Sau 3 năm thành lập, dự án cộng đồng Tản mạn kiến trúc được những bạn trẻ gen Z nỗ lực giữ gìn và kể chuyện văn hóa Nam bộ qua việc tổng hợp dữ liệu về các công trình kiến trúc dân dụng. 

Dự kiến của bìa sách Tản mạn Kiến trúc Nam bộ – Một biên khảo về kiến trúc dân dụng miền Nam

Hàng trăm bài viết, hình ảnh được đăng tải liên tục trên fanpage dự án, được đơn vị phát hành sách Nhã Nam tổng hợp và xuất bản quyển sách Tản mạn kiến trúc Nam bộ – Một biên khảo về kiến trúc dân dụng miền Nam, dự kiến ra mắt vào quý 4-2022.

Quyển sách là những biên khảo về không gian nhà ở của người dân Nam bộ từ cuối thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20. Dựa trên khối dữ liệu được các bạn trẻ nghiên cứu thực địa qua hàng trăm ngôi nhà cổ thuộc khu vực Nam bộ, cũng như thông tin thu thập được trong quá trình phỏng vấn nhân vật và phân tích tài liệu lưu trữ ở nhiều tỉnh thành.

Trương Trần Trung Hiếu (thành viên sáng lập dự án) chia sẻ: “Mỗi bài viết được đăng lên fanpage của dự án đều là một thảo luận và đóng góp của các thành viên trong nhóm với các góc nhìn từ rất nhiều chuyên ngành khác nhau, với những phần việc như: tra cứu tư liệu, đi thực địa, vẽ minh họa và viết nội dung… Ngoài ra, phải đến tận nơi mới hiểu được cách người dân sinh sống và tương tác với các công trình ấy. Điều đó có ý nghĩa rất quan trọng vì phải thực sự đi đến tận nơi và cảm nhận vẻ đẹp của chúng rồi thì mình mới có thể viết và truyền đạt đến những người chưa có cơ hội đến tận nơi”.

Tản mạn kiến trúc Nam bộ – Một biên khảo về kiến trúc dân dụng miền Nam nỗ lực phác thảo nên một dẫn nhập có tính hệ thống về lịch sử kiến trúc dân dụng ở miền Nam. Biên khảo kết hợp dữ liệu với cách dẫn dắt giàu tính kể chuyện, với sự phong phú về tư liệu hình ảnh, đặc biệt là ảnh chụp những công trình đặc sắc ít được biết đến và lần đầu tiên xuất hiện trong một ấn phẩm chính thức, được minh họa bằng các bản vẽ, sơ đồ và bản đồ chi tiết. 

Và khác với sự hoài niệm, hay nhuốm màu thời gian khi nhắc về những công trình trăm tuổi, nhóm bạn trẻ thực hiện dự án với mục tiêu kết nối lại các giá trị truyền thống và di sản kiến trúc còn hiện hữu, gắn kết kiến thức hàn lâm với mối quan tâm thảo luận từ cộng đồng đương đại. 

“Dự án Tản mạn kiến trúc mong muốn mở rộng nghiên cứu về di sản kiến trúc và văn hóa của đất nước, đóng vai trò như một gạch nối giữa nghiên cứu và cộng đồng, làm cho di sản trở nên dễ tiếp cận với những người yêu mến di sản và truyền cảm hứng cho những dự án mới trong tương lai. Tản mạn kiến trúc không hướng tới sự hoài nhớ mà là tiếng nói phản hồi của người trẻ khi đối diện với quá trình đô thị hóa và sự biến mất của di sản trong việc chung tay kiến tạo ý nghĩa cho di sản trong đời sống Việt Nam đương đại”, Trương Trần Trung Hiếu bày tỏ.

Thiên Thanh

nguồn: https://www.sggp.org.vn/hanh-trinh-di-san-phuong-nam-842280.html