Lịch Sử Của Sách

Cuốn sách là câu chuyện hấp dẫn, kích thích, nhiều góc nhìn về một trong những vật phẩm quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại: SÁCH

 Là bức tranh sinh động về lịch sử 5.000 năm của sách…, từ tấm bảng đất nung của người Sumer tới kho sách điện tử khổng lồ eBookstore của Google, từ tiệm sách Hookham ở London tới “đế chế xuất bản toàn cầu” như Springer Nature ở Đức.

 Là cách con người đọc và viết, trang trí, gia công, sản xuất, lưu hành, tiếp nhận, lưu giữ và biến các dạng thức khác nhau của sách trở thành đối tượng của nhiều ngành kinh tế mới.

 Cuốn sách này sẽ trả lời cho những câu hỏi phức tạp như: Khả năng đọc viết quyết định ra sao đối với nền xuất bản của một quốc gia? Không gian đọc có tác động thế nào đối với sự tiếp nhận tri thức cùng khả năng sáng tạo? Cuộc đối thoại giữa tác giả và độc giả thông qua văn bản diễn ra như thế nào?

“Vương triều muốn thịnh trị thì sách vở càng phải được đọc nhiều… Mong muốn của ta là đúc được chữ in bằng đồng để in càng nhiều sách càng tốt và để sách được cung cấp thật rộng rãi trong thiên hạ” – Vua Triều Tiên Taejong, thế kỷ XV

“Nước Đại Anh mang ơn những tiến bộ trong thuật đúc chữ mà nó đã hưởng lợi nhiều hơn tất cả các quốc gia khác trên hoàn cầu; một kỹ thuật hiển nhiên và cơ bản là rất quan trọng đối với một quốc gia vốn mang trong mình bản sắc vĩ đại và quang vinh của nền tự do báo chí” – Ca ngợi thợ đúc chữ William Caslon năm 1778

Tác giả: James Raven 
Dịch giả: Đào Quốc Minh 
Nhà xuất bản: Dân Trí
Ngày xuất bản: 06/2021
Giá bìa: 179.000VNĐ

Thông tin tác giả

James Raven

Là Giáo sư ngành Lịch sử Cận hiện đại, nghiên cứu viên tại Trung tâm về Nhân quyền, Giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử Thư tịch tại Đại học Essex, Anh Quốc. Ông đồng thời là Giáo sư thỉnh giảng tại Magdalene College – Đại học Cambridge, và từng là Giáo sư ngành Lịch sử Văn hóa và Xã hội – Đại học Oxford.

James Raven là chuyên gia hàng đầu về lịch sử thư tịch Anh và châu Âu, văn hóa và xã hội châu Âu giai đoạn Sơ kỳ Cận đại. Theo thông tin từ website của Đại học Essex, tính đến năm 2020, Raven đã công bố tổng cộng 70 bài báo khoa học, chủ biên 13 tựa sách, tham gia viết chung 32 tựa sách. Đề tài chủ yếu trong các công trình nghiên cứu của ông tập trung vào sự phổ biến và tác động của in ấn, ấn phẩm đối với xã hội; chứng cuồng sách (bibliomania); sưu tầm sách như một thực hành văn hóa thượng lưu thế kỷ XVII; độc giả và sự đọc; ngành kinh doanh sách…

Nhận xét

“Đây là công trình vô giá về nguồn gốc, nền tảng lý thuyết, phương pháp luận cũng như các phát hiện và nguồn tư liệu trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử của sách đang phát triển nhanh chóng, xuyên qua khoảng cách không gian và thời gian” – Ann Blair, Giáo sư Sử học tại Đại học Harvard

“Nhà soạn kịch Sheridan từng nói: “Muốn viết mạch lạc thì cần đọc thật nhiều”. Đối với James Raven, vấn đề thực sự phải là bắt tay vào viết càng nhiều càng tốt, vì kết quả của nó là việc đọc, một thực hành mang lại sự học tập suốt đời trong thư thái, và chính việc đọc chắc chắn sẽ truyền cảm hứng tới các học giả trẻ đang dần bước vào địa hạt nghiên cứu này” – Đánh giá từ Tạp chí LIBRARY & INFORMATION HISTORY.

“Công trình ngắn nhưng quan trọng này là một nỗ lực của ông nhằm đưa ra góc nhìn mới, mang tính gợi mở về lịch sử của sách từ khung cảnh toàn cầu. Cuốn sách này là một trong những công trình đầu tiên giới thiệu khái quát về lịch sử thư tịch trong góc nhìn rộng lớn liên ngành và liên vùng địa lý, trong phổ không gian kéo dài từ 14.000 năm trở lại đây…” – Vũ Đức Liêm, Đại học Hambourg