THƠ ELVIRA KUJOVIĆ, DÒNG CHẢY LIÊN TỤC VÀ BẤT TẬN
(Lời giới thiệu tập thơ “Đôi mắt tôi đang bơi” của Elvira Kujovic, do Vũ Việt Hùng dịch từ Anh ngữ, Nxb Hội Nhà văn, 2019)

Thơ Elvira Kujović tạo áp lực chuyển vần, câu gọi câu, bài gối bài làm hấp lực cho nhau. Thơ chị mang đến cho bạn đọc ấn tượng mới lạ, đầy quyến rũ về một thế giới phồn sinh, chuyển động liên tục, không điểm dừng. Có thể ví áp lực ấy tựa dòng nước chảy xiết, cơn gió phóng dật, cột ánh sáng khúc xạ, dòng tư duy liền mạch và tràn đầy xúc cảm. Với tiêu đề tập thơ “Đôi mắt tôi đang bơi”, tác giả đã khơi lộ một hình ảnh lạ lẫm, thoáng hiện và kỳ bí. Hay đúng hơn, nó hàm ẩn khái niệm mang tính sáng tạo, thể hiện đầy đủ tinh thần thơ và quan niệm thẩm mỹ của Elvira Kujović.

Xuyên suốt tập thơ, “Đôi mắt” của Elvira Kujović đã hiển thị với đa dạng trạng thái cảm xúc, mở ra trước mắt chúng ta “đông đảo” những phận người, phận dân tộc trong những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, đồng thời, gợi những liên tưởng phổ quát, tính nhân văn, lòng vị tha, bác ái ở bất kỳ đâu trên trái đất này. “Đôi mắt” ấy đã quắc lên căm giận trước sự hoang tàn của đất nước Syria sau cuộc chiến trong bài thơ “Món quà tâm hồn”; Và, tuôn chảy dòng lệ xót thương các nạn nhân chiến tranh, những trẻ em và phụ nữ bị giết: “Ta ngồi đó/ Trống rỗng như vỏ hạt óc chó/ Với mùi hương/ Vương giọt máu con/ Con của ta” (Vỏ hạt óc chó). Trong tập thơ này, nhà thơ hay nhắc tới trái tim, một nhân vật xuất hiện trong ngôi thứ hai, mang tính khách quan và thái độ tự vấn: “Trái tim tội nghiệp của bạn không hề biết/ Nó được gọi tên thế nào” (Trái tim Syria của bạn).

Trong số những bài thơ lên án sự tàn khốc của chiến tranh, của phân biệt chủng tộc và cực đoan tôn giáo, tôi ấn tượng nhất với bài “Sự tồn tại” mà Elvira Kujović dành tặng các nạn nhân nhà tù Saidnaya ở Syria. Bài thơ chỉ vẻn vẹn 5 dòng, nội dung như sau:

“Đã từng có một cái tên
Đã từng có những khúc xương và da thịt
Và ở chính giữa trung tâm
Đã từng có một người ở đó.
Nhưng bây giờ chỉ còn tồn tại duy nhất một thứ.”

Bài thơ để lại trong lòng bạn đọc những khoảng trống hoang liêu và nhói buốt. Thơ kiệm lời, nhưng hình ảnh những tù nhân da bọc xương bị bỏ đói và bị đánh đập dã man vẫn hiện lên sống động trong hình dung của người đọc. “Và ở chính giữa trung tâm/ Đã từng có một người ở đó”. Đây là câu thơ then chốt, phá bung cánh cửa phòng giam để hiện hữu một thân phận tù, một biểu tượng cho muôn vàn biểu tượng của những nạn nhân tại trại tù Saidnaya ở Syria. Bài thơ đẩy người đọc vào một không gian oi nồng, ngổn ngang những công cụ tra tấn man rợ, với rờn rợn oan hồn và những xác chết. Hiện trạng ấy đã phơi bầy một cách trung thực những điều kiện sống phi nhân tính mà các tù nhân phải chịu đựng trong trại giam của thể chế độc tài hà khắc. Cũng chính nơi đây, “Đôi mắt” nhà thơ căng rộng, tuôn trào những dòng lệ xót buốt, ẩn hiện khắp không gian nhà tù, thấm sâu xuống nền đất tanh nồng, lạnh lẽo.

“Đôi mắt” của nhà thơ Elvira Kujović luôn tỏa ra năng lượng ánh sáng, tạo cho mỗi bài thơ những cảm xúc liền mạch tựa một hơi thở, một nhịp đập, một tiếng động… Với cách viết của những nhà thơ khác mà tôi đọc được, những hình ảnh thường đứng độc lập, có lúc đan cài với những hình ảnh khác, nhưng năng lượng bài thơ luôn được phát ra từ chính những thi ảnh đó. Chúng tự thân nhói sáng, đôi khi biểu lộ vẻ đẹp một cách đơn lẻ. Nhưng Elvira Kujović có cách lập tứ và tổ chức bài thơ hoàn toàn khác với những tác giả khác. Bạn đọc dễ nhận ra trong một hay nhiều bài thơ của chị luôn tồn tại một dòng chảy liên tục và mạnh mẽ. Những hình ảnh trong dòng chảy ấy thường không đứng yên, ít khi độc sáng mà giao thoa, trộn lẫn, đôi khi thấp thoáng tựa ngọn sóng, bọt nước…: “Tôi là hạt bụi/ Và đồng thời là vì sao/ Sự tồn tại của tôi là ảo tưởng/ Của chính tôi/ Cách tôi nhìn nhận bản thân” (Cảm xúc mơ hồ). Đôi lúc chúng xuất hiện như con cá nổi lên mặt nước rồi lại lặn sâu, và liên tục chuyển động trong mạch nguồn năng lượng mạnh mẽ. Xin dẫn một đoạn thơ bất kỳ trong bài “Tấm lụa rủ màu đen” để minh chứng cho nhận định về sự liền mạch trong hơi thở bất tận của thơ Elvira: “Cứ mỗi sáng thức dậy bạn đều lang thang/ Bạn đang chạy, và tiếp tục chạy/ Nhưng bạn muốn tới đâu?/ Khỏi ai và khỏi điều gì/ Có phải bạn đang trốn chạy?/ Khỏi tấm lụa rủ màu đen/Thứ đã che mắt bạn/ Thứ đã chôn chặt tâm hồn bạn”. Bài thơ kết thúc để khép lại một ma trận chữ, nhưng người đọc vẫn thấy trong tâm tưởng mình những hình ảnh dịch chuyển bất tận và xao động.

Tính tự sự và dẫn chuyện thể hiện rất rõ trong thơ Elvira. Mỗi bài trong tập thơ này là câu chuyện ấn tượng và thi vị. Do đó những hình ảnh trong bài, dù hiện hữu hay chìm khuất đều không quan trọng với đối tượng tiếp nhận, khi ánh sáng văn bản đã dẫn dụ họ đến được đích mà nhà thơ hướng tới. Đây chính là điểm độc đáo, riêng biệt của tập thơ “Đôi mắt tôi đang bơi” mà bạn đọc sẽ dễ dàng cảm nhận.

Tiêu biểu cho cách viết của Elvira, theo tôi là bài thơ “Ngọn nến”. Do dung lượng văn bản nên tôi không dẫn nguyên vẹn bài thơ trong bài viết nhỏ này, xin bạn đọc tìm đọc trong tập thơ. Ở đây, “Ngọn nến” được xuất hiện trong ngôi thứ nhất, tự sự về câu chuyện của chính nó, nêu bật tính tự hủy và khát vọng, khơi lộ bản chất của đam mê và dâng hiến. Nó được tỏa sáng từ đầu, cháy liên tục, ngày càng mạnh mẽ, và mãi vang vọng dù đã kết thúc ở dạng vật chất: “Ánh lửa tôi vẫn đang vùng vẫy/ Lớp sáp ong chiếc vỏ đong đầy/ Mùi hương tôi tràn ngập căn phòng./ Tâm hồn tôi còn vương vấn ước mơ vĩnh cửu.”

Dòng chảy liên tục, bất tận này xuất hiện trong mọi trạng thái thơ Elvira Kujović. Trong tập thơ “Đôi mắt tôi đang bơi” có 13 bài tình, tác giả cố ý xếp cuối tập thơ. Lúc đầu tôi ngỡ đó là những lối đi riêng đến với miền khác của xứ đẹp. Nhưng khi đọc trọn vẹn cả tập, tôi vẫn nhận ra dòng chảy cuộn xiết, nhất quán ấy trong thơ chị. Trong bài thơ “Cùng một cơn rùng mình đánh thức chúng ta”, hình ảnh “Anh” và “Em” được hòa trộn nhau như hai âm thanh, hai sắc màu. Tình yêu, chính là nơi giao hòa như đất với trời, là hợp lưu của hai dòng chảy, là hai nửa của một trái chín: “Em cảm nhận rằng anh nhớ em/ Và em yêu sự bồn chồn của anh/ Và sự trống rỗng/ Khi sự lo lắng của anh tràn tới em/ Như hơi lạnh phả qua sự yên tĩnh./ Em yêu cơ thể của anh,/ Hơi thở của anh làm em ấm áp/ Và đôi mắt anh tựa ánh mắt sợ hãi của hai chú hươu kia”. Rõ ràngElvira đã làm mờ nhòe ranh giới giữa đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai. Ở đây “Anh” hay “Em” là hình ảnh chủ đạo? Cả hai, vừa là chính và cũng vừa là phụ trong tổ chức câu thơ, nhằm bổ trợ, và tôn vinh nhau. Sự hòa trộn, hoán vị này xuất hiện trong tất cả những bài thơ tình của Elvira Kujović, làm nên phong vị độc đáo và hấp dẫn của tập thơ.

Nhà thơ Elvira Kujović sinh ở Cộng hòa Serbia, sau đó định cư ở Cộng hòa Liên bang Đức. Chị là nhà thơ song ngữ, được ảnh hưởng từ hai nền văn hóa lớn của nhân loại. Quê hương Serbia của chị từng là quốc gia có nền văn hóa phát triển cao vào thời Đế chế Ottoman. Serbia từng nằm trong Liên bang Nam Tư cũ, sau đó tách thành quốc gia độc lập. Xung đột lãnh thổ và tôn giáo cho đến nay vẫn là đề tài nóng bỏng trên vùng đất này. Có thể nói, đất nước Serbia đã vươn lên từ đống tro tàn, đổ nát của chiến tranh và những cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo. Elvira Kujović cũng được ảnh hưởng sâu sắc nền triết học và văn học Đức, đó là tính chính xác, khoa học và tư biện cao. Đọc “Đôi mắt tôi đang bơi” tôi nhận thấy Elvira Kujović đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa triết học phương Tây với minh triết phương Đông. Ngay trong một bài thơ vẫn thấy có sự kết hợp hài hòa giữa những khái niệm trừu tượng và những điều cụ thể, từ hẹp đến rộng, từ xa đến gần và ngược lại, chuyển động giao thoa giữa nhân sinh quan và thế giới quan, cá thể và vũ trụ…

Thơ Elvira Kujović đến với bạn đọc Việt Nam tựa cơn gió mới lạ, mang theo sinh quyển và hương thơm từ vùng đất mới. Sự quyến rũ của thơ chị làm tôi ngỡ như quên chữ, quên câu, quên đi cả những thủ pháp cao tay của chị – một trong những nhà thơ uy tín của văn học Đức và Serbia đương đại. Với thi pháp riêng/ khác biệt nhưng không quá xa lạ với bạn đọc Việt Nam, tôi tin bạn đọc chúng ta sẽ đón nhận tập thơ “Đôi mắt tôi đang bơi” bằng sự cởi mở và gần gũi, bởi ai cũng dễ nhận ra trong mỗi câu thơ, bài thơ của Elvira Kujović một trái tim nồng ấm của người mẹ, người phụ nữ đa cảm, giàu lòng nhân ái và luôn mạnh mẽ. Trái tim ấy “không ngừng yêu và không ngừng nhớ”, như Elvira Kujović luôn hằng tin “chân lý tồn tại vĩnh cửu/ Trong trái tim ta/ Ngươi không thể bóp nghẹt nó” (100 nhát dao).

Xin nồng nhiệt chúc mừng thơ của Elvira Kujović đã đến với bạn đọc Việt Nam qua bản dịch trau chuốt và sinh động của Vũ Việt Hùng!

Mai Văn Phấn /
http://maivanphan.com