Theo Michael T. Osterholm và Mark Olshaker, để chiến thắng dịch bệnh, cần kết hợp các nghiên cứu y khoa, chính sách chuẩn mực và ý chí của con người.

Năm 2017, hai nhà nghiên cứu Michael T. Osterholm và Mark Olshaker đề cập một loài virus với quy mô toàn cầu trong cuốn sách Dịch bệnh – Kẻ thù nguy hiểm nhất.

Cuốn sách ra mắt độc giả trong nước đúng thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng nổ, con người đang nỗ lực chiến đấu dập dịch.

Sách Dịch bệnh – Kẻ thù nguy hiểm nhất. Ảnh: A.B.

Nguy cơ bùng nổ dịch bệnh

Từ góc nhìn của những chuyên gia dịch tễ, tác phẩm điểm qua những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm của nhân loại, từ đại dịch cúm Tây Ban Nha, SARS ở các quốc gia Đông Nam Á, hay dịch hạch ở Anh… cho tới Covid-19.

Cuốn sách gồm 21 chương. Ở 6 chương đầu, hai tác giả trình bày những câu chuyện (trong đó có cả câu chuyện của chính bản thân tác giả) và các vấn đề liên quan đến bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp.

Theo nhóm người viết, sự bùng nổ đại dịch không diễn ra một cách tự nhiên. Sự biến đổi nhanh chóng của vi sinh vật, việc gia tăng dân số, thiếu ý thức cộng đồng… là những nguyên nhân khiến con người phải đối mặt dịch bệnh nguy hiểm.

Bài học nhân quả luôn tồn tại. Nếu con người vẫn duy trì tính tham lam, ích kỷ, thiếu kiến thức, thì trong tương lai không xa, viễn cảnh về một thế giới bị hủy diệt chắc chắn sẽ không chỉ nằm trên trang sách.

Đúng như tiêu đề ấn phẩm, dịch bệnh chính là “kẻ thù nguy hiểm nhất” của loài người. Tuy nhiên, đối mặt kẻ thù, con người không thể khoanh tay chịu trận, mà cần tìm ra cách để đánh bại, trở thành người thắng cuộc trong trận chiến này.

Trải qua nhiều trận đại dịch, kinh nghiệm và khả năng phân tích của các chuyên gia dịch tễ càng trở nên dày dạn hơn. Michael T. Osterholm và Mark Olshaker đã đưa ra những suy luận về dịch tễ học, giải thích con đường chiến thắng đại dịch.

Cuộc chiến chống lại những mầm bệnh nguy hiểm

Với lối viết súc tích, khoa học, 21 chương của cuốn sách bám sát mạch phân tích để đúc kết rằng dịch bệnh là “kẻ thù nguy hiểm nhất”.

Virus vốn có khả năng biến đổi rất nhanh để thích nghi và nhân rộng về mặt số lượng. Một điểm đáng báo động là virus như Corona có thể tạo thành “một quần thể khổng lồ hàng tỷ người thay vì chỉ là hàng triệu người mắc” như hiện nay.

Trong số những giải pháp đẩy lùi dịch bệnh, đến thời điểm này, vaccine vẫn được coi là con đường hữu hiệu nhất.

Tuy nhiên, Michael T. Osterholm và Mark Olshaker nhấn mạnh rằng dù có vaccine hay sự can thiệp hữu hiệu của các biện pháp y khoa tiên tiến nhất, những giải pháp này phải luôn kết hợp những khía cạnh chính sách chuẩn mực, hiệu quả.

Dịch bệnh có nguy hiểm đến đâu, con người đều có cơ hội chiến thắng. Nhân loại hoàn toàn có thể thay đổi tình hình theo hướng tích cực, nhờ những thành tựu trong lĩnh vực y tế công cộng, cùng sức mạnh, ý chí của con người.

nguồn: https://zingnews.vn/lam-the-nao-de-chien-thang-dai-dich-post1253520.html