Ở nước Nga vào những ngày lễ kỷ niệm Đại thắng chống phát xít Đức, mọi người đều nhớ đến một địa điểm thiêng liêng – đó là đồi Mamayev ở Volgograd.

Tại đây kiến thiết tổ hợp tưởng niệm hoành tráng ngợi ca chiến công bất tử của những người anh hùng đã bảo vệ thành phố Stalingrad.

Trận chiến bắt đầu vào mùa hè năm 1942 và kéo dài đến cuối tháng Giêng năm 1943, đó là cuộc giao tranh bước ngoặt quan trọng không chỉ trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại mà trong cả Thế chiến II. Sau thất bại nặng nề trên bờ sông Volga, quân đội Đức vẫn cố gắng tiến công, nhưng mỗi lần đều bị đánh bại.

“Cao điểm 102”. Trong thời gian trận Stalingrad, trên bản đồ quân sự đồi Mamaev được đánh dấu như vậy. Ngọn đồi này đã là một mắt xích chủ yếu trong toàn bộ hệ thống phòng thủ trên mặt trận Stalingrad. Trận đánh ác liệt trên đồi Mamaev đã kéo dài 135 ngày. Sườn đồi bị bom đạn cày nát, đất đai trộn đầy những mảnh kim loại. Vào mùa đông Nga nhiều tuyết, đồi Mamaev vẫn có màu đen: tuyết tan chảy nhanh dưới làn đạn pháo. Theo các nhân chứng, vào mùa xuân đầu tiên sau chiến tranh, đồi Mamaev vẫn không có màu xanh. Cỏ dại không mọc nổi  trên mảnh đất cháy trụi…

Ý tưởng xây dựng một tượng đài lớn để tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong trận chiến khốc liệt này đã nảy sinh ngay sau khi kết thúc trận Stalingrad. Ở Liên Xô đã tổ chức cuộc thi thiết kế đài tưởng niệm. Trong số vài chục bản thiết kế đã chọn lựa dự án của nhà điêu khắc danh tiếng Evgeny Vuchetich — tổ hợp tưởng niệm hoành tráng ca ngợi chiến công của những lính bảo vệ thành phố trên bờ sông Volga.

Để lên tới đỉnh đồi, bạn phải leo tất cả 200 bậc. Con số bậc thang tựợng trưng cho 200 ngày máu lửa của trận chiến Stalingrad. Đi theo con đường quanh co, bạn sẽ thấy bức tường “Chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”, bức tượng bà mẹ khóc vì mất mát, bức tường đổ nát với phù điêu những người bảo vệ Stalingrad, quảng trường Anh hùng, hội trường “Vinh quang Quân đội” và Ngọn lửa Vĩnh cửu. Cuối cùng trên đỉnh đồi có tượng đài “Mẹ Tổ quốc kêu gọi!”. Bức tượng cao 85 m tính từ mũi kiếm trên tay trái tới bệ tượng. Đài tưởng niệm “Những Anh hùng của Trận chiến Stalingrad” được khánh thành vào năm 1967. Đó là tượng đài lớn nhất tưởng niệm các sự kiện của chiến tranh thế giới II. Ông Sergei Mordvinov Phó Giám đốc Bảo tàng “Trận Stalingrad” cho biết:

“Theo truyền thống, ở Volgograd, tất cả các du khách đều đến thăm Viện Bảo tàng của chúng tôi. Nếu nói về mức độ thu hút du khách, thì tượng đài trên đồi Mamaev chiếm số một, với đài tưởng niệm chính của nước Nga là “Mẹ Tổ quốc kêu gọi!”. Còn nếu nói về ảnh hưởng đến tình cảm của mọi người thì tượng đài này khơi dậy cảm xúc mạnh nhất”.

Sau trận đánh Stalingrad, đồi Mamayev thành chỗ mai táng người qua đời từ khắp thành phố. Phó Chủ tịch quỹ từ thiện quốc tế “Trận Stalingrad” Dmitry Belov cho biết:

“Đài tưởng niệm thật độc đáo không chỉ vì kích thước của nó, không chỉ vì tác giả là nhà điêu khắc nổi tiếng, mà còn bởi vì di tích này tượng trưng cho ý muốn của mỗi người đến đồi Mamaev để đắm mình vào bầu không khí thời chiến tranh và đồng thời tôn vinh các liệt sỹ, những người bảo vệ thành phố. Đồi Mamaev không chỉ là một di tích lịch sử, mà còn là nghĩa trang tưởng niệm. Dưới mảnh đất này chôn cất hơn 40 nghìn người”.

Trong những năm sau lễ khánh thành, đài tưởng niệm trên đồi Mamaev đã thay đổi đáng kể. Vào năm 2003, ở đây đã đặt 1.500 tấm bia khắc tên họ 17.000 chiến sĩ bảo vệ Stalingrad. Các tình nguyện viên trong các đội tìm kiếm đã giúp xác minh nhân thân của họ.

Nguồn: vn.sputniknews.com