Từ sự thật đời sống đến sáng tạo văn chương là cả một khoảng cách xa vời vợi. Tác phẩm nghệ thuật không nhất thiết phải phản ánh “nguyên xi” thực tại đời sống xã hội. Cách đây chưa lâu tôi được mời tham gia Diễn đàn văn học nghệ thuật của Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam với chủ đề “Văn học viết về cái ác”.


Trong ý kiến của mình tôi có nhấn mạnh một điều căn cốt: Cái ác bây giờ được ngụy trang rất tinh vi, nó mang mặt nạ, nên nhìn cho thấu tim đen và dã tâm của nó không phải dễ dàng. Nó đòi hỏi nhà văn không chỉ cần dũng cảm mà phải còn thông minh gấp bội khi cầm bút. Đôi khi cái ác “nhân danh” những điều rất cao sang, khoác những bộ xiêm áo mĩ miều có thể làm ai đó lóa mắt. Văn chương nhất thiết phải can dự vào cuộc đấu tranh bền bỉ, cam go vì sự chiến thắng của cái thiện, loại trừ cái ác.

Tôi đã đọc Tạ Đình Đề những góc khuất cuộc đời (Truyện ký, Nxb Hội Nhà văn, 2014) của Tiến sĩ Dương Thanh Biểu. Có thể coi đấy là cuốn sách viết về một người anh hùng của nhân dân, đã trở thành huyền thoại, truyền thuyết (thậm chí trong bài viết cho buổi ra mắt sách, tôi còn thậm xưng gọi Tạ Đình Đề là Ngài và thấy cử tọa có vẻ đồng tình). Vì là thể truyện ký nên phần hư cấu chỉ chiếm một phân lượng vừa đủ, tính chất “người thật/tốt việc thật/tốt” rất rõ. Lần này, Miền sáng tối của Tiến sĩ Dương Thanh Biểu viết về một tội nhân– Hai Tần, Giám đốc Công an tỉnh Đá Trong. Được ghi là tiểu thuyết nên hư cấu là chủ đạo. Từng làm việc nhiều năm trong ngành Kiểm sát, từng tham gia thụ lí vụ án nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, nên tác giả hơn ai hết đã nắm vững đến “chân tơ kẽ tóc” toàn bộ sự vụ. Nhưng tôi nghĩ, bút lục của vụ án này có lẽ cao bằng đầu người, nên nếu tham lam thì người viết sẽ chết chìm trong tư liệu, vụ việc. Tôi hình dung tác giả lần này đóng vai một tổng công trình sư, ở vị trí chỉ huy thiết kế một dự án hoành tráng. Gần 400 trang tiểu thuyết, không là ngắn nhưng cũng không quá dài, đã giữ chân độc giả từ đầu chí cuối, với 12 chương khá cân đối, hài hòa. Chuyện đã đành là hấp dẫn vì tác giả là người, như dân gian nói, “ở trong chăn nên biết chăn có rận”. Tôi dám chắc không ai đã, đang và sẽ vượt được Tiến sĩ Dương Thanh Biểu nếu muốn viết về các vụ án “động trời” ở Việt Nam mấy chục năm qua. Nhưng tôi rất quý người đồng hương, đồng nghiệp văn chương của mình ở phẩm tính biết tiết chế ngòi bút. Có cảm giác ông đã tạo ra những “bước hụt”, cách “bỏ đói” khiến độc giả thèm thuồng muốn biết rõ hơn những chuyện thuộc về “thâm cung bí sử” của ngành Kiểm sát đã đành, mà còn là chuyện của giai tầng “ông to bà lớn” xây thì ít phá tán xã hội thì nhiều, như chúng ta biết. Khi viết Miền sáng tối, tôi hình dung tác giả chỉ chú mục vào một mục đích nghệ thuật: Lí giải cho thật thuyết phục độc giả về con đường tha hóa của Hai Tần, với ý nghĩa như một điển hình của “một bộ phận không nhỏ” bị tha hóa bởi quyền lực. Rõ ràng dưới ngòi bút của tác giả thì Hai Tần hiện lên không như một hiện tượng đơn lẻ, có nghĩa đã phát lộ ra từ nó chính cái cơ chế đã sản sinh ra những “bầy sâu” mà Hai Tần chỉ là một ví dụ điển hình. Bây giờ, lùi xa sự kiện mấy chục năm, thời gian cho phép tác giả Dương Thanh Biểu tự tại, nghiền ngẫm để viết lại một câu chuyện đau lòng khi chiến tranh tàn khốc lại không thể hủy diệt được những con người dám sống chết vì lí tưởng nhưng đời sống thời bình với những ma lực, dục vọng, những viên đạn bọc đường lại đã hạ gục rất nhiều người tốt. Đọc Miền sáng tối, riêng tôi chợt nhận ra một thực tế đáng suy ngẫm – một con người, như Hai Tần, có phải vì hám tiền tài giàu sang, gái đẹp mà hư hỏng? Hay anh ta hư hỏng vì hám quyền lực? Một người bình thường phạm tội không nguy hại bằng một người có quyền lực phạm tội. Hai Tần đã gây ra không biết bao nhiêu điều tệ hại, xấu xa cho cuộc sống của người dân vùng thị xã Đá Trong. Nhưng điều tệ hại nhất mà anh ta gây nên chính là làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào lãnh đạo. Một người như Hai Tần không thể tự tụt nhanh xuống dốc được nếu những người có địa vị xung quanh anh ta (như Tư Thắng, Bí thư Tỉnh ủy) và nhiều người có liên đới trách nhiệm khác không làm ngơ trước cái ác (sau này trong bản án của Tòa đã tuyên rõ). Chúng ta đang thực hiện chỉnh đốn Đảng để tăng cường sức mạnh lãnh dạo của Đảng. Thiết nghĩ, trong không khí này, những bài học đạo lí rút ra từ Miền sáng tối rất cập thời vũ. Thậm chí có thể coi nó là một tài liệu học tập bằng nghệ thuật ngôn từ.

Vì sao nói “làm người tốt là khó”?. Cổ nhân dạy “vị nhân nan” (làm người là khó). Dân gian cũng đúc kết “tiếng lành đồn gần tiếng dữ đồn xa”. Cách nay hơn mười năm, ông Đoàn Duy Thành (một nhân vật cỡ “cốp”, đã viết hẳn một cuốn sách Làm người là khó, theo dạng tự xuất bản, rất lan truyền). Nhân vật Tám Miện (Bí thư Thị ủy, kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân thị xã Đá Trong) trong Miền sáng tối là một điển hình của “làm người tốt là khó”. Thời chiến tranh ác liệt, anh ta là đồng đội của Hai Tần. Họ sẵn sàng chia lửa, chia máu cho nhau. Chính nhờ Hai Tần mà Tám Miện còn sống trở về sau chiến tranh. Ngày ấy họ là đồng chí, cùng đồng ý, đồng tình. Nhưng cái gì đã chia rẽ họ, thậm chí đẩy họ về hai phía như là hai chiến tuyến trong đời thường thời hậu chiến? Thiết nghĩ không khó tìm câu trả lời. Nhớ lại ý kiến của nhà văn Nguyễn Minh Châu khi viết về bậc thầy văn chương Nam Cao, ông ngộ ra rằng suy cho cùng là phải viết một cách rốt ráo nhất về nhân cách và phi nhân cách, văn hóa và phản văn hóatrong đời sống xã hội và con người. Nếu Hai Tần là điển hình cho quá trình tha hóa do đã “bán linh hồn cho quỷ dữ” thì Tám Miện và những người tốt khác đã dám xả thân vì nghĩa lớn, vì cuộc sống của đồng bào, đồng chí. Là người có quyền hành cao nhất ở thị xã Đá Trong nhưng vợ con vẫn bần hàn, đến bữa vẫn phải ăn bo bo thay cơm. Cái cảnh “bĩ cực chưa đến thái lai” chảy ra nước mắt này thì thế hệ chúng tôi đã trải qua, thấm thía hơn ai hết. Khi bị bắt giam (cùng với cả vợ và con trai mới 15 tuổi) một cách oan uổng (bị vu là nội gián) bởi chính bàn tay của Hai Tần, Tám Miện vẫn bình tĩnh ứng xử để bảo vệ phẩm giá của một con người chân chính, một đảng viên trung kiên, không phản bội lí tưởng và đồng bào, đồng chí. Con người tốt này cho đến phút cuối vẫn muốn bảo vệ Hai Tần, xin Tòa giảm án cho một người trước đó rắp tâm hại mình. Từ mức án cao nhất, cuối cùng Hai Tần chỉ phải nhận mức tù chung thân. Tám Miện đã cứu Hai Tần khỏi cái chết. Người tốt không bao giờ “ân oán giang hồ”. Nhưng hình như như nhân vật này thuộc thiểu số? Nhưng hình như anh ta bị cô độc? Nhưng hình như anh ta yếu đuối hơn kẻ xấu? Những cái tôi gọi là “hình như” là một giả định nghệ thuật. Nhà văn có quyền đưa ra những giả định như thế.

Về phương diện lí thuyết, người ta vẫn nhấn mạnh đến mệnh đề “viết như thế nào?” quan trọng hơn là “viết cái gì?”. Đọc Miền sáng tối của Tiến sĩ Dương Thanh Biểu, độc giả trước hết bị dẫn dụ bởi “chuyện”. Phải công nhận tiểu thuyết được dàn dựng trên cơ sở một cốt truyện hay (nhiều tình tiết éo le, hấp dẫn, nhiều chi tiết “bắt mắt”). Trong phạm trù cốt truyện thì đoạn kết đóng vai trò quan trọng. Riêng tôi vẫn chưa thỏa mãn với đoạn kết khi Hai Tần được hạ mức án từ tử hình xuống chung thân. Ở đây không bàn về vấn đề nhân đạo của pháp luật, vấn đề truyền thống nhân ái của người Việt Nam. Tôi muốn nói đến cái “logic nghệ thuât”, “chân lí nghệ thuật”. Hai Tần phải nhận bản án ở mức cao nhất. Như thế cái ác mới bị truy kích tận gốc, trốc tận rễ. Còn nếu hạ mức án cho nhân vật này thì từ góc độ tâm lí truyền thống, có vẻ “đẹp” và “có hậu”. Trong văn học dân gian, cách xử lí nghệ thuật rất “khéo”. Nếu người không phạt thì Trời phạt (Lý Thông được Thạch Sanh tha bổng nhưng sau đó bị sét đánh chết!?). Người Việt Nam thường “duy tình”, vì thế tác giả cũng nương theo mĩ tục đó. Nhưng trong nghệ thuật thì lại khác. Tôi cứ vân vi mãi về điều này. Viết ra đây là cầu sự chia sẻ từ chính tác giả và rộng ra là bạn đọc quảng đại.

Trong kĩ thuật tiểu thuyết có một vấn đề rất khó khăn khi viết là kết hợp kể và tả. Không phải là không có tả, nhưng liều lượng thấy chưa thích hợp khi đọc Miền sáng tối. Tiến sĩ Dương Thanh Biểu sở hữu một lối văn có tốc độ, nhịp điệu (rythme) văn xuôi là nhịp điệu của ngựa phi nước đại, cuốn các sự kiện vào dòng chảy của thác lũ. Trong gần 400 trang, quả thật ít những “chiếu nghỉ” cần thiết như khi ta leo lên một tòa nhà cao tầng mà chưa có thang máy vậy.Tả tạo nên những khoảng lặng, nốt nhấn cần thiết cho sự đọc. Tả tạo ra dư âm và liên tưởng sâu xa hơn những gì con chữ hiện diện. Thậm chí đôi khi có thể tạo ra những “ý tại ngôn ngoại”. Tuy nhiên khi đọc Miền sáng tối riêng tôi rất chú ý đến những đoạn in nghiêng. Đa phần là những hồi ức. Cũng có khi là một câu chuyện nhằm thêm mắm thêm muối (một thứ gia vị gia tăng sự hấp dẫn của thực đơn). Ở những đoạn in nghiêng này tôi thấy tác giả không phải gồng mình lên khi viết. Nó chân thành, nó xúc động, nó gợi nghĩ về những điều tốt đẹp. Nó thường thuộc về “miền sáng”.

Tôi cũng có cái ấn tượng về nhan đề tiểu thuyết. Suy cho cùng đấy cũng là kĩ thuật, cao hơn là nghệ thuật viết. Một nhan đề có tính khái quát thế sự (cuộc sống là sự đan xen xấu – tốt, thiện – ác, sáng – tối, được – mất, buồn – vui,…). Một nhan đề hàm chứa triết lí về cõi nhân sinh. Rất may Miền sáng tối không lôi cuốn bạn đọc vào một thứ “triết lí vặt vốn” hay nổi phềnh trong tác phẩm của những người non tay nghề nhưng lại thích lên giọng. Đọc Miền sáng tối thấy nội lực và bút lực của tác giả còn sung mãn. Hi vọng sẽ có những cuốn tiểu thuyết khác ra đời từ một sự trải nghiệm sống dày dặn và quan trọng hơn là được viết với trải nghiệm văn hóa sâu sắc của tác giả. Riêng tôi có niềm tin về Tiến sĩ Dương Thanh Biểu trên con đường thiên lí của văn chương./.

Nguồn Văn nghệ