Sách “Nguồn gốc dịch bệnh” giúp chúng ta tìm hiểu nguồn gốc của các bệnh truyền nhiễm từ động vật hoang dã sang người.

Nguồn gốc dịch bệnh của tác giả David Quammen là cuốn sách khoa học thu hút sự quan tâm của nhiều phương tiện thông tin đại chúng.

Cuốn sách không chỉ giải mã những ẩn số lớn về các bệnh truyền nhiễm trên động vật, lây truyền cho chính con người qua góc nhìn khoa học, mà còn đưa ra lời cảnh báo về những căn bệnh mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong tương lai.

Sách Nguồn gốc dịch bệnh. Nguồn: netabooks.

Hành trình truy tìm virus, vi khuẩn gây bệnh

Trong Nguồn gốc dịch bệnh, David Quammen đã viết một câu chuyện đặc biệt, giống như tiểu thuyết trinh thám với những kẻ sát nhân rất khác biệt, nhưng cũng rất chân thực. Chúng là virus, vi khuẩn và những sinh vật đơn bào gây bệnh trên động vật. Đôi khi, chúng sẽ thay đổi mục tiêu và nhảy sang loài người.

Mỗi chương của cuốn sách là một hành trình theo đuổi tên tội phạm mới, chịu trách nhiệm bởi nhóm các thám tử đến từ khắp nơi trên thế giới.

Sau chương đầu nói về thứ virus hạ gục cả ngựa và người, Nguồn gốc dịch bệnh kể câu chuyện đen tối về virus Ebola, với những con khỉ đột chết chồng lên nhau trong rừng, món thịt từ xác thối trong rừng và ma thuật.

Trong các chương tiếp theo, tác giả dần hé mở nguồn gốc của căn bệnh này, bắt đầu chỉ từ đôi ba tin đồn, vài cái chết bí ẩn dường như chẳng hề liên quan nhau, cho đến khi chân tướng thủ phạm được phơi bày.

Trong suốt quá trình đó, chúng ta sẽ được thấy muôn vàn cách mầm bệnh có thể di chuyển từ vật chủ này sang vật chủ khác – qua phân, dịch tiết, chấy nhầy, máu – và khám phá những hành vi nguy hiểm có thể dẫn đến phơi nhiễm: Leo cây, uống nhựa chà là, ăn hay chỉ đơn thuần là chạm vào động vật đã chết…

Quammen cũng tìm kiếm cả những đồng phạm không cố ý – những loài động vật mang mầm bệnh trước khi truyền cho người – như lợn, chim, khỉ, khỉ đột và dơi.

Tác giả David Quammen. Nguồn: arcanestorie.

Con người là một phần của tự nhiên

Không chỉ tài ba trong việc mô tả cách hoạt động của virus, Quammen còn rất thành công khi vẽ lên chân dung của những người hùng.

Đó là những nhà sinh học phân tử nghiên cứu về SARS “với bản năng của một nhà dịch tễ học cùng sự dũng cảm của con khỉ mặt đỏ”, hay nhà sinh thái học đam mê những món ăn phương Đông kỳ lạ, hoặc chuyên gia bệnh thú y với “thân hình rắn rỏi và nghiêm nghị của một cựu cầu thủ bóng bầu dục đã qua tuổi 40”.

Bên cạnh đó, cuốn sách của ông còn có những chi tiết lịch sử cũng rất thú vị: Các nhà khoa học thế kỷ 19 sử dụng kính hiển vi quang học để tìm kiếm sinh vật nhỏ bé trong tế bào máu của bệnh nhân sốt rét, trong khi virus tiếp tục nấp sau tấm màn bí ẩn cho đến khi kính hiển vi điện tử được phát minh vào những năm 1930.

Hay những dấu mốc lịch sử quan trọng: Tổng thống Hoover cấm nhập khẩu vẹt vào nước Mỹ; sự bùng phát của viêm khớp và phát ban, trước khi được liên hệ với bọ ve hươu, tại thị trấn Lyme tại bang Connecticut; loạt ca bệnh tưởng chừng vô hại, nhưng thực tế lại chết người, trên hàng loạt bệnh nhân nam tại Mỹ vào những năm 1980…

Trong chương cuối cùng của cuốn sách, Quammen đề cập lý do ẩn sau sự xuất hiện của những căn bệnh lây truyền từ động vật – những mầm bệnh tìm đến chúng ta từ những loài sinh vật khác – không phải điều gì mới mẻ, nhưng đang có xu hướng tăng lên.

Ông cho rằng dân số khổng lồ của loài người, cùng với lượng gia súc rất lớn, sự hủy diệt của môi trường sống tự nhiên, những hệ sinh thái bị phá vỡ – những thứ hoàn toàn có thể biến thành cuộc tranh cãi về sự trả thù của tự nhiên lên loài người.

Quammen nhấn mạnh một cách đầy cẩn trọng rằng con người chính là một phần của tự nhiên và đó chính là vấn đề.

nguồn: https://zingnews.vn/di-tim-nguon-goc-dich-benh-post1253711.html