Karel Capek dấn thân tới mức cực đoan với thứ văn chương không khoan nhượng, không dễ dãi mà phải đặt ra những vấn đề thực sự với loài người.
Karel Capek (9/1/1890 – 25/12/1938) là nhà viết kịch, nhà viết tiểu luận, nhà xuất bản, nhà phê bình văn học, nhiếp ảnh gia, nhà phê bình nghệ thuật. Tuy nhiên, ông nổi tiếng nhất với vai trò là một nhà văn, với nhiều tác phẩm chính trị có trách nhiệm giải quyết các bất ổn xã hội thời đại mình.
Tác phẩm của ông đụng chạm đến những vấn đề xã hội và triết học nóng bỏng nhất của thời đại. Giữa những người bạn cầm bút nổi tiếng lúc đó như Thomas Mann, Hebert Wells, Romain Rolland…  ông là người ít tuổi hơn cả.
Capek là người đặc biệt say mê nghệ thuật thị giác, đặc biệt là Cubism – Nghệ thuật lập thể, có ảnh hưởng trực tiếp đến sáng tác sau này của ông. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông theo học triết học và mỹ học tại Đại học Charles, nhưng Capek cũng dành thời gian ở Đại học Driedrich Wilhelm tại Berlin và Sorbonne tại Paris. Trong khi vẫn là sinh viên, ông đã viết một số tác phẩm về nghệ thuật đương đại và văn học.
Karel Kapek tốt nghiệp với tư cách là một tiến sĩ triết học năm 1915.
Nhà văn Karel Capek (1890-1938).
Kịch “R.U.R” và lần đầu tiên sáng tạo ra Robot
Sự nghiệp viết văn của Capek bắt đầu từ truyện ngắn và kịch. Thành công quốc tế đầu tiên của Capek là vở kịch R.U.R.
Vở kịch được dịch sang tiếng Anh vào năm 1922, và đã được trình diễn ở Anh và Mỹ vào năm 1923.
R.U.R là viết tắt của cụm từ Rossum’s Universal Robots (Những người làm khoán toàn tài của ngài Rossum).
Chủ xưởng Rossum sau nhiều năm nghiên cứu đã chế tạo được rất nhiều robot toàn năng. Đám robot – người máy này hoàn hảo cả về trí tuệ lẫn hình thức, tới mức hằng ngày tiếp xúc, không thể phân biệt được chúng với con người. Dần dần, robot đảm nhiệm gần hết mọi công việc, khiến cho con người mỗi ngày một trở nên lười nhác, tha hóa đi.
Đến một ngày, robot vùng lên khởi nghĩa, giết người. Chúng giết gần hết, cho tới ông già Alquist thì dừng tay. Chúng muốn ông phải tìm ra bí mật của phát minh robot. Alquist cố gắng hết mình để tìm kiếm thông tin về cấu trúc cơ thể chúng, kể cả biện pháp gây mê. Và tình cờ ông phát phát hiện ra có hai robot biết yêu nhau.
Trong ông hé sáng niềm hy vọng: một chủng loại robot mới sẽ ra đời và duy nhất chỉ tình yêu mới cứu được nhân loại…
Trong những bài viết trên tạp chí Sec Lidové noviny năm 1933, tác giả đã giải thích rằng,  ban đầu ông muốn gọi loài vật labori (trong tiếng Latin, nghĩa là lao động), Tuy nhiên, ông không hẳn thích từ đó, và đã tìm kiếm lời khuyên của người anh trai, Josef, người đã đề xuất roboti (tiếng Anh là “robot”).
Từ robot đến từ từ robota. Từ robota nghĩa đen là “corvée”, “lao động khổ sai”, và “bóng ma” hay “chăm chỉ” bằng tiếng Séc.
Cuộc chiến sa giông, và nỗi hối tiếc cho loài người
Khi loài vật lên ngôi là câu chuyện về tay thuyền trưởng J. van Toch phát hiện ra một giống sa giông sinh sống dưới nước có khả năng đứng bằng chi sau, chi trước bước cầm nắm, có trí khôn và có khả năng bắt chước và huấn luyện để làm theo các hoạt động của giống người, được ông đào tạo trở thành nô lệ săn ngọc trai. Sau đó từng bước, sự mô phỏng tăng tốc, theo tốc độ phát triển và lan tỏa của loài sa giông.
Và đã đến lúc loài sa giông tiến xa hơn nữa lên bậc thang của nền văn minh, chính phức bắn phát súng khiêu khích, đe dọa loài người.
Khi loài vật lên ngôi được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Capek, nơi tài năng và ý thức văn chương của người cầm bút được ông thể hiện một cách rõ ràng, mạnh mẽ.
Tác phẩm Khi loài vật lên ngôi của Karel Capek.
Đây là một cuốn sách hài hước đến độ khiến độc giả bật cười sung sướng, và nó cũng chính là một cuốn sách khiến con người sợ hãi tột cùng, bởi những cảm giác sâu sắc mà nó đem lại. Như chính Čapek khẳng định trong lời mở đầu, những gì ông đề cập không phải là một tương lai xa xôi mà chính là hiện thực: “Văn chương mà không quan tâm tới hiện thực và với những gì đang diễn ra trên thể giới, không thể phản ứng được mạnh mẽ hết khả năng của ngôn từ và lý tưởng – thứ văn chương như vậy không phải là thứ tôi quan tâm.”
Capek đặt nhiều tâm huyết cho văn chương, ông không ngần ngại dấn thân, và tìm kiếm bản chất của con người. Ông khước từ viết thể loại văn chương vừa mắt, dễ tiếp cận, để có thể nhận được sự lưu ý của những thành viên trao giải Nobel.
Chính vì sự “ngỗ ngược” của mình, ông là một nhà văn có cá tính đặc biệt, và dù được đề cử giải Nobel đến 7 lần, ông vẫn trượt. Nhưng cả đời Capek, giải thưởng không phải là thứ ông quan tâm, và cũng không vì nó ông thay đổi quan niệm của mình về văn chương. Ông vẫn luôn sáng tác cho con người và vì con người.
Karel Capek vĩnh viễn ra đi khi mới 48 tuổi do bệnh tật, để lại nhiều tiếc nuối cho tất cả những người yêu thích văn học đương thời. Bernard Shaw, lúc ấy 82 tuổi, đã phải thốt lên: “Sao tôi không chết thay anh cho rồi! Một nhà văn có tài như vậy lại ra đi quá sớm, thất đáng tiếc biết bao! … Không chỉ tôi, người bạn gần gũi của anh cảm nhận được sự mất mát này, không chỉ Tiệp Khắc… mà toàn thế giới, cái thế giới mà anh đã tặng cho biết bao niềm vui thông qua những cuốn sách và những vở kịch của mình, đang cảm nhận được sự mất mát này.”
Phong Linh
Nguồn Zing.vn http://news.zing.vn/karel-capek-nha-van-tiep-khac-vi-dai-nhat-the-ky-20-post730175.html