Phong trào lì xì sách đầu năm không chỉ được lan truyền trên mạng xã hội. Thời điểm giáp Tết, nhiều người mua sắm giỏ quà độc và lạ để tặng bạn bè, người thân.

Những ngày cuối năm, độc giả có tài khoản mạng xã hội Binh Karatedo chia sẻ hình ảnh “cây tài lộc” và nhận được sự hưởng ứng từ người yêu sách. Thay bằng phong bao lì xì đỏ, độc giả này đã trang trí chậu cây nhà mình bằng cách treo các cuốn sách yêu thích.

Chia sẻ với Zing, anh cho biết ý tưởng này xuất phát từ mong muốn truyền cảm hứng cho mọi người cùng có thói quen đọc sách.

“Dịp Tết Nguyên đán, nhà nào cũng trang trí cây tài lộc với đủ phong bao lì xì để mọi người đến hái lộc may mắn đầu năm. Còn mình lại có suy nghĩ tài lộc không chỉ nằm ở bao lì xì theo phong tục truyền thống, mà còn nằm ở tri thức”, Binh Karatedo nói.

Xuất thân từ con nhà võ, nhưng năm nào anh cũng tặng học trò và người thân những cuốn sách hay vào dịp Tết. Sau những kỳ thi đấu, phần thưởng của các trò cũng là sách về chủ đề phát triển tư duy, kỹ năng sống, nghệ thuật hoặc lịch sử.

“Cây tài lộc” được trang trí từ sách của độc giả Binh Karatedo. Ảnh: FBNV.

Tặng sách có giá trị lâu dài

Chị Nguyễn Thị Thu Huyền (Thanh Xuân, Hà Nội) luôn trân trọng và biết ơn những bài học, kinh nghiệm tích lũy được từ sách. Dịp Tết này, chị mua những giỏ quà sách để chúc Tết người thân, đồng nghiệp.

“Bằng con đường đọc sách, chúng ta có thể tiếp cận nhiều tri thức mới, thứ mà nếu chỉ học ở trường thôi thì chưa đủ. Đọc sách khiến con người thay đổi cách suy nghĩ, trở nên tốt đẹp hơn”, chị Thu Huyền nêu quan điểm.

Theo chị Huyền, tặng sách tặng cho người thân mang ý nghĩa đề cao giá trị tinh thần và tấm lòng của người tặng thay cho vật chất. Tặng một cuốn sách phù hợp cho đúng người cần sẽ mang lại giá trị dài lâu cho người đó.

Với suy nghĩ này, giỏ quà sách Tết chị Huyền mua mang tên “Như Ý”, được đóng gói bởi các cuốn như Cứ an nhiên rồi sẽ bình yênNgày trôi nhưng không thôi trân trọngYang Shen cùng một số món đồ nhỏ đi kèm.

“Khi thấy trên thị trường có những giỏ quà sách Tết, tôi xúc động lắm. Tôi quyết định mua luôn vì tin rằng món quà của mình sẽ góp phần làm cho cuộc sống của người thân trở nên tốt đẹp hơn”, chị Huyền nói thêm.

Với một người yêu đọc sách như vị độc giả này, giỏ quà sách Tết chính là món ăn tinh thần, giúp người nhận thêm trân trọng cuộc đời, yêu thương nhau, sống cuộc đời bình yên, hạnh phúc.

“Thay vì bia rượu, trà thuốc, tôi tặng sách”

Những ngày giáp Tết, anh Nguyễn Xuân Tuyến (Hải Dương) có mặt tại nhà sách ở Hà Nội. Anh mua những giỏ quà sách để chúc Tết người thân, đối tác.

Trò chuyện với Zing, người đàn ông làm trong lĩnh vực xây dựng này cho biết: “Những năm trước, tôi đi chúc Tết mọi người bằng bia rượu, kẹo bánh, tiền mặt. Năm nay, tôi quyết định chúc Tết bằng sách. Lý do chính là lan tỏa văn hóa đọc đến mọi người. Tôi hướng tới ba đối tượng: Doanh nhân, gia đình và con trẻ”.

Giỏ quà “Tứ thư lãnh đạo” của anh Nguyễn Xuân Tuyến. Ảnh: NVCC.

Theo đó, đối với doanh nhân, anh chọn giỏ quà có tên “Tứ thư lãnh đạo” (gồm những cuốn tập trung vào chủ đề lãnh đạo, kinh doanh). Đối với gia đình, anh chọn giỏ “Muốn an được an” với mong muốn cả gia đình cùng tìm về sự bình an trong cuộc sống sau một năm vất vả.

Còn đối với con trẻ, anh Tuyến ưu tiên những cuốn sách kỹ năng, tìm hiểu thế giới, thiên nhiên, chăm sóc bản thân.

“Tôi đã triển khai tặng giỏ quà sách cho một số mối quan hệ của mình. Mọi người ai cũng thấy ấn tượng vì món quà lạ và ý nghĩa này. Các con tôi cũng rất hồ hởi. Bản thân tôi sinh hoạt trong một câu lạc bộ những người yêu đọc sách nên cũng thường xuyên tặng sách cho mọi người mỗi khi có cơ hội”, anh Tuyến chia sẻ.

Anh Tuyến cho biết thêm anh có kế hoạch phối hợp các nhà hảo tâm để tặng sách cho một trường tiểu học ở vùng quê. Thời gian tới, anh sẽ lì xì sách cho một trại giam ở Cẩm Thủy (Thanh Hóa).

Anh quan niệm rằng các phạm nhân khi đọc sách, sau khi hòa nhập với xã hội, họ sẽ có cái tâm thiện lành, hướng đến điều thiện lương, có cuộc sống tốt đẹp và ý nghĩa hơn.

Chia sẻ về câu chuyện cá nhân, anh Tuyến cho biết những năm trước, anh thường mải mê với cơm áo gạo tiền, sức khỏe vì thế mà suy giảm: “Kiếm được nhiều tiền nhưng tôi không thấy hạnh phúc. Dần dần tôi đọc sách về chủ đề tu tập, an lạc và dành thời gian chăm sóc bản thân. Nhờ thế, tôi thay đổi phong cách sống lẫn thói quen sinh hoạt. Tôi nhận được lợi từ sách và muốn lan tỏa thông điệp đọc sách đến mọi người”.

“Thay vì bia rượu, trà thuốc, tôi tặng sách”, đó là quan điểm của anh Tuyến vào dịp Tết này. Anh cho rằng tặng sách là món quà vừa mang tri thức, vừa mang thông điệp an lành đến cho bạn bè, người thân.

Giỏ quà từ bộ Deluxe Books của chị Trịnh Hoài Thu. Ảnh: NVCC.

Món quà chân, thiện, mỹ

Cũng là người yêu đọc sách, chị Trịnh Hoài Thu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhận thấy những năm gần đây, văn hóa đọc được nhiều người quan tâm hơn.

“Đây là văn hóa đẹp, cần giữ gìn và lan tỏa. Nhiều người đã có thói quen tặng sách cho nhau, nhưng tặng vào dịp Tết thì vẫn chưa phổ biến vì sách bị cạnh tranh bởi nhiều giỏ quà khác trên thị trường (về yếu tố thẩm mỹ, khâu đóng gói, giá trị vật chất…)”, chị Hoài Thu nhận định.

Hiểu được điều đó, Tết năm nay, khi mua những giỏ quà từ sách để đi chúc Tết đối tác và người thân, chị Thu đề ra tiêu chí là giỏ quà đó phải đáp ứng đầy đủ ba yếu tố: Chân, thiện, mỹ.

“Tôi chọn giỏ quà Deluxe Books (bộ sách sang trọng). Bộ sách được đóng gói, in ấn và thiết kế đẹp và có tính thẩm mỹ cao. Nó thể hiện sự chân thành, giá trị của người tặng và cả người nhận. Nhân vật trong sách là những bậc vĩ nhân đã làm nên thành công. Vì thế, giỏ quà này sẽ giống như lời chúc ‘mã đáo thành công’ đến người nhận”, chị Thu nói thêm.

Theo chị Thu, giỏ quà sách mới lạ trên thị trường mang nhiều kiến thức bổ ích, bài học sâu xa sẽ làm nên một món quà đầy ý nghĩa trong dịp Tết.

“Những giỏ quà sách trao tay nhau trong ngày đầu năm mới sẽ là lời chúc tốt đẹp nhất đến mọi người. Đây là xu hướng hay. Tôi mong rằng nó sẽ được nhân rộng ở cộng đồng Việt Nam”, chị Thu bày tỏ.

Nguồn: https://zingnews.vn/gio-qua-sach-thay-loi-chuc-y-nghia-dau-xuan-post1291048.html