“Đội trinh sát và con chó Sara” tái hiện hình ảnh người lính trinh sát và những chiến dịch truy quét căn cứ Khmer Đỏ.

Trung Sỹ được biết đến là tác giả của Hà Nội, mũ rơm và tem phiếuChuyện lính Tây Nam và gần đây nhất là Đội trinh sát và con chó Sara. Ông tên thật là Xuân Tùng, sinh năm 1960 trong gia đình viên chức cũ ở Hà Nội. 18 tuổi, ông nhập ngũ, tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam từ năm 1978 đến 1983.

Khoảng thời gian chiến đấu tại đây đã giúp ông có được những trải nghiệm quý báu. Tác giả đã tái hiện trong Chuyện lính Tây Nam và sau đó là Đội trinh sát và con chó Sara.

Trung Sỹ đã xây dựng chú chó Sara làm nhân vật chính, qua đó lột tả sự khốc liệt của cuộc chiến biên giới chống lại tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ, cũng như tình đồng chí – đồng đội cùng sự hào hoa, gan dạ và trái tim biết thổn thức yêu thương của người lính. Ông chia sẻ thêm với Zing về quá trình viết cuốn sách này.

Cuốn sách Đội trinh sát và con chó Sara của tác giả Trung Sỹ. Ảnh: Việt Linh.

– Sau hai cuốn sách đầu tay, ông quay lại với tiểu thuyết viết trong thời kỳ chiến tranh nữa. Ý tưởng viết “Đội trinh sát và con chó Sara” được hình thành từ khi nào và ông đã hoàn thành cuốn sách ra sao?

– Thực ra Chuyện lính Tây Nam và Đội trinh sát và con chó Sara được viết cùng lúc. Đầu tiên, tôi định viết ngắn, khoảng trăm trang, cho thiếu nhi về câu chuyện những chú chó mà chúng tôi nuôi. Nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt đã đề nghị tôi in ở Nhà xuất bản Kim Đồng.

Nhưng càng viết, tôi càng thấy nó liên quan những sự kiện, diễn biến trong cuộc chiến. Sau hai cuốn sách in trước, tôi đã viết tiếp Đội trinh sát và con chó Sara trên nền câu chuyện thiếu nhi cũ.

Bất kỳ sự sáng tác hư cấu nào, do một tác giả giàu trí tưởng tượng đến đâu cũng phải bắt nguồn từ thực tại sinh động cuộc đời. Chú chó Sara mang trong mình số phận của rất nhiều con chó khác.

Cũng như Phong, Đức, Sên, những người lính trinh sát quả cảm trên chiến trường, ngoài tiểu sử, tính cách cá nhân, đều mang hộ một câu chuyện, một tình yêu, một miền nhớ cho những người lính khác đang chiến đấu xa Tổ quốc.

Có thể nói đây là những câu chuyện thật của nhiều người lính, đã xảy ra trên chiến trường mà Phong, Sên hay Đức đã đứng ra gom lại làm các nhân vật đại diện.

Bạn hẳn nghĩ tôi là Phong, anh lính Hà Nội chăng? Vâng, có thể tôi có một phần ở trong Phong.

– Chú chó Sara là thành viên rất quan trọng trong đội trinh sát. Trong truyện, nó được nhân cách hóa, có hành động giống con người. Tại sao ông chọn hình tượng một chú chó để làm nhân vật trung tâm trong sách?

– Trong các tiểu thuyết chiến tranh truyền thống, ta thường thấy các nhân vật là người lính. Họ có thể là sĩ quan, chiến sĩ… cùng các diễn biến câu chuyện liên quan với nhau.

Trên chiến trường nước bạn, chúng tôi nuôi rất nhiều chó, có những con đã cứu chúng tôi thoát khỏi tình thế hiểm nghèo. Tại sao không thể coi chúng như một “anh bạn bốn chân”, một nhân vật sinh động?

Hơn nữa, như thế sẽ có một góc nhìn khác khách quan, vô tư, sinh động hơn để mô tả thú vị về con người, ở đây là các anh lính tình nguyện. Biết đâu sau này, tôi có thể kể một câu chuyện về những con sáo nữa.

Tác giả Trung Sỹ. Ảnh: FBNV.

– Thông qua cuốn tiểu thuyết chiến tranh này, ông muốn gửi gắm thông điệp gì tới thế hệ được sống trong hòa bình?

– Trong cuốn sách đã đọc, bạn hẳn thấy không chỉ các anh lính tình nguyện, mà còn cả người dân Khmer hiền lành, hồn hậu.

Chẳng ai muốn chiến tranh, chẳng ai muốn xa quê hương xứ sở, chẳng một ai muốn đời riêng bị gom lại nhào nặn trong một xã hội phá vỡ văn hóa truyền thống, thực thi chính sách diệt chủng.

Chỉ có tình yêu, tình yêu không biên giới luôn đồng hành và an ủi con người trong cuộc chiến đầy máu và nước mắt, trên con đường tìm kiếm hòa bình.

– Sau cuốn sách này, ông có dự định nào cho tác phẩm mới? Đó tiếp tục là đề tài chiến tranh hay một chủ đề khác?

– Tôi vẫn viết, chủ yếu là truyện ngắn về đề tài hậu chiến. Cũng là một cách tổng hợp và rèn giũa để có thể viết một cuốn sách dài hơi hơn về đề tài này.

nguồn: https://zingnews.vn/goc-nhin-ve-nguoi-linh-qua-doi-trinh-sat-va-con-cho-sara-post1274982.html