Truy tìm những nghĩa lắt léo khác nhau của tính hiện đại trong những nền văn minh khác nhau, trong những ngôn ngữ khác nhau, trong nhiều thời đại khác nhau, trong suốt chiều dài lịch sử, chính là truy đến cùng, ở những chỗ tốt nhất, những bí mật của thân phận con người. Đó là xác định cách suy nghĩ của mỗi nhóm người về điều mà nó mơ tưởng về tương lai, trong thời gian và trong không gian, chống lại những gì có thể có hại cho nó, đề cao những gì hợp với mơ ước không tưởng của nó. Đó cũng là diễn dịch sự tiến triển của các giá trị, các tư tưởng, những gu thẩm mĩ, những chủ đề phẫn nộ, những quan niệm về tiến bộ, những tổ chức kinh tế, những công cuộc táo bạo, những hệ thống chính trị, những phong tục; và đời thường hơn, những cách ăn, mặc, ở, đi lại, làm việc, giải trí, yêu đương, ve vãn nhau, và cảm thấy hạnh phúc.   Những suy nghĩ này không hề vô ích, cũng không có gì bảo đảm rằng những giá trị mà chúng ta đang ôm ấp và chúng ta coi như đã thật sự đạt được kể cả dân chủ, tự do cá nhân và quyền con người sẽ vẫn là những giá trị của tương lai. Những giá trị khác, trong những hoàn cảnh nhất định, sẽ thay thế chúng, trong trí tưởng và trong thực tế.   Mỗi lần một nhóm mới lên nắm quyền, nó chỉ cho phép coi như “hiện đại” những thay đổi chuẩn bị cho tương lai mà nó mơ ước, củng cố quyền lực của nó và duy trì nó lâu dài. Khi đó nó xác định một “cái mới” được ưa thích hơn “cái cũ”.   Nghệ thuật của một thời đại (từ hội họa đến văn chương rồi đến điện ảnh và các loại hình mới khác nữa) nói chung được bảo trợ bởi chính giới tinh hoa thống trị, là phản ánh của sự táo bạo của giới này, của những dự phóng của giới này về tương lai. So với những chiều kích khác của xã hội, nghệ thuật thể hiện tốt hơn quan niệm ưu thắng về tính hiện đại.   Một xã hội mà “hiện đại hóa” là mục tiêu công khai của những kẻ lãnh đạo nó có cái nhìn sáng tỏ về tương lai của nó, thì ràng buộc mật thiết với cái mà nó gọi là “tiến bộ”.   Những xã hội tiền sử trong cả nghìn năm đều muốn những sự lặp lại, vì sợ mọi thay đổi sẽ mang đến cái chết. Con người hi vọng và không được bảo đảm sự trở lại của mặt trời mỗi buổi sáng, mưa mỗi mùa thu, những chồi non đầu tiên mỗi mùa xuân. Không có gì gây bất an hơn sự thay đổi. Khi đó đối với họ, tính hiện đại là sự trở lại của vẫn cái ấy. Hiện đại là ổn định. Vũ trụ học của họ, cũng đầy tài năng như nghệ thuật của họ, là biện hộ cho sự không tưởng này.


Tác giả

Jacques Attali sinh ngày 1 tháng 11 năm 1943, là nhà lí thuyết kinh tế và xã hội, nhà văn, cố vấn chính trị cho Tổng thống François Mitterrand từ 1981 đến 1991, người sáng lập và chủ tịch đầu tiên của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (BERP) 1991-1993, người đề xuất cải cách hệ thống bằng cấp đại học theo yêu cầu của Bộ trưởng Giáo dục Pháp; đồng sáng lập chương trình EUREKA châu Âu nhằm phát triển công nghệ mới; sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Planet Finance và chủ tịch hãng tư vấn quốc tế Attali & Associates (A&A)…

J. Attali đã viết và biên soạn hơn 70 đầu sách, bao gồm nhiều lĩnh vực: tiểu luận, tiểu thuyết, kịch, tiểu sử, hồi kí, truyện kể cho trẻ em. Ông còn là nghệ sĩ piano và thành viên Ban Giám đốc Bảo tàng Orsay. Ông viết nhiều về tầm quan trọng của âm nhạc trong tiến hóa của xã hội. Tác phẩm của ông đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng, bán được hơn 8 triệu bản trên khắp thế giới.

Năm 2009, tờ Foreign Policy đưa ông vào danh sách “100 nhà tư tưởng hàng đầu thế giới” (top 100 global thinkers)

Nhà xuất bản Tri thức

Nhà xuất bản Tri thức
Tầng 1 – Tòa nhà VUSTA – 53 Nguyễn Du – Quận Hai Bà Trưng – Hà Nội , Hai Bà Trưng, Hà Nội