“Vua Solomon là một nhà thơ, bậc hiền triết và nhà tiên tri trong thời cổ đại Do Thái. Ông được mệnh danh là vị vua anh minh, tài đức nhất trong lịch sử nhân loại. Solomon nói ra 3.000 câu châm ngôn. Đức Chúa Trời từng tuyên bố rằng, trước và sau chẳng ai trong thiên hạ có thể sánh bằng Solomon. Không phải ngẫu nhiên mà thơ tình Nhã Ca được trân trọng đặt ngay tâm điểm của Kinh Thánh, quyển sách nổi tiếng nhất thế giới từ cổ chí kim. Người xưa biết, dù 65 tập sách khác trong Kinh Thánh hùng hồn đến mấy, nhưng nếu vắng bóng Nhã Ca, thì cả quyển kinh điển chỉ là kinh cầu, một sa mạc vô sinh, vô vọng. Chính thơ tình Nhã Ca là nhịp sống, là cái hồn, cái túy, và là trái tim của cả Kinh Thánh. Nhã Ca đã nâng kinh điển cổ xưa lên cung bậc thánh. 117 câu thơ trong thơ tình Nhã Ca chuyển tải sinh lực sống đến tất cả cấu trúc tinh vi của hàng tỉ ý tưởng nhiệm mầu trong cả Kinh Thánh. Chúng ta không thể hiểu sâu sắc lời lẽ Kinh Thánh nếu chưa hiểu, chưa sống và chưa yêu như đôi trai gái trong thơ tình Nhã Ca…

Nhã Ca thổ lộ tình yêu và định ý tốt đẹp Tạo Hóa dành cho loài người và muôn loài vạn vật khắp nơi trên hoàn vũ, rằng tình yêu là sự sống, và sự sống là tình yêu. Muôn hoa đua nở trên khắp đồng nguyên, vẻ đẹp huyền nhiệm tiếp diễn qua khung cảnh bốn mùa, đến đôi môi thẹn thùng cười trong lần gặp gỡ đầu của đôi nam nữ, tất cả nói lên một sự thật bất biến, rằng Thiên Chúa là tình yêu thương, rằng chúng ta chính là hiện thân của tình yêu hoàn mỹ được Ngài tạo dựng.

Cuốn tiểu luận phê bình của Mục sư Ngô Duy Cường phân tích những câu thơ tình Nhã Ca của Vua Solomon với góc nhìn tinh tế đầy cảm xúc. “Nhã Ca là tập thơ tình vô cùng lãng mạn của vua Solomon. Từ trước tới nay em chưa bao giờ được ai giải nghĩa ý vị ngọt ngào của tình yêu như anh giải thích trong tập thơ này. Vua Solomon đã sống, trải nghiệm, thấu hiểu và cảm biết sự khát khao yêu và được yêu của người nữ. Từng câu, từng chữ của Người được anh giải thích thật tuyệt vời. Thật vậy, nếu không có tình yêu nam nữ, sự sống trên thế gian này tẻ nhạt và vô vị lắm.”

Trong cách nhìn của Mục sư, người nữ – vốn là phái yếu, là những người từng bị coi thường – trở nên thiêng liêng và cao quý. “Em rất thích cách anh diễn tả về tình yêu lứa đôi, cho người nghe như em có một cảm giác được đưa lên cung tầng rất cao, ở nơi đó không còn vương vấn bất kỳ lo lắng, tính toan, khổ sở của kiếp sống trần gian. Đọc từng lời anh viết về người nữ, em thấy mình đẹp đặc biệt, quý phái và sang trọng, em biết mình thật sự là cô gái nhà quyền quý, con của Vua Trời. Em hạnh phúc trọn vẹn vì được tỉnh ngộ, nhận biết đặc ân được làm người nữ, được yêu thương, trân trọng, bảo vệ và chăm sóc.”

Hãy cùng đọc và cảm nhận thơ tình Solomon.

Tác giả:

Mục sư Ngô Duy Cường, tác giả Tôi Đi Tìm Ai và Không Gì Dễ Bằng Yêu. Ông tốt nghiệp đại học Mỹ thuật tại Hoa Kỳ, từng triển lãm họa phẩm nghệ thuật tại các thành phố lớn. Ông hoàn thành chương trình thạc sĩ thần học tại Viện Thần Học Andrews University năm 2001 và viết luận án tiến sĩ năm 2015.

Niềm hạnh phúc thường ngày của ông là được tản bộ trong cảnh thiên nhiên, vui với nét cọ trên khung vải, ngồi viết lách, tĩnh lặng và thưởng thức tách trà ấm theo khung cảnh bốn mùa.

Năm 16 tuổi, trong lúc dạo bước đến trường, bất chợt nhìn thấy một cô bé đang đi đối diện bên kia đường. Ngay tức khắc, thần hồn chao đảo, nhịp tim như dừng lại. Ông yêu mê say người con gái này kể từ ngày ấy. Nay đã 37 năm, mà độ thắm nồng vẫn như ngày nào. Vợ chồng Mục sư Ngô Duy Cường có được ba người con, Thùy Trân, Duy Ân và Linh Ân. Họ sinh sống tại thành phố Hoa Hồng, tiểu bang Oregon, Hoa Kỳ.

Trích đoạn nội dung:

Tất cả những gì cần biết về thiên nhiên, vũ trụ và Đấng Tạo Hóa đều đã được gói gọn trong châu thân người nữ. Người ta tìm kiếm thiên đàng, niết bàn, thêu dệt hình ảnh một vị thần linh nào đó để sùng bái, ra vẻ như yêu lắm nét tinh hoa của vị thần linh họ thờ phụng. Nhưng lạ quá, nét thiên đàng hiển hiện ngay trong châu thân người nữ lại bị thế giới đàn ông quấy nhiễu, lạm dụng và sử dụng như một thứ đồ vật tùy hứng và tùy ý không hơn không kém. Tạo Hóa không hề đưa người nữ vào đời như một công cụ giúp việc cho người nam, nhưng là một nửa linh hồn để hoàn thiện nhân cách sống của người nam. Yêu thương và bảo vệ người nữ là thước đo giá trị đạo đức của một người đàn ông đúng nghĩa đàn ông.

(Trích chương: Môi Em Ứa Giọt Mật)

Nhã Ca chỉ vỏn vẹn 117 câu, nhưng là nguyên gốc của nhiều sách liên quan đến tình yêu và hôn nhân từng được viết. Ít nhiều trong các sách được xuất bản, các tác giả đã trích dẫn những ý tưởng và bí quyết yêu từ Nhã Ca. Tạo Hóa, Nguồn Gốc của âm và dương, nam và nữ, đã khai thị cho thế giới nhân loại cả một biển kho tàng vô giá về bí quyết yêu trong 117 câu thơ tình Nhã Ca.

Trong nghệ thuật chuyển ngữ, các học giả Việt Nam đã rất tài khéo trong cách dùng từ để thổ lộ khát vọng sâu kín trong tâm can người nữ: “Tôi ngủ, nhưng lòng tôi thao thức.” Người nữ đã vào nơi êm ấm nhất của mình, nơi đây nàng đã được hứa hẹn rằng chàng sẽ đưa nàng vào “phòng yến tiệc, và phủ lên nàng lá cờ tình yêu”, nhưng sao đã nằm trong giường, mảnh vườn lòng đã mở khóa, suối nước đã chuẩn bị cho sự dạt dào của nó, mà nàng lại “thao thức”?

(Trích: Em Đã Cởi Áo Ra, Lẽ Nào Mặc Áo Lại?)