Khoảng 15 năm trước, nhà sách Nguyễn Văn Cừ luôn có nhiều khách xếp hàng dài. Tuy nhiên, thời hoàng kim ấy nay đã xa, nhất là khi “cơn bão” thương mại điện tử vào Việt Nam, lượng người đến các nhà sách truyền thống như vậy đã thưa vắng; thậm chí không ít nhà sách phải đóng cửa. 

Trong ký ức của anh Đinh Thành (TP Đà Lạt, Lâm Đồng), khoảng 15 năm trước, lúc xuống TPHCM theo học, mỗi lần ghé vào nhà sách Nguyễn Văn Cừ, anh và nhiều người khác phải xếp hàng dài. Tuy nhiên, thời hoàng kim ấy nay đã xa, nhất là khi “cơn bão” thương mại điện tử vào Việt Nam, lượng người đến các nhà sách truyền thống đã thưa vắng; thậm chí không ít nhà sách phải đóng cửa. 

Bỗng dưng biến mất

Quãng vài năm trở lại đây, rất nhiều người tỏ ra ngỡ ngàng trước sự biến mất của chuỗi nhà sách Nguyễn Văn Cừ trên địa bàn thành phố. Ít nhất, đến thời điểm hiện tại, một số nhà sách Nguyễn Văn Cừ tại các địa điểm như đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5), quốc lộ 13 (quận Thủ Đức), đường Lê Văn Việt (quận 9), đường Nguyễn Tất Thành (quận 4) đã không còn tồn tại.

Ngoài nhà sách Nguyễn Văn Cừ, một số nhà sách Phương Nam trên đường Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp), đường Lê Duẩn (quận 1), hay nhà sách Sông Hương trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3)… cũng hoàn toàn mất dạng.

Theo số liệu mà chúng tôi có được, từ năm 2015-2018, tại TPHCM có khoảng 100 nhà sách nhỏ và trung bình phải đóng cửa, hoặc chuyển sang mô hình hoạt động khác.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự xuống dốc của các nhà sách truyền thống chính là “cơn bão” thương mại điện tử, cụ thể hơn là việc ra đời những kênh bán sách online. Chính sự cạnh tranh thông qua những chương trình giảm giá sâu, thậm chí có lúc lên tới 50% và những tiện ích đi kèm như giao sách tận nơi, tặng coupon, mã giảm giá… đã hút một lượng khách không nhỏ từ các nhà sách truyền thống.

Để cạnh tranh với kênh bán sách online, đòi hỏi các nhà sách truyền thống phải thay đổi mô hình hoạt động

Bà Nguyễn Tư Tường Minh, Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập NXB Tổng hợp, thừa nhận: “Các kênh online phát triển ngày càng nhiều, một mặt giúp các NXB, các đơn vị có thêm nhiều kênh phân phối trong việc tiếp cận độc giả, nhưng mặt khác đó cũng chính là nguyên nhân khiến lượng khách hàng đến mua trực tiếp tại các nhà sách truyền thống giảm. Điều này đặt ra cho các nhà sách truyền thống phải có chính sách hay chế độ chăm sóc khách hàng tốt hơn”.

Vượt khó, cách nào?

Khi Nhà sách Phương Nam trên đường Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) đóng cửa, không lâu sau đó “mọc” lên Nhà sách eBook ở địa chỉ này. Tuy nhiên, điều mà khách hàng dễ dàng nhận ra ở Nhà sách eBook chính là sự “lột xác” hoàn toàn so với nhà sách cũ. Nhà sách mới được thiết kế hiện đại hơn, giúp khách hàng có sự trải nghiệm với nhiều không gian khác nhau. Bên cạnh mặt hàng chính là sách, eBook còn có không gian cà phê, các mặt hàng văn hóa phẩm, đồ lưu niệm…

Đây cũng chính là mô hình mà một số nhà sách như Cá Chép, Fahasa, Phương Nam… đã từng áp dụng và đang được xem là giải pháp tối ưu trong cuộc chạy đua với các kênh bán sách online. Bởi rõ ràng, các nhà sách mở ra sau này dù số lượng chưa nhiều nhưng bù lại được đầu tư về hình thức, chất lượng phục vụ tốt hơn.

Đọc sách kết hợp thưởng thức cà phê đang là xu hướng được các nhà sách truyền thống áp dụng

Điều này cho thấy, các nhà sách truyền thống vẫn chưa hoàn toàn “mất lượt” mà vẫn có cơ hội vực dậy. Đơn giản, nếu không nhìn thấy được tiềm năng phát triển thì chắc chắn giới kinh doanh không dại gì rót tiền đầu tư để rồi chịu lỗ.

Ông Bùi Trung Hiếu Trưởng phòng Dự án Công ty sách Văn Lang, kể, lúc chưa làm lại Nhà sách Văn Lang trên đường Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh), đa phần mọi người ít biết đến nhà sách, hoặc đi ngang qua nhưng không biết để ghé vào. Mỗi ngày chỉ đón lượng khách từ 50-60 người, ngày cuối tuần khá hơn nhưng cũng chỉ từ 100-150 người/ngày. Sau khi làm mới toàn bộ, tạo ra không gian kết hợp quán cà phê thì lượng khách đã tăng gấp đôi, có những ngày tăng gấp ba.

Bà Nguyễn Tư Tường Minh cũng cho rằng, nhà sách truyền thống là kênh không thể thiếu đối với những người yêu sách, đặc biệt là những người yêu sách thực thụ.

“Đối với người mua sách online họ chỉ biết có chiếc điện thoại; còn khi bước chân vào nhà sách truyền thống, đồng nghĩa là bạn đọc đang được tiếp xúc với không gian toàn sách là sách. Ở nơi đó, độc giả có thể trải nghiệm được sự thích thú khi vừa đi dạo ở những gian hàng sách, vừa nghe được nhạc, tự tay cầm ngắm những cuốn sách, ngửi được mùi giấy mới… Đó là những trải nghiệm mà khi mua sách online độc giả sẽ không có”, bà Tường Minh nói thêm.

“Cách đây 3 năm, trong chuyến đi Mỹ, tôi có ghé vào Nhà sách Amazon. Trong suy nghĩ của nhiều người, việc Amazon mở nhà sách có vẻ hơi phí, thừa thãi. Nhưng vì sao họ vẫn làm? Tôi nhận ra, việc mua sách online chỉ là hành vi của thói quen; còn việc trải nghiệm sách ngay tại nơi đọc và tạo ra một không gian như thư viện, buộc mọi người phải đi ra khỏi nhà, đang là xu thế chung của nhiều nước. Thực ra, Việt Nam đang đi chậm so với các nước. Mọi người mới thấy được sự tiện lợi của việc mua sách qua online thôi, nhưng sau khi bắt kịp xu hướng như các nước trên thế giới, bắt buộc mọi người phải ra khỏi nhà để đến nhà sách. Trong vòng 3, 4 năm nữa sẽ xuất hiện chiến dịch giúp cộng đồng quan tâm hơn đến sức khỏe, làm sao đưa dân văn phòng, những người đang tốn quá nhiều thời gian cho công việc đi ra ngoài. Thay vì đi tập thể dục cũng có thể đến nhà sách. Việc này ở một số nước như Mỹ, Đức đã làm rồi”, ông Bùi Trung Hiếu cho biết. 

theo HỒ SƠN/SGGPO