Hồi Ký Của Một Ông Già Việt Học
Đề cập đến văn hóa gia đình Việt Nam, tìm lại những truyền thống tích cực của tổ tiên trong bước chuyển mình kinh tế hiện tại quả thật không những không phải là chuyện vô ích, mà còn là nền tảng cần thiết cho mọi tiến trình xây dựng và dự phóng tương lai… Những thể hiện văn hóa, tín ngưỡng chung nhất dường như ẩn hiện nơi nơi. Linh mục Léopold Cadière đã dày công nghiên cứu từ những chứng liệu mắt thấy tai nghe (de visu), được kiểm chứng qua thực tế cuộc sống (sur du vivant).

Tác giả: Leopold Cadiere
Dịch giả: Đỗ Trinh Huệ
Nhà xuất bản: NXB Thế giới
Công ty phát hành: Mai Ha Books

Qua các công trình mà dịch giả Đỗ Trinh Huệ đã biên dịch gần như trọn vẹn, ta sẽ thấy toàn cảnh xã hội vào một giai đoạn khá dài tạo thành một mảng trầm tích quá khứ, vô hình tiếp nối qua các thế hệ dưới nhiều dạng thức biến đổi khác nhau, tùy vùng, tùy miền, tùy nguồn giáo dục ấp ủ tạo thành, hoặc môi trường sống từng nơi mà không ngừng biến thái nhưng vẫn chịu ảnh hưởng của lớp trầm tích nuôi dưỡng; từ cấu trúc xây dựng cho thế giới người sống, cho đến nơi an nghỉ của người quá cố, đều có một nét hài hòa không phân biệt âm dương mặc dầu sống chết là hai thực tại khác biệt, quả như có người nước ngoài đã ghi nhận khi thăm lăng tẩm ở Huế “nơi đây cái chết mỉm cười”… một nơi để “trở về”, tự tại, chứ không phải đất khách.

Cuối đời, sau hơn 50 năm tận tụy sống và cống hiến, theo yêu cầu của nhiều người, Cadière đã viết Hồi ký, không phải để lưu lại đời mình mà ghi lại những năm tháng miệt mài ở Việt Nam, thương yêu, nghiên cứu con người và đất nước này, với tư cách là một ông già Việt học. Để các thế hệ sau có thể thấy rằng: Người Pháp đến Việt Nam, những giá trị văn hóa và nền giáo dục khai phóng của họ đã được người Việt đón nhận, hội lưu thành quả và tác sinh nhiều yêu tố tích cực. Nhưng đồng thời, con người và đất nước Việt Nam cùng những giá trị rất riêng, rất độc đáo và đầy nhân văn cũng đã cảm hóa lại họ, những con người truyền bá văn minh ấy.