KẸO KÉO – viết bởi Tạ Duy Anh

Và trong tôi, cái ngọt lịm của kẹo, từ bao giờ đã thành cái ngọt lịm của ký ức. Ký ức tôi thành một thứ kẹo kéo có thể kéo thành những sợi óng ả, dài bao nhiêu cũng được, mỗi khi tôi trở về thời thơ bé.

Trẻ em ở phố bây giờ không biết đến kẹo kéo. Giả sử có ai đó mô tả lại chúng cũng sẽ cười rũ rượi mà không hình dung nổi lại có thứ kẹo có thể kéo dài ra bao nhiêu cũng được. Trẻ con nông thôn, nhiều đứa không ăn kẹo kéo nữa. Chúng cũng đã kịp biết đến Socola, caramen, bigbabol, gum, thậm chí cả những thứ kẹo hảo hạng…chỉ có ở những nước giầu có. Kẹo kéo cổ hủ nghiễm nhiên bị gạt sang một bên, trong sự cười cợt.

Nhưng vào thời của tôi, độ vài chục năm về trước, thì kẹo kéo là huyền thoại, là bí mật to lớn của sự ngọt ngào, là ảo thuật, là giấc mơ giữa trưa hè… Sẽ không thể hình dung nổi một buổi trưa ở nông thôn khi thiếu vắng tiếng rao dẻo quẹo, ngọt khé cổ, mềm mại như lụa của ông bán kẹo kéo:

– Kẹo kéo, kẹo kéo… đa.â.â… y! Càng kéo càng dài, càng vặn càng dai, càng nhai càng ngọt… nào…

Ngay cả bọn gà trống hiếu thắng cũng phải vươn dài cổ, ngẩn ra mà nghe thứ âm thanh óng ả đó. Bọn trẻ ở khắp các ngõ ngách, như bắt được tín hiệu, cùng túa đến bên ông bán kẹo kéo. Ông đội mũ lá, mặt mũi sạch sẽ, mắt luôn như cười. Trên Poóc-ba-ga của chiếc xe đạp tồng tộc là cái hộp gỗ chứa điều thần kỳ. Ông dựng xe, cẩn thận mở hộp ra. Hãy còn một lớp vải thô tinh tươm phủ kín. Sao mà lâu quá thế. Nhưng mà hãy cứ chờ đã. Cho mà thèm khổ thèm sở! Trước hàng chục cặp mắt hau háu, ông nhẹ nhàng bóc nốt nó ra, để lộ chút ít cái thứ mầu vàng óng có sức cám dỗ chết người… để chào hàng. Những đồng 5 xu, những tờ một hào (loại tiền này đã biến mất ngoài mọi ý muốn?) tới tấp chìa ra. Đôi bàn tay phù thủy của ông bán kẹo kéo bắt đầu múa. Nó dẻo đến mức có cảm giác chính nó cũng là kẹo! Nó mô phỏng động tác kéo lưới hay nhổ mạ ở mức điêu xảo. Nó gợi đến sóng lúa thì con gái hay động tác của nghệ nhân hát chèo. Người không có nghề không thể kéo được kẹo, sao cho những viên lạc, như một nhân tố bất ngờ trong ảo thuật, lần lượt ra theo. Sợi kẹo đều, óng và biết to, nhỏ, ngắn dài… theo mức tiền mua của khách. Nó còn cho các tiểu Thượng đế cảm giác viên kẹo có phép, nhả ra bao nhiêu cũng không hết. Vì thế chưa cần ăn đã thích. Thậm chí ăn trở thành phụ mà xem mới là chính. Cứ thế những buổi trưa nhà quê luôn luôn ngọt lịm.

Và trong tôi, cái ngọt lịm của kẹo, từ bao giờ đã thành cái ngọt lịm của ký ức. Ký ức tôi thành một thứ kẹo kéo có thể kéo thành những sợi óng ả, dài bao nhiêu cũng được, mỗi khi tôi trở về thời thơ bé. Ở đó, trong cái yên tĩnh như định mệnh, cất lên bài ca dẻo quánh:

– Càng kéo càng dài, càng vặn càng dai, càng nhai càng ngọt…

Có cái gì cũng từa tựa như thế, của đất đai, của lòng thủy chung, của sự chịu đựng bền bỉ… tạo nên một phần gương mặt tinh thần của làng quê yêu dấu.

T.D.A

Bài viết được xuất bản trên trang web chính thức của NXB Hội nhà văn vào ngày: 15/10/2019