“Suy bụng ta ra bụng người” hay dùng từ phù hợp với xu thế hơn là “phán xét”. “Phán xét” dù đúng đắn đến đâu thì nó cũng là lưỡi gươm sòng phẳng cắt đi chữ “tình” trong một mối quan hệ.

“Con quạ tha được xác một con chuột thối về ngồi trên cây rỉa mồi. Diều từ trên cao ngó thấy liền hạ cánh xuống bảo: 

– Này anh Quạ ơi, xác con chuột bị ngấm thuốc độc, đừng ăn mà chết đấy anh ạ! 

Quạ chẳng nghe mà lại còn la mắng:  

– Anh muốn chia phần miếng mồi ngon của tôi đấy hử, chẳng đời nào! 

Nói rồi Quạ bấu lấy con mồi, quay lưng lại ăn tiếp. Diều thấy ý tốt của mình bị nghi oan liền bỏ đi không thèm nói nữa. Quạ ăn hết miếng mồi, liền bị đứt ruột chết ngay.”

Câu chuyện ngụ ngôn trên có tên là “Suy bụng ta ra bụng người” rất hợp với xã hội hiện nay. Chúng ta gặp vấn đề này hàng ngày, trong mọi ngóc ngách của cuộc sống. Ai cũng biết rằng đó là một hành động chẳng mấy tốt đẹp, để lại hậu quả cho bản thân mình và cho những người xung quanh. Tuy nhiên, chúng ta vẫn lặp đi lặp lại điều đó hàng ngày, dẫn đến những đau khổ gây cho bản thân và cho những người xung quanh. 

Phán xét - Hà Minh Trang

“Suy bụng ta ra bụng người” hay dùng từ phù hợp với xu thế hơn là “phán xét”. “Phán xét” dù đúng đắn đến đâu thì nó cũng là lưỡi gươm sòng phẳng cắt đi chữ “tình” trong một mối quan hệ. 

Chắc hẳn chúng ta đều nhớ câu chuyện “Thầy bói xem voi”, khi năm ông thầy bói mù đến xem sờ vào con voi. Mỗi ông đưa ra một nhận định về con voi. Ông sờ vào vòi thì phán tưởng con voi thế nào, hóa ra nó cũng sun sun như con đỉa thôi. Ông sờ vào ngà thì lại phán nó dài dài cứng cứng như cái đòn càn. Ông sờ tai phủ nhận ngay lập tức vì nói rằng nó bè bè như cái quạt thóc. Ông sờ chân phản ứng ngay rằng các ông kia đều sai hết, con voi nó sừng sững như cái cột đình. Đến ông cuối cùng sờ đuôi thì khẳng định chắc nịch, bốn ông chả ai nói đúng cả, tôi thấy nó tua tủa như cái chổi xể cùn. 

Câu chuyện thiếu phụ Nam Xương là một bài học rất lớn. Khi chàng Trương lên đường chinh chiến, nàng Thiết ở nhà chăm sóc đứa con thơ dại. Đêm đêm nàng dỗ con bằng cách chỉ bóng mình trên vách nhà phản chiếu từ ngọn đèn dầu mà bảo rằng: “Bố con đó!”. Hơn một năm sau, từ chiến trận trở về, chàng Trương vô cùng đau khổ vì đứa bé không chịu nhận mình là bố. Nó nói: “Bố tối mới đến. Hễ mẹ ngồi bố cũng ngồi, mẹ đi bố cũng đi theo sau”. Chàng Trương vốn tính đa nghi, nay nghe con trẻ nói như thế liền vội tin ngay. Dù chòm xóm hết mực khuyên lơn, nhưng chàng Trương vẫn không nghe, khăng khăng phán quyết vợ mình đã phản bội. Nàng Thiết uất ức không biết giãi bày cũng ai nên đành nhảy xuống sông tự tử. Đêm về, chàng Trương lại dỗ con bên ngọn đèn dầu hiu hắt, đứa bé nhìn lên vách nhà và reo lên: “Bố đến kìa!”. Chàng chợt bàng hoàng tỉnh ngộ. 

Thế nên, những lời phán xét đều xuất phát từ sự cố chấp bảo vệ quan điểm cá nhân của mình và cho rằng mình đúng, hoặc chính chúng ta làm mất đi những giá trị tốt đẹp của bản thân mình bởi ý những ý nghĩ tiêu cực. 

Sống trên đời, sự chỉ trích, phán xét thật ra rất dễ dàng bởi lúc ấy, con người ta quên mất mình là ai, chỉ còn lại “cái tôi” to đùng chiếm hết trong tâm trí. Sống trên đời, biết nhìn ra sự tốt đẹp của người khác thật khó, khó lắm bởi lúc ấy, con người ta kiêu ngạo với “cái tôi” và cho rằng mình hoàn hảo nhất. 

Không có cách nào để chúng ta không dính phải những lời phán xét dù bạn có đẹp hay hoàn mỹ như thế nào. Tôi nghĩ phán xét là một quá trình tư duy sinh lý, có thể với rất nhiều người, hay thậm chí cả với bản thân tôi, sẽ không thể hiện sự phán xét ra bên ngoài nhưng không đồng nghĩa với việc ngừng thực hiện điều đó trong nội tâm. Cho nên thay vì quan tâm người khác phán xét chúng ta như thế nào, bạn chỉ cần lý giải được cảm xúc của mình, để những người được chúng ta sẻ chia có thể cảm thông và thấu hiểu. 

Sự đồng cảm sâu sắc sẽ là khắc tinh của lời phán xét bởi khi chúng ta đã đồng cảm với nhau, người khác có thể tưởng tượng ra chính mình cũng sẽ có cảm giác tương tự khi bị nghe phán xét thì những lời đó sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa.

Trích trong tập tản văn “Người trên mây” của nhà văn Hà Minh Trang, NXB Hội Nhà Văn năm 2020. Bản đăng được sự đồng ý của tác giả.