Với bút lực dồi dào, Hà Hương Sơn là tác giả trẻ quen thuộc của nhiều tờ báo và tạp chí. Mới đây, 2 tập sách “15 năm” và “Cuộc hành hương của giấc mơ” của anh đã ra mắt bạn đọc.

Giữa hai tác phẩm của Hà Hương Sơn có điểm giao nhau là cùng mang khát vọng tìm kiếm chính mình, khát vọng tìm về bản ngã của một con người cụ thể. Chỉ khác ở điểm, văn xuôi có cốt truyện, tình huống, nhân vật, còn thơ là những lời tự tình của chủ thể.

Tiểu thuyết “15 năm” là câu chuyện về hành trình dài dằng dặc của một chàng trai trẻ tên là Tỉnh, một người mang trong mình niềm đam mê văn chương cháy bỏng. Khoảng thời gian 15 năm là một cuốn phim ghi lại hành trình đầy thử thách đối với anh.

Câu chuyện “15 năm” nửa thực nửa hư mang lại nhiều suy ngẫm cho độc giả, như tác giả chia sẻ: “Câu chuyện có thực hay không, phải do người đọc quyết định. Người đọc tin, thì là thật, còn ngược lại thì sẽ là một tác phẩm hư cấu hoàn toàn. Bởi vì, tôi để thời gian tồn tại của nhân vật là năm 2027, hồi tưởng lại quá khứ ở năm 2022, điều đó chưa từng xảy ra. Hiện tại, chúng ta vẫn đang ở năm 2021”.

Tập thơ “Cuộc hành hương của giấc mơ” tuy cũng là hành trình đi tìm kiếm chính mình nhưng đây là hành trình không có không gian, giới tuyến, mà giới hạn bằng… giấc mơ. “Cuộc hành hương của giấc mơ” hay là cuộc hành hương riêng về “đất thánh” của mình? Đó là hành trình của khát vọng, của đam mê, của niềm tin.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nhận xét: “Hà Hương Sơn mang một giấc mơ thật đẹp. Anh muốn viết những cuốn sách và đi lang thang mọi nơi nói về thế giới của anh… Tôi đọc thơ của Hà Hương Sơn và nhận ra một giọng nói. Thật không dễ dàng tìm được một giọng nói giữa vô vàn các bài thơ tôi đọc. Bởi tôi thấy anh đang đi trong một thế giới đầy hỗn loạn để tìm ra con đường của mình”.

Ban đầu Hà Hương Sơn chỉ định ra mắt tiểu thuyết, nhưng khéo làm sao bản thảo tập thơ cũng hoàn thành nên anh “buộc lòng” in cùng một lượt. Bộ đôi tác phẩm cùng ra đời lại tạo nên sự chú ý của bạn văn và độc giả đối với Hà Hương Sơn. Hành trình tìm kiếm chính mình trong 2 cuốn sách phải chăng cũng phần nào đến từ hành trình mà tác giả Hà Hương Sơn đã trải qua trong đời thực?

Con đường đến với văn chương của Hà Hương Sơn nhiều chông gai. Sinh ra và lớn lên ở vùng ven biển huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), gia cảnh chẳng mấy khá, cuộc sống áo cơm quay quắt từng ngày. Nhưng niềm đam mê văn chương đã bén từ những ngày còn cắp sách đến trường, Hà Hương Sơn đem tất cả ưu tư, muộn phiền nhờ thơ giữ giúp. Sau hai năm học Đại học Bách khoa, Hà Hương Sơn cảm thấy mình không phù hợp với ngành nghề kỹ thuật này. Đam mê dẫn anh đến quyết định nghỉ học để theo con đường làm thơ, viết văn, sáng tác ca khúc…

Tưởng đến đây, Hà Hương Sơn có thể bước đi một cách êm đềm. Nhưng năm 2011, ba anh mắc bạo bệnh rồi về cõi vĩnh hằng. Nỗi lo cơm áo và sự đau buồn của người mẹ càng thôi thúc anh phải chạm đến thành công. Trước đợt bão lớn trong đời, tác giả “Sau cơn mưa” đành gạt đam mê sáng tác để chạy đua cùng gánh nặng mưu sinh. Từ một cậu sinh viên, anh trở thành công nhân, rồi mở tiệm bán gas… Khi cuộc sống đã ổn định, Hà Hương Sơn tiếp tục “đánh bạc với đời” bằng cách ra Hà Nội ôn thi đại học ở tuổi ngoài 30. Trời không phụ người có lòng, anh đỗ chuyên ngành Sáng tác văn học của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Hà Hương Sơn như cây xương rồng nở hoa rực rỡ giữa sa mạc hoang sơ, khô nóng. Ở tuổi 35, anh tiếp tục sống hết mình với văn chương. Vừa qua, anh nhận giải Khuyến khích cuộc thi thơ năm 2019 – 2020 trên Báo Văn nghệ. Hà Hương Sơn từng viết trong cuốn tiểu thuyết: “Sự hy vọng sẽ mang lại niềm tin yêu cuộc sống, còn cơn tuyệt vọng, giống như liều thuốc độc, làm mục nát bao nhiêu chồi non đang hé. Cố gắng, dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, hãy biết tin và biết yêu. Giống như cây phi lao vươn mình lên, cố tự tạo nên những dòng dinh dưỡng cho mình, để sống, để hiến dâng cho đời cả thân cây, cả bóng mát…”.

nguồn: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/1008014/ha-huong-son—cay-xuong-rong-no-hoa