Trong miền ký ức tuổi thơ, mỗi chúng ta đều được nuôi lớn bởi những câu chuyện cổ tích huyền ảo và đầy mơ mộng. Trong thế giới cổ tích đó, loài người đạt được những ước mơ hoàn mỹ mà hiện thực họ không có được. 

Ở nơi đó, những câu chuyện sẽ luôn kết thúc có hậu trong niềm tin bất diệt rằng cái thiện sẽ chiến thắng cái ác, cái xấu sẽ bị trừng phạt, người nghèo khổ sẽ được cứu vớt, người lương thiện sẽ gặp may mắn…

Nhưng lớn lên, chúng ta hiểu rằng thế giới này không phải là chuyện cổ tích. Những suy nghĩ ngây thơ và hồn nhiên cứ sụp đổ dần trước sự dữ dội và khắc nghiệt của “cơn bão” mang tên tuổi trưởng thành. Chúng ta biết rằng, thế giới này không chỉ đơn giản chỉ có thiện – ác, trắng – đen, tốt – xấu… và nếu những nhân vật cổ tích sống trong thế giới hiện đại chắc hẳn cũng gặp nhiều khó khăn để sinh tồn.

Đã đến giờ kể chuyện của Gérard Jugnot (TS ngôn ngữ học Trương Thị An Na, ĐH Sư phạm TPHCM dịch) đã cho tôi cơ hội được sống lại những ký ức trẻ thơ dưới góc nhìn và trải nghiệm của người lớn thời 4.0. Đọc cuốn sách, tôi được gặp lại các nhân vật cổ tích, nhưng thay vì bắt đầu bằng mô-típ “ngày xửa ngày xưa” và kết thúc bằng “họ sẽ sống hạnh phúc mãi về sau” thì các nhân vật này phải đối diện và vật lộn với những vấn đề xã hội hiện tại.

Ở miền đất này, Lọ Lem vì xuất thân nghèo nàn, hèn kém nên kể cả khi được bà tiên ban cho chiếc váy và đôi giày để đến gặp hoàng tử, nàng vẫn không thể xóa được mùi hôi và mái tóc bết mà sự nghèo khổ, vất vả đã “ban tặng”. Kết cục, thay vì được sống hạnh phúc với hoàng tử, nàng trở về sống cuộc sống trước kia. Ở câu chuyện khác, chúng ta không khỏi bật cười khi bắt gặp con sói chọn “lối sống xanh” sau khi qua những trải nghiệm không vui lắm vì ăn thịt. Nhưng đời đâu cho phép con sói thay đổi dễ dàng như thế, kể cả khi muốn ăn chay thì nó cũng phải chết vì bà lão nghĩ rằng sói sẽ ăn thịt bà. 

Gấp trang sách lại, chúng ta sẽ thấy lòng mình trầm xuống vài nhịp, bởi sự thực là thế giới chúng ta đang sống không phải là miền đất thần tiên. Tuy nhiên, cuốn sách không truyền nguồn năng lượng tiêu cực khiến con người bi quan, mà nhắc nhở chúng ta về những sự thật vẫn đang hiện hữu, thôi thúc chúng ta sống trọn vẹn hơn từng ngày. Đừng bao giờ quên đi đứa trẻ lương thiện, ngây thơ và thuần khiết đã và đang sống trong mỗi chúng ta – đứa trẻ luôn tin vào sự công bằng và tương lai tốt đẹp.

PGS-TS TRỊNH VĂN TÙNG, Trưởng khoa Xã hội học, Trường Đại học KHXH-NV, Đại học Quốc gia Hà Nội