Trong khi Sài Gòn đã bắt đầu có đài truyền hình từ 1966 thì vào thời bao cấp ở Hà Nội, kinh tế thật khó khăn, kỹ thuật chưa phát triển, nhà nào có được cái vô tuyến đen trắng là ghê lắm, trẻ con chúng tôi toàn phải đi xem nhờ, có hôm đông quá phải đứng ngoài cửa để chõ mắt vào xem và dỏng tai lên mà nghe thuyết minh.

Nhiều hôm muỗi đốt sưng cả chân mà vẫn dán mắt vào cái vô tuyến nghĩ đến bây giờ thật là khốn khổ. Đã thế thi thoảng nó lại nhập nhằng vì sóng bắt bị mất, chỉnh mãi Ăng-ten không được mà cái vô tuyến to như cái hòm lạc rang nó lại cứ dở chứng mới chết. Thật đúng là “chó cắn áo rách”.

Vô Tuyến đen trắng xưa

Những lần như thế bác chủ nhà lại đứng bên cạnh cả buổi để chỉnh với vặn, mãi không được tức quá bác ấy vỗ đánh bộp một cái vào cái vỏ và tự nhiên nó lại được, lúc đó bọn trẻ con chúng tôi đứng ở ngoài lại “ồ” lên một tiếng vì sung sướng.

Bực nhất là những hôm đang xem phim hay như “Trên từng cây số” hay “Hồ sơ thần chết” mà lại mất điện, thật không có cái nỗi buồn nào hơn với lũ trẻ con chúng tôi. Có hôm ngồi đợi mãi chẳng có điện để xem tiếp đành tiu nghỉu về nhà… đi ngủ.

Mà cũng lạ, cái thời đó cuộc sống khốn khổ là như thế nhưng con người ta sống với nhau thật thấm đẫm tình làng nghĩa xóm và thương yêu nhau. Cái nhà bác hàng xóm cho xem vô tuyến nhờ ấy chưa bao giờ thấy kêu ca hay phàn nàn và cảm thấy phiền hà gì khi mà trong nhà mình tối nào cũng chật ních từ người lớn, trẻ con đến ông già bà cả để xem vô tuyến nhờ như vậy. Cái tình người với nhau thời đó thật đúng là đáng kính trọng và ngưỡng mộ.

Vô Tuyến đen trắng xưa

Ngày đó tôi còn nhớ trẻ con chơi với nhau toàn con cán bộ công nhân viên nhà nghèo. Cả ngõ chỉ được một hai nhà là có vô tuyến, cho nên nhà đứa nào có vô tuyến là vênh lắm, đứa nào cũng nịnh nó ra mặt để tối đến… được xem vô tuyến nhờ. Nhiều hôm cãi nhau với nó cả ngày nhưng đến gần tối là lại giả vờ làm lành vì “nhà nó có vô tuyến”, nếu không nó không cho xem nhờ thì khốn.

Mãi về sau này “tiểu khu” mà bây giờ gọi là phường mới tổ chức xem vô tuyến công cộng một tuần hai buổi vào thứ tư và chủ nhật, với một cái vô tuyến đen trắng tương đối to được đặt trên một cái bàn cao ở một bãi trống trong ngõ cho trẻ con và người dân ngồi xem. Những hôm đó với lũ trẻ chúng tôi thật đúng như ngày hội, đứa nào đứa nấy không ai bảo ăn cơm cho thật nhanh rồi rủ nhau ra đầu ngõ nơi đặt cái vô tuyến thật rõ sớm để xí chỗ còn ngồi xem.

Ngẫm đến bây giờ, cuộc sống đã thay đổi và khá hơn trước rất nhiều, nếu không muốn nói là quá đầy đủ và sung sướng, tôi lại thấy sao lúc đó con người ta lại khổ cực đến như vậy.

Vô Tuyến đen trắng xưa

Các bạn ạ, đã có một thời người Hà Nội sống như thế đấy và để đến bây giờ khi trên đầu tóc đã “muối nhiều hơn tiêu”, có lúc tôi nghĩ lại những ngày tháng đói khổ đó, khi mà cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc mà lại muốn rơi nước mắt.

Nhưng rồi tôi lại mỉm cười, thầm nghĩ và nuối tiếc cho sự chân thành đó, tình thương cũng như sự tử tế giữa con người với con người lúc ấy sao nó quý hóa thế mà bây giờ nhiều khi đã mất đi và không bao giờ còn có được như trước nữa.

Chỉnh sửa từ bài viết của Tuệ Phong/HÀ NỘI TRONG TIM

Nguồn: trithucvn