Trao đổi với PV Báo SGGP gần đây, ông Lê Hoàng, Giám đốc Công ty Đường sách TPHCM, cho biết: “Nhu cầu mua sách không giảm, nhưng người đến đường sách có thể giảm vì dịch bệnh. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu không nhỏ đó, chúng tôi đã thống nhất với nhau thực hiện một sàn thương mại điện tử riêng, lấy tên là Đường sách TPHCM. Người dân, bạn đọc có nhu cầu mua sách có thể lên sàn đó để đặt sách”. 

Điều này phù hợp với định hướng phát triển của Đường sách TPHCM cũng như tình hình thực tế hiện nay. “Song song với việc vận hành đường sách hoạt động trở lại sau thời gian phải ngưng vì dịch bệnh, chúng tôi cũng đang trong quá trình tìm kiếm đơn vị để triển khai và xây dựng sàn thương mại điện tử. Chúng tôi hy vọng gặp được đơn vị phù hợp để ý tưởng này sớm trở thành hiện thực”, ông Lê Hoàng nói thêm. 

Bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2016, Đường sách TPHCM nhanh chóng trở thành địa điểm văn hóa và tham quan ấn tượng của TPHCM. Khi chưa có dịch Covid-19, hàng tuần, đường sách đón đông đảo người đến tham quan và mua sách, không chỉ người dân TPHCM mà còn bạn đọc đến từ các tỉnh, thành lân cận. Đặc biệt, Đường sách TPHCM đã trở thành hình mẫu tiêu biểu để các tỉnh, thành trên cả nước tham khảo và cho ra đời mô hình đường sách tại một số địa phương. Từ lúc thành lập đến nay, doanh thu của đường sách ổn định qua các năm. Cụ thể, năm 2019 hơn 44 tỷ đồng; năm 2020 là 31,3 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 15 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020.  

Dẫn ra những con số trên để thấy sức hút của Đường sách TPHCM. Trên thực tế, bạn đọc đến với Đường sách TPHCM không đơn thuần chỉ để mua sách mà còn để trải nghiệm một không gian mà không phải địa điểm nào cũng có được. 

Việc Đường sách TPHCM mở ra sàn thương mại điện tử cho riêng mình là một cách nhằm phục vụ tối đa nhu cầu của bạn đọc, cũng như phù hợp với xu hướng chung của người tiêu dùng hiện nay.

QUỲNH YÊN

nguồn: https://www.sggp.org.vn/duong-sach-tphcm-chuan-bi-len-san-771680.html