Nỗi ám ảnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng (Lekima Hùng) trong chuyến đi xuyên Việt chụp ảnh “săn rác” của mình là một bờ biển ngập rác dài hàng kilomet đến mức không nhìn thấy cát, những tiếng vo ve của đàn ruồi từ bãi rác cạnh bãi biển, hay cảnh người dân trên đảo vứt rác ra biển như một lẽ tự nhiên…

Những ám ảnh từ rác

Tháng 8-2018, Lekima Hùng bắt đầu thực hiện chuyến đi của mình bằng xe gắn máy. Chặng đường xuyên Việt của anh kéo dài 33 ngày đêm, đi suốt 7.000km (trong đó có 3.260km đường bờ biển). Trong hành trình, 63 tỉnh thành trên cả nước anh đã đặt chân đến 40 tỉnh, trong đó có 28 tỉnh giáp biển.

Trên chặng hành trình này, anh đã gặp muôn vàn câu chuyện gây “ám ảnh” về rác thải như bờ biển ở tỉnh Bình Thuận, một bờ biển ngập rác dài hàng kilomet, đến mức không nhìn thấy cát. Người dân ở đây có vẻ quen với việc tắm biển chung với rác. Quá sốc vì một bờ biển tìm cát lại khó hơn rác thải nhựa, Lekima Hùng đã chụp xuyên trưa và đến tối, không ngừng nghỉ.

Hay câu chuyện trên đảo Nam Du, tỉnh Kiên Giang, cảm giác của Lekima Hùng đã rất sốc vì bên cạnh một bờ biển rất đẹp là một bãi rác toàn ruồi. Đáng lẽ đi dọc bãi biển thì âm thanh sóng biển phải nghe thấy nhiều nhất thì ở đây lại là tiếng vo ve của ruồi, nhất là khi đốt rác. Khi chúng bay lên, âm thanh cùng với mùi rác thải rất khó chịu, cảm giác đó đeo đẳng anh tới tận bây giờ. Cũng trên hòn đảo đẹp đẽ đó, người dân có truyền thống vứt rác ra biển.

Lekima Hùng chia sẻ, việc xử lý rác ở đảo rất khó vì họ không thể vận chuyển rác vào bờ do chi phí quá cao. Bởi vậy, người dân đốt, chôn lấp hoặc chủ yếu là quăng xuống biển.

Nhiều nơi anh đi qua thực sự là không có nơi xử lý rác như đảo Tam Hải (Quảng Nam); đảo Bình Hưng (Khánh Hòa) đốt rất thủ công. Có nơi đầu tư lò đốt rác thì lại bé không đủ công suất như đảo Bình Ba (Khánh Hòa) hay Côn Đảo.

Thậm chí, có những đảo được đầu tư lò đốt rác nhưng lại không đốt bằng lò được bởi không phân loại rác tại nguồn dẫn đến vẫn đốt thủ công tại chỗ hoặc vứt ra môi trường. Vì vậy, Lekima Hùng cho rằng vẫn cần có một sự chung tay của cộng đồng và các cấp, ngành chứ không chỉ lên án việc vứt rác bừa bãi của người dân nơi đây.

Hy vọng thay đổi nhận thức

Chia sẻ ý tưởng về hành trình đặc biệt của mình, Lekima Hùng cho biết, việc mẹ anh bị ung thư đã thôi thúc anh tìm hiểu rất nhiều về căn bệnh này và đã phát hiện ra trong rất nhiều nguyên nhân gây ung thư thì có một nguyên nhân từ rác thải nhựa.

Theo nghiên cứu, các vùng biển ở Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề rác thải nhựa. Việt Nam hiện là một trong bốn quốc gia gây ô nhiễm môi trường biển nhất thế giới với việc xả thải khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa ra đại dương mỗi năm. Đặc biệt, túi nilon, chai nhựa, ống hút, cốc bát nhựa… được sử dụng rất nhiều bởi đặc tính “sống lâu”, bền, nhẹ và rẻ của nó, nhưng chúng lại là những sát thủ kinh hoàng của đại dương.

Sau khi tìm hiểu về rác thải nhựa tại Việt Nam, Lekima Hùng quyết định thực hiện chuyến đi. Anh đã dành khoảng một năm để xây dựng kế hoạch, mục tiêu thực hiện và hy vọng các bức ảnh sẽ thay đổi nhận thức cộng đồng, người dân, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý để thay đổi nhận thức, hành vi của mình trong tương lai.

“Và tôi thấy rất mừng vì việc mình làm đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của mọi người. Đơn cử, ngay trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua tôi đăng tải bộ ảnh và clip trên trang web “Save our seas” (Hãy cứu biển) và đã nhận được hiệu ứng tốt, hàng chục ngàn lượt “like” và “share”.

Vui hơn nữa khi tôi được biết sau khi những bức ảnh về bờ biển dài hàng kilomet ngập rác ở Bình Thuận được đăng tải, chính quyền xã ở khu vực đó đã huy động người dân dọn rác ngay trong dịp tết. Tôi cũng chưa có điều kiện quay lại để chụp bờ biển đã sạch đẹp đó”, Lekima Hùng nói.

Hành động nhỏ hôm nay thay đổi ngày mai

Từ sau chuyến hành trình “săn rác” đó, nhiếp ảnh gia Lekima Hùng vẫn làm nhiều hoạt động vì môi trường như: Thường xuyên tổ chức những chuyến đi dọn rác ở biển cùng các thành viên của Học viện nhiếp ảnh Ánh sáng, nhóm Cho trẻ về thiên nhiên và duy trì trang web “Save our seas” (Hãy cứu biển), Chợ xanh… để đưa những thông tin về rác thải, môi trường.

“Với tôi, việc hướng dẫn các em nhỏ dọn rác là rất quan trọng vì ít người biết để dọn sạch một đống rác nhỏ lại mất rất nhiều thời gian. Khi các em thực sự cúi xuống nhặt rác thì việc vứt rác không đúng nơi quy định là khó khăn hơn. Tuy nhiên, vẫn cần phải trang bị cho các em nhỏ kiến thức phân loại rác, thế nào là rác thải nhựa, rác thải độc hại và rác thải nào có thể tái chế…”, anh Hùng tâm huyết nói.

Năm 2019 và 2020, anh vẫn tiếp tục có kế hoạch thực hiện những chuyến đi chụp ảnh các hòn đảo của Việt Nam, vì đảo Việt Nam rất đẹp, nó mang nhiều ý nghĩa kinh tế, du lịch… nhưng vấn đề xử lý rác thải ở đảo vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Lekima Hùng sẽ tổ chức một triển lãm ảnh “Hãy cứu biển” nhân Ngày Môi trường thế giới (5-6) ở Hà Nội, với mong muốn những bức ảnh từ sẽ đến được với đông đảo học sinh trong cả nước. Kế hoạch tiếp theo của anh là ra mắt cuốn sách “Du ký xanh” vào cuối năm 2019, kể về chuyến hành trình chụp ảnh rác đặc biệt này.

Trả lời câu hỏi: “Anh có cảm nhận gì khi mình là người đầu tiên thực hiện công việc này?”, Lekima Hùng cho biết, anh không mưu cầu sự nổi tiếng mà chỉ nghĩ dùng nghệ thuật nhiếp ảnh, niềm đam mê của mình truyền đạt lại thực trạng báo động về rác thải nhựa tại Việt Nam.

“Nếu chúng ta không làm từ bây giờ, chắc chắn con cháu chúng ta sẽ chịu hệ quả từ rác thải nhựa. Việc làm của tôi chỉ là góp thêm tiếng nói để giúp mọi người thay đổi nhận thức làm biển Việt Nam đẹp hơn mà thôi”, anh Hùng điềm đạm nói.

Tuyết Minh/Hanoimoi.com.vn