Diễn văn tại Gettysburg (The Gettysburg Address) được tổng thống Abraham Lincoln đọc tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia ở Gettysburg, Pennsylvania trong cuộc Nội chiến Mỹ vào ngày 19/11/1863 – hơn 4 tháng sau khi quân đội Liên bang miền Bắc chiến thắng quân đội Liên minh miền Nam tại trận Gettysburg.

Mặc dù chỉ gói gọn trong vòng vài phút đồng hồ, và được tổng thống Abraham Lincoln đọc trong một trạng thái mỏi mệt do bị ốm, nhưng Diễn văn tại Gettysburg đã trở thành một trong những bài diễn văn nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của lịch sử nước Mỹ, được nhiều thế hệ người Mỹ học thuộc lòng trong trường học. Đáng tiếc thay, toàn văn chính xác của nó lại chưa được các sử gia Mỹ thống nhất, và 5 phiên bản khác nhau của nó hiện vẫn đang được lưu hành.

Bản dịch sử dụng dưới đây là phiên bản “Bliss” – phiên bản được sử dụng nhiều nhất, nhưng chưa hẳn đã là phiên bản chính xác nhất của Diễn văn tại Gettysburg. Phần thu âm trong video không phải là thu âm thực tế của tổng thống Abraham Lincoln, mà được người đi sau diễn lại.

Phần thu âm:

Bản dịch:

Tám mươi bảy năm về trước, những vị cha lập quốc đã sáng lập nên một quốc gia mới trên lục địa này, thai nghén trong tự do và dâng hiến cho lời tuyên bố rằng mọi con người được tạo ra (*) bình đẳng.

(*) Dẫn từ Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ. Từ tiếng anh là “create”, ở đây được dịch là “tạo ra”, tín ngưỡng phương Tây tin rằng Chúa Sáng Thế tạo ra con người. Tín ngưỡng phương Đông về bà Nữ Oa, hay mẹ Âu Cơ, cũng vậy. Có nhiều nguồn dịch là “sinh ra”.

Ngày hôm nay, chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc nội chiến lớn, để thử thách xem một quốc gia như vậy, hay bất cứ một quốc gia nào được thai nghén [trong tự do] và dâng hiến [cho sự bình đẳng] đến mức như vậy, có thể trường tồn được hay không.

Chúng ta hội ngộ trên chiến trường lớn của cuộc nội chiến ấy.
Chúng ta tới đây để dâng hiến một phần của chiến trường này thành nơi an nghỉ cuối cùng cho những con người đã ngã xuống để tổ quốc được sống.
Đó là một điều phù hợp và nên làm.

Nhưng, theo một ý nghĩa rộng lớn hơn, chúng ta không thể dâng hiến, không thể thờ cúng, không thể thần thánh hóa mảnh đất này [hơn nữa].
Những con người dũng cảm, dù còn sống hay đã khuất, đã nỗ lực để thần thánh hóa mảnh đất này vượt trên khả năng nhỏ bé của chúng ta, chúng ta đã không thể góp phần hay làm lu mờ bớt đi nỗ lực ấy.
Thế giới sẽ không ghi nhớ những gì mà chúng ta đang nói tại đây ngày hôm nay, nhưng thế giới sẽ không bao giờ quên điều mà những con người dũng cảm ấy đã làm được.
Đối với chúng ta, những con người đang sống, chúng ta cần phải dâng hiến bản thân cho những công việc dang dở, mà những con người đã chiến đấu ở đây đang thúc đẩy một cách cao thượng.
Chính chúng ta cần phải dâng hiến cho nhiệm vụ trọng đại mà chúng ta đang phải đối diện – nhiệm vụ mà chúng ta nhận lấy từ những người đã khuất đáng kính, để dâng hiến hơn nữa cho chính nghĩa mà họ đã tận lực hiến dâng; nhiệm vụ mà chúng ta phải kiên tâm để những người đã ngã xuống không ra đi một cách uổng phí; nhiệm vụ khiến cho đất nước này, dưới bàn tay của Chúa, được tái sinh trong tự do; nhiệm vụ để cho một chính quyền của dân, do dân và vì dân sẽ không biến mất khỏi mặt đất này.

Quang Minh biên dịch

Trong quá trình biên dịch, chúng tôi cố gắng khiến bản dịch sát nghĩa và thể hiện được tinh thần của bài diễn văn trong khả năng tốt nhất của mình, tuy nhiên để mang được cái hồn của những áng văn tới độc giả là một điều không dễ. Chúng tôi trân trọng mọi ý kiến giúp cho bản dịch hoàn chỉnh và hay hơn.

Tham khảo thêm bản dịch của Nguyễn Xuân Xanh

Nguồn: trithucvn