh bốn con sư tử, tượng trưng cho Đức Phật và sự truyền bá Chánh pháp.

Cổng Bắc là cổng được bảo tồn gần như toàn vẹn nhất trong số bốn cổng của đại tháp, chỉ mất chút ít phần bánh xe trên đỉnh. Nội dung chạm khắc chủ yếu về cuộc đời Đức Phật, cuộc chiến thắng của Ngài trước Ma vương; trưởng giả Anathapindika lót vàng mua đất và xây cất tinh xá Jetavana; vua Pasenadi đến quy y Đức Phật; những sự thi triển thần thông của Ngài…

Cổng Đông mô tả cảnh thái tử cưỡi trên lưng ngựa, được chư thiên đỡ chân vượt ra khỏi thành trong đêm tối, quyết tâm xuất gia cầu đạo; vua Bimbisara đến đảnh lễ Phật. Hai bên cột trụ đứng, một bên khắc cảnh hoàng thành Kapilavatthu đón Đức Phật trở về, một bên khắc sáu tầng trời cõi Dục. Phần đầu trụ được trang trí bằng hình đầu bốn con voi và hai rầm chìa trái phải hình nữ thần sinh sản.

Cổng Tây điêu khắc hình ảnh Đức Thế Tôn nhập Niết-bàn dưới hai cội cây Sala; những người Malla thỉnh xá-lợi Phật về thờ; quân đội bảy nước kéo đến xin chia phần xá-lợi; đội quân Ma vương trốn chạy trước sự giác ngộ của Đức Phật dưới cội cây Pippala; chư thiên thỉnh Phật thuyết pháp; Đức Phật lên cung trời Tusita giảng pháp cho mẫu thân; những mẩu chuyện tiền thân khi Bồ-tát là con khỉ chúa (Mahakapi Jataka), là con trai vị ẩn sĩ mù (Syama Jataka)…

Sự đóng góp của đại tháp Sanchi cho nghệ thuật Phật giáo

Kiểu tháp Sanchi dần dần được biến đổi và được truyền bá đến các nơi khác. Ban đầu chỉ thay đổi chút ít về kiểu tháp. Ví dụ như kiểu tháp vùng Gandhara (Tây Bắc Ấn), tháp Mathura (Bắc Ấn), tháp Amaravati (Nam Ấn). Những kiểu tháp đó có phần chân tháp khá cao và được trang trí cả phần chân tháp lẫn phần bán cầu. Đến thời Gupta và hậu Gupta (từ thế kỷ IV đến thế kỷ VII), phần chân tháp trở nên quan trọng và được làm cao lên, phần bán cầu được thu ngắn lại. Số tán trên đầu tháp được làm nhiều thêm6.

Vào thế kỷ IX, đạo Phật không còn thịnh hành, kiến trúc tháp không còn phát triển tại Ấn Độ nhưng được ưa chuộng tại các nước như Sri Lanka và một số nước thuộc khu vực Đông Nam Á. Kết cấu tháp có khuynh hướng thiên về chiều cao nhưng vẫn giữ được kiểu xưa, đó là có phần hình bán cầu trên chân tháp hình tròn và có bốn cổng quay về bốn phương như Sanchi. Từ kiểu tháp Sanchi đến các kiểu tháp Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam hình thức có vẻ khác biệt. Ở các nước này, phần chân tháp được làm cao lên, thêm nhiều tầng cấp, các đường gờ trở thành những mái nhô ra, phần hình bán cầu bị thu nhỏ lại. Sự biến đổi này thể hiện sự thích ứng của Phật giáo khi du nhập đến các nền văn hóa khác nhau.

Đại tháp Sanchi là kiến trúc bằng đá lâu đời nhất tại Ấn Độ. Tuy được xây dựng và tu bổ suốt nhiều thế kỷ, nhưng phần lớn các tác phẩm điêu khắc và kiến trúc đại tháp Sanchi thuộc về trường phái nghệ thuật phi thánh tượng, khi mà Đức Phật còn chưa được biểu hiện bằng nhân dạng, thay vào đó là những biểu tượng như cây bồ-đề, chỗ ngồi để trống hay bánh xe pháp luân. Nghệ thuật điêu khắc tại Sanchi có nhiều điểm tương đồng với các phù điêu của trường phái Gandhara, ở đó bố cục không gian, nhân vật được giữ gần như nguyên vẹn, chỉ thay thế hình ảnh cây bồ-đề, ngai trống bằng hình ảnh Đức Phật. Điều này cho thấy mô hình cấu trúc và nghệ thuật điêu khắc tại Sanchi là hình mẫu cho nghệ thuật tại các địa điểm khác ở Ấn Độ. Từ cấu trúc bảo tháp Sanchi, các nước khác đã thay đổi một vài chi tiết để phù hợp với văn hóa bản địa nhưng không đi ngoài ý nghĩa ban đầu.

Ngoài ra, mô hình bảo tháp Sanchi từ một biểu tượng đã phát triển thành một triết lý: Khối bán cầu của thân tháp là bầu trời, biểu tượng cho sự bao la vô tận của cõi Niết-bàn, cột trụ trung tâm là hình ảnh của trục vũ trụ nối liền trời đất với nhau, chiếc lọng phía trên là biểu tượng cho quyền uy…

Như đã nói, người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng bảo tháp Sanchi là vua Aśoka. Bằng lòng nhiệt thành đối với Phật giáo, ông đã trở thành nhà bảo trợ nhiệt thành đối với nghệ thuật Phật giáo. Những bảo tháp và trụ đá do Aśoka xây dựng đã trở thành những bằng chứng xác thực chứng minh Đức Phật là một nhân vật lịch sử, một con người được sinh ra ở thế gian nhưng vượt lên trên thế gian để trở thành bậc Giác ngộ.Trong suốt thời gian trị vì 40 năm của mình, vua Asoka đã để lại những di sản đồ sộ cho đất nước Ấn Độ nói chung và Phật giáo nói riêng. Với những đóng góp to lớn của Aśoka cho lịch sử phát triển nhân loại, nhà sử học H.G. Wells trong tác phẩm The Outlines of History đã dùng những ngôn từ cao đẹp để ca ngợi và vinh danh ông như sau:“Trong số hàng chục ngàn tên các quốc vương lấp đầy các cột mốc của lịch sử với các mỹ từ như uy nghi, sang trọng trang nhã, thanh thản và cao quý vương giả v.v…, thì tên của Aśoka sáng chói, mãi sáng chói, hầu như đơn độc, như một vì sao. Từ Volga tới Nhật Bản, tên ông vẫn được vinh danh. Trung Quốc, Tây Tạng và ngay cả Ấn Độ, mặc dầu đã từ bỏ học thuyết của ông, vẫn duy trì truyền thống về tính vĩ đại của ông. Ngày nay, người ta tưởng nhớ về ông hơn là tên của Constantine hay Charlemagne đã từng nghe”7.

Hồng Tánh

___________________

(1) Thích Nguyên Hiệp, Những di tích Phật giáo ở Ấn Độ, tr.137.

(2) Sđd,tr.136.

(3) Tỳ-kheo Minh Huệ (dịch), Đại vương thống sử – Mahavaṃsatr.123.

(4) Robert E. Fisher, Thích Thiện Minh và Trần Văn Huân (dịch), Nghệ thuật và kiến trúc Phật giáo, tr.48.

(5) Michael Kampen O’ Riley, Phan Quang Định (dịch), Những nền mỹ thuật ngoài phương Tây, tr.74.

(6) Nghiêm Thẩm, Đại cương về kiến trúc Phật giáo, tr.112.

(7) Lê Tự Hỷ, Đại đế Asoka – Từ huyền thoại đến sự thật, tr.20.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1- Arthur Zajonc, Pháp Hiền (dịch), Tân vật lý và vũ trụ luận, NXB.Văn Hóa – Văn Nghệ, TP.HCM, 2012.

2- Lê Tự Hỷ, Đại đế Asoka – Từ huyền thoại đến sự thật, NXB.Đà Nẵng, TP.HCM, 2018.

3- Michael Kampen O’Riley, Phan Quang Định (dịch), Những nền mỹ thuật ngoài phương Tây, NXB.Mỹ Thuật, Hà Nội, 2005.

4- Robert E. Fisher, Thích Thiện Minh và Trần Văn Huân (dịch), Nghệ thuật và kiến trúc Phật giáo, NXB.Thành phố Hồ Chí Minh, TP.HCM, 2000.

5- Roy C. Craven, Nguyễn Tuấn và Huỳnh Ngọc Trảng (dịch), Mỹ thuật Ấn Độ, NXB.Mỹ Thuật, Hà Nội, 2005.

6- Sherman E. Lee, Trần Văn Huân (dịch), Lịch sử mỹ thuật Viễn Đông, NXB.Mỹ Thuật, Hà Nội, 2007.

7- Thích Nguyên Hiệp, Những di tích Phật giáo ở Ấn Độ, NXB.Văn Hóa – Văn Nghệ, TP.HCM, 2019.

8- Tỳ-kheo Minh Huệ (dịch), Đại vương thống sử – Mahavamsa, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, 2007.

9- Nghiêm Thẩm, Đại cương về kiến trúc Phật giáo, Tạp chí Vạn Hạnh, số 14, Sài Gòn, 1966.

10- Nguyễn Bá Lăng, Sanchi – Di tích quan trọng của văn hóa Phật giáo Ấn Độ, Tạp chí Vạn Hạnh, số 14, Sài Gòn, 1966.

11- Dựa vào hình ảnh, tài liệu và nội dung bài giảng của TT.TS.Thích Trung San, môn: Nghệ thuật kiến trúc Phật giáo Ấn Độ, 2020.

nguồn: https://giacngo.vn/dai-thap-sanchi-post56695.html