Chống lại, hay cắt giảm thời gian sử dụng các thiết bị điện tử nghe nhìn để hướng giới trẻ đến với việc đọc sách là một trong những mong muốn lớn của nhiều bậc cha mẹ. Tuy nhiên, nên đọc sách cho con từ độ tuổi nào, và làm sao để trẻ thích thú với việc đọc sách là băn khoăn của không ít phụ huynh.Nên đọc sách cho con từ tuổi nào?

Thế giới sách hiện nay rất phong phú và đa dạng. Không còn đóng khuôn trong những bộ sách cổ tích hay thần thoại, giờ đây, dòng sách cho trẻ em đã thật sự phong phú, hướng đến từng độ tuổi nhất định. Đó là chưa kể, các đơn vị xuất bản đã cho ra đời những bộ sách nhằm trang bị những kỹ năng sống, hoặc biên soạn theo những phương pháp giáo dục tiên tiến, đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Trả lời câu hỏi, nên đọc sách cho con từ tuổi nào, chuyên gia Ko Shichida – CEO Viện Giáo dục Shichida Nhật Bản, tác giả cuốn sách “33 bài thực hành theo phương pháp Shichida” và bộ sách tranh “Nuôi dưỡng tâm hồn” (NXB Kim Đồng phát hành) cho rằng, càng đọc sách sớm cho con trẻ càng tốt. “Hãy đọc sách cho con ngay từ khi con còn đang nằm trong bụng”, ông Ko Shichida nói, và nhấn mạnh: “Đọc cho trẻ lúc này có thể củng cố tốt việc giao tiếp giữa mẹ với bé”. Đồng thời, không nên quá tập trung giáo dục kỹ năng mà xem nhẹ đạo đức. Việc tạo lập thói quen đọc sách mỗi ngày, chọn những cuốn sách về tình yêu là vô cùng quan trọng. Tuy vậy, theo ông Ko Shichida, việc đọc sách không có lúc nào là muộn cả. Nếu chưa đọc sách cho con từ lúc còn trong bụng mẹ, thì cha mẹ cũng có thể đọc cho con từ lúc 1, 2 tuổi. Nên dành từ 20 đến 30 phút mỗi ngày để đọc sách cho con, và tốt nhất nên đọc cho con vào trước lúc đi ngủ thay vì để con tự đọc. Đây là thời gian để cha mẹ gần gũi và chia sẻ cùng con, đồng thời, con cũng thấy được việc quan tâm và tình yêu thương của cha mẹ. Nếu gia đình có hai, ba con, cha mẹ nên đọc sách cho con theo thứ tự ưu tiên. Việc đọc sách sớm giúp trẻ phát triển khả năng tưởng tượng và tăng vốn từ vựng, giúp tăng khả năng diễn đạt cho trẻ…

Đừng quên tạo hứng thú cho trẻ GS Makoto Sichida – cha đẻ của dòng sách “Nuôi dưỡng tâm hồn” của Nhật Bản đã và đang được dịch ở nhiều nước trên thế giới, sinh thời từng đánh giá, vai trò quan trong bậc nhất của cha mẹ là giúp con yêu thích việc đọc sách. Khoa học đã chứng minh rằng, não người phát triển với tốc độ cao nhất là trong giai đoạn sơ sinh, và quá trình phát triển gần như được hoàn thành khi ta 12 tuổi. Giai đoạn từ 0 cho đến 3 tuổi được gọi là giai đoạn vàng để phát triển tối đa tiềm năng của não bộ, đặc biệt não phải. Tuy vậy, thực tế hiện nay, đây là công việc nhiều người cảm thấy nản, bởi các thiết bị nghe nhìn đã “choán” đi nhiều tâm trí của trẻ ngay khi ở “giai đoạn vàng”. Bên cạnh đó, thời gian cha mẹ dành cho con cái cũng ngày một ít đi, vì nhiều lý do. Trước băn khoăn của phụ huynh về việc nhiều trẻ không thích cuốn sách do bố mẹ đã chuẩn bị, bà Jeannie Ho-Chan – Viện trưởng giáo dục Shichida Việt Nam cho rằng, điều này có thể khắc phục bằng cách cha mẹ nên tìm hiểu sở thích của con trước khi đọc. Khi đọc sách cho con, cha mẹ nên tạm tắt tất cả các thiết bị nghe nhìn quanh mình. “Đứa trẻ sẽ không thể tập trung nếu cha mẹ vẫn còn cầm theo điện thoại bên cạnh. Có những việc làm tuy nhỏ nhưng sẽ làm giảm, thậm chí mất dần hứng thú muốn nghe/đọc sách của con”, bà Jeannie Ho-Chan nhấn mạnh. Các chuyên gia cũng đưa ra phân tích, khả năng đọc và hiểu của trẻ hoàn toàn khác nhau. Do đó, cha mẹ không chỉ thuần túy đọc cho con, mà còn phải kiểm tra khả năng hiểu của trẻ. Phương pháp Shichida dựa trên 50 năm nghiên cứu của GS Makoto Shichida – nhân vật tiên phong trong giáo dục sớm và giáo dục não phải tại Nhật Bản. Hiện, phương pháp Shichida đã lan rộng sang 15 quốc gia và 509 viện nghiên cứu trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Nguồn: Báo Thời Nay