… Nhiều năm trước, tôi có dịp lang thang trên quảng trường Trafalgar ở thủ đô London của nước Anh. Đây là quảng trường được xây dựng để kỷ niệm chiến thắng của hải quân Anh trong trận chiến Trafalgar lừng danh do Đô đốc Nelson chỉ huy. Nằm ngay vị trí trung tâm của quảng trường là một chiếc cột cao 52 mét mà ở trên đỉnh cột là bức tượng vị đô đốc tài ba đứng sừng sững giữa trời. Nhưng điều khiến tôi chú ý nhất không phải là bức tượng sừng sững đó, mà là một dòng chữ ở tấm điêu khắc gần chân cột: “England expects that every man will do his duty”. (Tạm dịch: Nước Anh mong muốn mỗi người sẽ làm tròn công việc/bổn phận của mình).

Đó chính là lời hiệu triệu nổi tiếng mà đô đốc Nelson đã gửi cho hạm đội của mình trước trận Trafalgar. Nhưng tôi nghĩ, chọn khắc dòng chữ này ở một trong những vị trí được xem như “trái tim” của nước Anh; người Anh không chỉ đơn thuần muốn kỷ niệm một trận chiến mà có lẽ muốn gửi gắm vào đó nhiều thông điệp hơn thế.

Mỗi công dân Anh (và cả những người không phải là người Anh) khi đứng trước những dòng chữ này hẳn sẽ ít nhiều suy tư về những “công việc” hay “bổn phận” của mình: chúng là gì, và mình đã làm chưa; nếu đã làm thì đã làm đúng và làm tốt/làm tròn những công việc ấy hay chưa?

“Công việc của mình” – Mấy chữ trên tấm phù điêu về trận chiến Trafalgar năm ấy cũng đã ít nhiều bắt đầu gợi lên và gieo vào trong tôi những suy tư về mình, về thời cuộc, và đặc biệt là về những “trận chiến” diễn ra ở ngay xứ sở của mình. Những suy tư đó đã thực sự thôi thúc tôi muốn viết một điều gì đó về “công việc”, về làm đúng và làm tốt “công việc”, về những “trận chiến” liên quan đến bản chất và chân giá trị của mọi vấn đề.

Đó không phải là những trận chiến hữu hình giữa người với người, giữa gươm với súng như trong quá khứ; mà là những trận chiến giữa cái đúng và cái sai, giữa khai minh và vô minh, giữa cõi phàm và cõi thiêng, giữa cái cao đẹp và cái thấp hèn của con người. Những cuộc chiến vô hình ấy cũng khốc liệt và có sức tàn phá khủng khiếp không kém bất kỳ cuộc chiến hữu hình nào: Các thang giá trị trong xã hội bị đảo lộn; con người bị cuốn vào những vòng xoáy hỗn mang, nghi ngờ chính những điều đã từng được coi là chân-thiện-mỹ; công việc nào, lĩnh vực nào, ngành nghề nào, vấn đề nào cũng có những điều được xem là “vấn nạn chưa có lời giải”.

Bất kỳ ai chứng kiến và cảm nhận những điều đó hẳn cũng sẽ đau đáu một câu hỏi nhân sinh như tôi: Căn nguyên của những gì đang diễn ra trong xã hội này, căn nguyên của những vấn đề mà con người ngày nay đang gặp phải là gì và do đâu?…

– Trích Đôi lời từ tác giả

Mục lục

Đôi lời từ tác giảPhần 1: Đúng việc – LÀM NGƯỜI

1. Thế nào là con người? Làm người là làm gì?
2. Phải có năng lực gì thì mới làm được người? Năng lực làm người là những năng lực nào?
3. Làm thế nào để có được những năng lực đó?
4. Đã là người và có năng lực làm người thì làm người thôi!

Phần 2: Đúng việc – LÀM DÂN

1. Làm dân cũng là làm người
2. Thế nào là một công dân? Làm dân là làm gì?
3. Phải có năng lực gì thì mới làm được dân? Năng lực làm dân là những năng lực nào?
4. Làm thế nào để có được những năng lực đó?
5. Đã là dân và có năng lực làm dân thì làm dân thôi!

Phần 3: Đúng việc – LÀM VIỆC

1. Làm việc cũng là làm người
2. Quản trị hay cai trị
3. Công chức hay phụ mẫu
4. Trí thức hay trí nô (sử gia-sử nô, nhà nghiên cứu, nhà khoa học,…)
5. Nhà báo hay bồi bút (nhà văn hay văn nô)
6. Doanh nhân, trọc phú hay con buôn
7. Ca sĩ hay thợ hát (giới văn nghệ sĩ)
8. Nghề khác (luật sư, bác sĩ, công an, bộ đội,…)

Phần 4: Đúng việc – LÀM GIÁO DỤC

1. Triết lý
2. Định chế
3. Nhà nước
4. Nhà trường
5. Nhà giáo
6. Gia đình
7. Người học

Thay lời kết

Tác giả: Giản Tư Trung
Nhà xuất bản: NXB Tri Thức
Công ty phát hành: PACE
Số trang: 326