Nhà văn Đoàn Thạch Biền đã trao tặng tác quyền tất cả tác phẩm của ông cho Công ty cổ phần Văn hóa Huyền Đức vào cuối năm 2019. Thời điểm đó, Huyền Đức đã tái bản Ví dụ ta yêu nhau, là tác phẩm đầu tay của ông in năm 1974 với bút danh Nguyễn Thanh Trịnh.

Bị gián đoạn bởi dịch Covid-19 nên mới đây, Huyền Đức vừa liên kết với NXB Tổng hợp giới thiệu đến độc giả 3 tác phẩm tiếp theo của nhà văn Đoàn Thạch Biền, gồm: Tình nhỏ làm sao quên, Tôi hay mà em đâu có thương và Tôi thương mà em đâu có hay.

Quen thuộc với bạn đọc hàng chục năm nay, nhà văn Đoàn Thạch Biền chính là người khai sinh và làm chủ biên tập san Áo Trắng chuyên về văn chương từ năm 1990. Có lẽ vì vậy mà ông vẫn được độc giả nhiều thế hệ gọi bằng cái tên đầy trìu mến là “ông Biền Áo Trắng”. Ngoài ra, nhà văn Đoàn Thạch Biền còn là tác giả của nhiều đầu sách viết về những rung động đầu đời của lứa tuổi mới lớn, với những trang văn duyên dáng, hóm hỉnh nhưng không kém phần sâu sắc. Ba tác phẩm vừa tái bản mới đây đã minh chứng cho điều này. Đây cũng là 3 tác phẩm viết về mối tình đầu mà khi đã lớn tuổi, cùng với độ lùi của thời gian, vẫn là những tác phẩm khiến nhà văn Đoàn Thạch Biền tâm đắc nhất. 

“Có lẽ suốt đời tôi là người không viết được truyện hay mà chỉ viết được tựa truyện hay”, nhà văn Đoàn Thạch Biền đã chia sẻ một cách đầy khiêm tốn như vậy. Tựa truyện (đúng hơn là nhan đề) hay thì rõ rồi, bởi rất nhiều năm tháng đã trôi qua, nhưng nhắc đến Đoàn Thạch Biền, lập tức độc giả sẽ nhớ về những tác phẩm có cái tên ngồ ngộ, rất đặc trưng “ông Biền Áo Trắng” như Tình nhỏ làm sao quên, Tôi hay mà em đâu có thương, Tôi thương mà em đâu có hay, Tình dỏm làm sao quên, Ví dụ ta yêu nhau… Thế còn “truyện hay”? Thực ra, định nghĩa hay như thế nào tùy thuộc ở mỗi người đọc, tuy nhiên, việc tác phẩm của nhà văn Đoàn Thạch Biền vẫn đều đặn đến với độc giả, dù là những tác phẩm đã ra mắt cách đây nhiều năm, cho thấy sức sống lâu bền của những tác phẩm này. 

Trong số 3 tác phẩm vừa được tái bản, Tôi hay mà em đâu có thương và Tôi thương mà em đâu có hay là 2 tập truyện ngắn, mà đa phần như một cách ghi lại những năm tháng nhà văn Đoàn Thạch Biền hành nghề dạy học. Các truyện ngắn như những lát cắt trong cuộc sống, với nhân vật chủ đạo là những người trẻ, họ có nhiều khao khát, đam mê nhưng cũng lắm vụng dại. Và hẳn nhiên, họ cũng mang trong mình những rung động đầu đời, rất hồn nhiên và trong sáng. Riêng ở tập Tôi hay mà em đâu có thương, trước mỗi truyện ngắn, nhà văn Đoàn Thạch Biền đều có những dòng tâm sự về lý do cũng như nguồn cảm hứng để sáng tạo nên truyện ngắn đó. Dẫu chỉ là “chuyện bên lề”, nhưng đây vẫn là những thông tin thú vị, giúp độc giả có thêm một lối nhỏ để hiểu và cảm với những truyện ngắn này. 

Sẽ là thiếu sót nếu nói đến Đoàn Thạch Biền mà không nói đến tác phẩm Tình nhỏ làm sao quên, từng được NXB Trẻ in lần đầu tiên vào năm 1990. Sau đó 3 năm, chính nhà văn đã chuyển thể tác phẩm này thành kịch bản phim cùng tên, được đạo diễn Lê Hoàng Hoa (đạo diễn của loạt phim Ván bài lật ngửa) dàn dựng với sự tham gia của các ngôi sao khi đó như Lê Cung Bắc, Đơn Dương, Diễm Hương, Hồng Vân… Đặc biệt, phim đã đưa tên tuổi Mỹ Duyên thành ngôi sao màn bạc sau đó. 

Tác phẩm là cuộc gặp gỡ đầy tình cờ và kỳ lạ giữa chàng biên kịch trẻ với cô bé “khùng” tại Đà Lạt. Trong khung cảnh phảng phất sương mù, với những con người và câu chuyện đầy bí ẩn đã kết nối hai người lại với nhau, nhưng đồng thời cũng đẩy họ xa nhau. Không riêng gì Tình nhỏ làm sao quên, tất cả tác phẩm của Đoàn Thạch Biền khiến độc giả phải nhớ mãi bởi cách xưng hô của các nhân vật trong tác phẩm: “ông” và “em”. Vẫn là cách xưng hô ấy, nhưng đọc ở người khác lại thấy có sự gượng gạo, còn của “ông Biền Áo Trắng” lại rất tự nhiên, hóm hỉnh và 
cũng thật dễ thương! 

HỒ SƠN

nguồn: https://www.sggp.org.vn/gap-lai-ong-bien-ao-trang-734919.html