Với mong muốn đem đến một cái nhìn toàn diện và có hệ thống về các vấn đề giới cũng như vai trò và đóng góp của phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay trên mọi phương diện, vào năm 2016, NXB Phụ nữ đã thành lập tủ sách Phụ nữ tùng thư. 

Việc thành lập các tủ sách chuyên biệt không mới, nhưng đây là cách làm đang được các đơn vị xuất bản trong nước quan tâm và đầu tư. 

Giúp độc giả dễ dàng theo dõi 

Sau gần 4 năm ra mắt, đến nay tủ sách Phụ nữ tùng thư đã xuất bản được một số đầu sách như: Đạm Phương nữ sử – Vấn đề phụ nữ ở nước ta, Phan Khôi – Vấn đề phụ nữ ở nước ta, Phan Bội Châu – Vấn đề phụ nữ ở nước ta, Nguyễn Văn Vĩnh – Nhời đàn bà, Một Điểm tinh hoa – Toàn tập thơ văn nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Theo bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc NXB Phụ nữ, tủ sách Phụ nữ tùng thư là nơi công bố các công trình về vấn đề phụ nữ, hướng tới các nhận thức và thực hành quyền phụ nữ, cũng như đấu tranh cho nữ quyền, vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam và sự phát triển bền vững của đất nước. Tủ sách tập trung vào 4 nội dung: Biên khảo, tư liệu; hợp tuyển, tinh tuyển; nghiên cứu và dịch thuật. “Mục đích lớn nhất chính là xây dựng “kho” tư liệu về phụ nữ, về giới thông qua việc công bố các sách/tài liệu; tôn vinh đóng góp của phụ nữ Việt Nam trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc”, bà Hoa Phượng nói về lý do ra đời của tủ sách Phụ nữ tùng thư.

Từ những năm 1990, NXB Trẻ có chủ trương thành lập các tủ sách theo chủ đề, như: Di sản Hồ Chí Minh, Chính trị truyền thống, Đoàn – Hội – Đội, Mầm non, Sống đẹp, Bạn gái trẻ, Tuổi mới lớn, Kinh tế, Y học, Khoa học – Khám phá, Cánh cửa mở rộng, Văn học tuổi 20, Nhất nghệ tinh; tủ sách của các tác giả như Sơn Nam, Vương Hồng Sển, Nguyễn Duy Cần… Vào năm 2018, NXB Trẻ thành lập tủ sách Hà Nội trong mắt một người, tập hợp nhiều cây bút Hà Nội, viết về Hà Nội, dưới nhiều thể loại khác nhau. Đến nay, tủ sách này đã có 8 tựa sách được xuất bản, và có 2 tựa sách chuẩn bị ra mắt là Hà Nội chút bụi trên vai người của nhà văn Đỗ Phấn và Thăng Long kẻ Hà Nội hàng của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến. Bà Phan Thị Thu Hà, Phó Giám đốc NXB Trẻ, cho biết: “Việc phát triển các tủ sách theo chủ đề giúp chúng tôi quy tụ được những tác giả có uy tín trong lĩnh vực làm việc cùng nhau, để đưa đến bạn đọc những tác phẩm trong mảng chủ đề đó; đồng thời việc này cũng giúp bạn đọc dễ theo dõi khi họ cần tìm sách ở một mảng chủ đề nào đó”.

Cần chiến lược cụ thể 

Trong cuộc trao đổi vào năm ngoái, khi được hỏi về tình hình khai thác văn học Nhật Bản ở trong nước, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu cho rằng, hiện nay chúng ta vẫn đang khai thác văn học Nhật Bản theo cách “được chăng hay chớ”, nhắm thấy cuốn nào là dịch cuốn đó mà không có một kế hoạch thực sự cho nó. Đây là thực trạng chung của xuất bản Việt Nam, không riêng gì văn học Nhật Bản. Bởi trên thực tế, đã có nhiều tủ sách được thành lập nhưng vì không có một chiến lược cụ thể và lâu dài nên những tủ sách đó đành “đứt gãy giữa đường”, hoặc có những tủ sách được làm qua loa, ít có sự đầu tư một cách nghiêm túc về nội dung lẫn hình thức. 

Theo chia sẻ của bà Phan Thị Thu Hà, tại NXB Trẻ, có tủ sách tồn tại gần 30 năm qua nhưng cũng có tủ sách không hợp thời đành phải bỏ như Tuổi Hồng, Bạn gái trẻ. Với tủ sách Hà Nội trong mắt một người, dù ra đời mới 2 năm nhưng nhờ được đầu tư kỹ lưỡng nên tủ sách được đông đảo bạn đọc đón nhận. Đặc biệt, tác phẩm Một thời Hà Nội hát của nhà văn Nguyễn Trương Quý được trao giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì một tình yêu Hà Nội vào năm 2019. Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng giúp độc giả có thể lạc quan về tủ sách này chính là đội ngũ các nhà văn, nhà nghiên cứu của Hà Nội đã và đang có sách in tại NXB Trẻ như Đỗ Phấn, Nguyễn Thị Thu Huệ, Lê Minh Khuê, Nguyễn Ngọc Tiến, Trương Quý, Nguyễn Việt Hà, Hồ Anh Thái… 

“Điều làm nên thành công của một tủ sách, tôi cho rằng quan trọng nhất là tủ sách ấy có đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc hay không, nó có “tính vấn đề” thú vị hay không; người/nhóm tác giả/chuyên gia/cố vấn có uy tín hay không và có phù hợp với tôn chỉ, mục đích, chức năng hoạt động của NXB hay không. Ngoài ra, một yếu tố nữa chính là cách quảng bá tủ sách ấy có tiếp cận độc giả không và bản thân tủ sách ấy có thực sự đóng góp cho sự phát triển của NXB và ngành xuất bản hay không… Và điều đặc biệt quan trọng là giá trị của tủ sách và tính hữu ích/hữu dụng của nó”, bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc NXB Phụ nữ, bày tỏ.

theo HỒ SƠN/SGGPO