GS.TS Ngô ĐứcThịnh – (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam)
I . ĐẠO MẪU LÀ TÍN NGƯỠNG DÂN TỘC ĐÍCH THỰC
Trước nhất, Đạo Mẫu không phải là một hình thức tín ngưỡng tôn giáo đồng nhất, mà nó là một hệ thống các tín ngưỡng, trong đó ít nhất bao gồm ba lớp khác nhau, nhưng có mối quan hệ hữu cơ và chi phối lẫn nhau, đó là lớp tín ngưỡng thờ Nữ thần, lớp thờ Mẫu Thần và lớp thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ[1]



Đạo Mẫu là tín ngưỡng bản địa có nguồn gốc từ lâu đời, từ thời nguyên thủy, nó thỏa mãn tâm lý của người nông dân cầu mong phồn thực, sự sinh sôi nảy nở. Đạo Mẫu đã từng tồn tại trong thời kỳ lâu dài của lịch sử chế độ phong kiến, nó đáp ứng nhu cầu không chỉ của nông dân, nông thôn mà còn cả tầng lớp thương nhân ở đô thị, nhất là từ thế kỷ XVI-XVII. Trong thời kỳ  quân chủ phong kiến, nhất từ thời Lê, do lấy tư tưởng Nho giáo độc tôn, nên Đạo Mẫu bị xếp vào thứ đạo phi chính thống, tuy nhiên thời Nhà Nguyễn, nhất là sau triều vua Đồng Khánh đến Bảo Đại, thì Đạo Mẫu được tôn sùng. Trước năm 1975, tại Miền Nam Việt Nam, các tín hữu Đạo Mẫu đã hình thành nên 2 tổ chức“Tiên Thiên Thánh Mẫu giáo Trung Việt” (1955, trụ sở ở Huế), “Hội Thánh Mẫu”, trụ sở ở Đà Lạt. Năm 1973, 2 tổ chức này hợp nhất thành “Việt Nam thánh Mẫu hội”. Từ sau giải phóng 1975, Hội này bị giải thể và co lại hoạt động xung quanh điện Huệ Nam (Hòn Chén). Ngày nay, Đạo Mẫu vÉn tiÒm Èn chiÒu h­íng ph¸t triÓn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế thị trường và đô thị hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Đạo Mẫu đó phỏt triển rộng khắp ở cả đồng bằng, đô thị và miều núi, tạo nên một nét khá nổi bật trong bức tranh chung vốn hết sức đa dạng và phong phú của đời sống tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam.
Đây là một thứ tín ngưỡng có nguồn gốc bản địa đích thực, mặc dù trong quá trình phát triển, nó đã thu nhận những ảnh hưởng của Đạo giáo (tục thờ Tiờn), Phật giáo (Phật Mẫu). Đạo Mẫu lấy tôn thờMẫu (Mẹ) làm đấng bảo trì cho vũ trụ, con người, là nơi con người ký thác những mong ước, khát vọng về đời sống trần thế của mình, đạt tới sức khỏe và tài lộc (Phúc Lộc Thọ).
Một hệ thống thần điện tuy là đa thần (có khoảng trên dưới 60 vị  thánh), nhưng đứng đầu và bao trùm là Thánh Mẫu, trong đó Thánh Mẫu Liễu Hạnh tuy xuất hiện muộn mằn trong điện thần (từ thế kỷ XV-XVI) nhưng lại chiếm vị trí thần chủ trong điện thần Đạo Mẫu. Chính Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã “trần thế hóa” Đạo Mẫu và trong điều kiện của xã hội Nho giáo cuối thời phong kiến nó đã đi vào đời sống dân gian, bắt rễ sâu vào xã hội và đời sống tâm linh của mỗi con người Việt Nam.
Đạo Mẫu vốn là tín ngưỡng bản địa của tộc Việt, nhưng nó thể hiện một khả năng tích hợp tôn giáo tín ngưỡng cao, làm cho hệ thống điện thần cũng như bộ mặt văn hóa của nó thể hiện tính đa tộc người, đa văn hóa của không chỉ dân tộc Kinh đa số mà còn cả các tộc người thiểu số cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Trong hệ thống các thần linh có nhiều vị thần người dân tộc thiểu số, do vậy nó cũng tích hợp các sinh hoạt văn hóa của các dân tộc thiểu số đó vào trong nghi lễ của đạo này (ăn mặc, âm nhạc, múa hát…)
Hiếm có một tôn giáo tín ngưỡng bản địa nào lại “tiềm tàng” sức tự biến đổi, “trẻ hóa” như là Đạo Mẫu. Nó không chỉ có sức sống trong điều kiện xã hội phong kiến quân chủ, mà còn tiềm ẩn và bùng phát trong xã hội đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay [2].
II. NHỮNG GIÁ TRỊ CƠ BẢN CỦA ĐẠO MẪU VIỆT NAM
1. Giá trị nhận thức thế giới
Với đạo Mẫu, người Việt Nam không chỉ nhân hóa tự nhiên mà còn nữ tính hóa tự nhiên, làm cho việc sùng bái tự nhiên thành sùng bái con người mang nữ tính. Nói cách khác, với đạo Mẫu, việc tôn thờ Mẫu không chỉ với tư cách là hiện thân của bản thể tự nhiên (Mẹ Mưa, Mẹ Mây, Mẹ Sấm, Mẹ Chớp – Mẹ Tứ Pháp hay Mẹ Kim, Mẹ Mộc, Mẹ Thủy, Mẹ Hỏa, Mẹ Thổ – Mẹ Ngũ Hành), mà còn là lực lượng cai quản tự nhiên (Mẫu Thiên cai quản vùng trời, Mẫu Địa cai quản vùng đất, Mẫu Thoải cai quản vùng nước sông biển, Mẫu Thượng Ngàn cai quản vùng núi rừng), cũng chính vì vậy mà Mẫu, hiện thân của người Mẹ Tự Nhiên ấy có thể che chở, mang lại những điều tốt lành cho con người.
Cách nhận thức thế giới theo kiểu “nhất thể hóa” này có mặt tích cực, giúp cho con người hòa đồng với tự nhiên, cảm nhận tự nhiên, lắng nghe tự nhiên, mà cuối cùng bảo vệ tự nhiên một cách hữu hiệu hơn. Điều này càng trở nên quan trọng khi mà hành tinh chúng ta đang đứng trước thực tế bị tàn phá, dẫn đến sự biến đổi khí hậu, đe dọa chính bản thân con người và nền văn minh nhân loại.
Qua Đạo Mẫu, chúng ta hiểu cách con người xưa thiêng hóa tự nhiên, sùng bái tự nhiên chính là để bảo vệ tự nhiên. Và đến một lúc nào đó sự sùng bái ấy đã được chuyển sang sùng bái nữ thần, mà suy cho cùng thì đó cũng là cái cách nhân thần hóa tự nhiên mà thôi. Bởi vì, giữa tự nhiên và tính nữ đều có chung những đặc tính, đó là sự sản sinh, bảo trữ và che chở.
2. Giá trị nhân sinh : Đạo Mẫu hướng niềm tin của con người vào đời sống trần thế
Khác với nhiều tôn giáo tín ngưỡng, dù đó là Phật giáo, Kitô giáo… Đạo Mẫu không hướng con người và niềm tin của con người về thế giới sau khi chết, mà là thế giới hiện tại, thế giới mà con người cần phải có sức khỏe, có tiền tài và quan lộc. Đó là một nhân sinh quan mang tính tích cực, phù hợp với quan niệm “hiện sinh” của con người trong thế giới hiện đại. Lúc này niềm tin vào cái siêu nhiên mà Thánh Mẫu là đại diện, mang tính phương tiện, còn mục đích sống của con người mới là quan trọng. Đây cũng là cách tư duy thể hiện tính “thực tế”, “thực dụng” của con người Việt Nam.
Chúng ta cũng khó đo đếm được có bao nhiêu con người Việt Nam tin vào sức mạnh và sự kỳ diệu của Thánh Mẫu. Chỉ biết rằng, không chỉ hàng ngày người ta đến cầu xin Thánh Mẫu, mà còn vào những dịp hội hè, lễ tiết theo chu kỳ “Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ” số lượt người trẩy hội đến các đến phủ tăng gấp bội để cầu mong Mẫu ban cho mình sức khỏe và tài lộc. Bởi vì đó là nhu cầu của bản thân con người, mà trong thời kỳ Đổi mới, Đảng và Nhà nước đã thừa nhận tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận đời sống nhân dân.
Trong nghiên cứu hiện nay, các nhà khoa học đã bắt đầu lý giải được việc những người có căn sè, tức là những người có những đặc tính tâm sinh lý đặc biệt, lại phải chịu những dồn nén xã hội nên dễ dẫn đến tình trạng rối loạn về tâm lý và hành vi, thì thường sau khi ra trình đồng đều khỏi bệnh, trở về trạng thái tâm sinh lý bình thường [3]. Thậm chí, ngay cả với những người dù không có “căn đồng” mà chỉ để giải tỏa, giải trí trước những sức ép của nhịp sống xã hội đô thị hiện đại (dân gian gọi là đồng đua, đồng đú), thì khi lên đồng cũng giúp họ giải tỏa được những tress.
Ngoài chữa bệnh, những tín đồ của đạo Mẫu, nhất là những người làm nghề kinh doanh buôn bán có một niềm tin mãnh liệt vào Thánh Mẫu, người có thể phù hộ cho họ buôn bán phát đạt. Ở đây, chúng ta khó có thể khẳng định được thực sự có hay không một lực lượng siêu nhiên nào đã hỗ trợ cho họ trong việc kinh doanh buôn bán, có lẽ lúc này, niềm tin của con người giữ vai trò quyết định, nó có thể tạo nên sức mạnh vật chất thực sự.
Trong cộng đồng của đạo hữu Đạo Mẫu có những thanh đồng sau khi ra đồng đã thể hiện khả năng “ngoại cảm” có thể thông quan với thế giới siêu nhiên, đã tích cực tham gia vào việc tìm mộ liệt sỹ, chữa bệnh…đáp ứng nhu cầu đời sống hiện nay của người dân Việt Nam sau chiến tranh.
3. Đạo Mẫu gắn bó với dân tộc, là thứ chủ nghĩa yêu nước đã được tâm linh hóa
Đạo Mẫu, thông qua các ký ức, các truyền thuyết và huyền thoại, qua các nghi lễ và lễ hội đã thể hiện rõ ý thức lịch sử và ý thức xã hội của mình. Trong điện thần của đạo Mẫu, hầu hết các vị Thánh đã được lịch sử hóa, tức là đều hóa thân thành những con người có danh tiếng, có công trạng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tất nhiên, trên thực tế có không ít những vị Thánh thần vốn thoát thai từ các nhân vật có thật trong lịch sử, sau này được người đời tô vẽ, thần tượng lên thành các vị thần thánh, tức là các vị thần thánh có “nguyên mẫu” trong lịch sử (Trần Hưng Đạo – Đức Thánh Trần, Mẹ Âu Cơ – Mẫu Thượng Ngàn, Lê Khôi hay Nguyễn Xí – Ông Hoàng Mười, Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan- Ông Hoàng Bơ, Bà Lê Chân – Thánh Mẫu Bát Nàn…).. Tuy nhiên, cũng không hiếm các vị thần linh, vốn là các thiên thần hay nhiên thần, nhưng lại được người đời “nhân thần hóa” hay “lịch sử hóa”, gán cho họ có sự nghiệp, có công trạng với đất nước hay từng địa phương. Đây không phải là việc làm tùy tiện, ngẫu nhiên, mà đều xuất phát từ ý thức lịch sử và ý thức xã hội. Đó chính là ý thức “hướng về cỗi nguồn”, “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh những người có công với dân với nước. Bằng cách đó, đạo Mẫu gắn bó với cội nguồn và lịch sử dân tộc, đã trở thành một biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, một thứ chủ nghĩa yêu nước đã được tín ngưỡng hóa, tâm linh hóa, mà trong đó người Mẹ – Mẫu là nhân vật trung tâm.
Đạo Mẫu thông qua các nghi lễ, qua chiêm bái được thực thi trong các tín ngưỡng, phong tục và lễ hội. Đạo Mẫu tuyên bố đứng về phía dân tộc, gắn bó với dân tộc, trường tồn cùng dân tộc.
Trong đời sống thường nhật của con người, Đạo Mẫu, thông qua các bài giáng bút (được coi là các bài kinh – Kinh Đạo Nam), Thánh Mẫu khuyên bảo mọi người đứng lên chống Pháp, hưởng ứng phong trào Cần Vương, chấn hưng sỹ nông công thương, dạy người phụ nữ những điều công, dung, ngôn, hạnh rất cụ thể về ứng xử trong gia đình và ngoài xã hội [4]
Tóm lại, xét trên các quan niệm về nhận thức thế giới, quan niện nhân sinh, chủ nghĩa yêu nước, sự hòa hợp dân tộc, qua hình thức Hầu đồng, hát văn chầu…đã được quy chuẩn hóa, cách thức tổ chức cộng đồng đạo hữu…chúng tôi cho rằng Đạo Mẫu thể hiện tính dân gian gắn bó với cộng đồng, tính cởi mở dễ thích ứng với sự biến đổi xã hội, lại thể hiện tính quy chuẩn của một tôn giáo dân gian. Đó chính là nét độc đáo của Đạo Mẫu Việt Nam.
4. Đạo Mẫu – Hầu đồng – Chầu văn , một di sản văn hóa nghệ thuật độc đáo
Đạo Mẫu và các hình thức Hầu đồng đều ẩn chứa những giá trị văn hoá nghệ thuật rất phong phú. Đó là kho tàng truyền thuyết, thần tích, huyền thoại về các thần linh, đó còn là các hình thức văn học truyền miệng, diễn xướng với âm nhạc, ca hát, nhảy múa, các hình thức trang trí, kiến trúc,… Nghi lễ Hầu đồng của Đạo Mẫu đã kết tinh, chắt lọc tạo nên một không gian tâm linh hàm chứa sự uy nghi, sang trọng, tràn ngập niềm vui và nét đẹp của mét hình thức sân khấu tâm linhmột bảo tàng sống của văn hóa truyền thống Việt Nam. Chúng tôi tin rằng Đạo Mẫu – Hầu đồng sẽ được UNESCO tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại!
III. THỰC TRẠNG VÀ ĐỀ XUẤT
1. Tình trạng thiếu hiểu biết hoặc hiểu chưa đúng về giá trị và thực hành nghi lễ của Đạo Mẫu của các ông đồng, bà đồng, cung văn và đông đảo quần chúng nhân dân. Những người thực hành tín ngưỡng này trao truyền chủ yếu qua truyền khẩu và thị phạm từ người này qua người khác nên nhận thức về Đạo Mẫu của họ mang tính tự nhiên, tự suy luận và có nhiều điều cần điều chỉnh.
2Tình trạng thương mại hóa Đạo Mẫu đang là một thực tế nặng nề và nhức nhối, khiến cho tín ngưỡng này ngày càng bị xói mòn những giá trị tốt đẹp như đã nêu ở trên. Nhiều chủ đền, các ông đồng, bà đồng đã lợi dụng lòng tin, lợi dụng các di tích đền phủ, lợi dụng các sinh hoạt nghi lễ và lễ hội không phải là để truyền bá những điều tốt đẹp mà chủ yếu là để kiếm tiền.
3. Tình trạng nhiễu loạn, biến tướng trong các nghi lễ của Đạo Mẫu, đặc biệt là nghi lễ Hầu đồng dùng đồ mã với số lượng vượt quá sự cần thiết và đòi hỏi của nghi lễ cổ truyền…khiến cho nghi lễ dần mất đi tính thiêng, lên đồng theo kiểu càn quấy của các “đồng đua, đồng đú” khiến dư luận bức xúc. Các hình thức sân khấu hóa nửa tâm linh, nửa trình diễn nghệ thuật cũng làm méo mó nghi lễ này khiến dư luận phàn nàn.
4. Tình trạng phân tán, tản mạn, bị buông lỏng, thiếu sự quản lý cũng tạo nên bộ mặt xô bồ, thậm chí là hỗn loạn của sinh hoạt tín ngưỡng ở các đền phủ, gây mất trật tự công cộng, ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện cho các sinh hoạt mê tín, đi ngược lại các thuần phong mỹ tục dân tộc.
5. Đề xuất:
Do tầm quan trọng và giá trị to lớn của Đạo Mẫu với tư cách là Đạo gốc của dân tộc, chúng tôi xin đề xuất :
1) Xin tái lập lại tổ chức Đạo Mẫu, khắc phục tình trạng tản mạn, vô tổ chức, buông lỏng quản lý như hiện nay. Có thể coi tiền thân của nó là “Việt Nam Thánh Mẫu hội” (trước 1975 ở niền Nam). Năm 2008, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam (thuộc Liên hiệp hội UNESCO VN) đã thành lập “Câu Lạc bộ bảo tồn văn hoa Đạo Mẫu VN” (2008), có 200 hội viên từ các địa phương Bắc, Trung và Nam, trụ sở tại Hà Nội và “Câu lạc bộ bảo tồn nghệ thuật Chầu văn VN” (2012).
2) Hình thức tổ chức và quản lý Đạo Mẫu sao cho thể hiện được tính  dân gian, tính đa dạng các cộng đồng phù hợp với đặc thù địa phương c. Không thể lấy mô hình tổ chức giáo hội của các tôn giáo khác áp đặt vào Đạo Mẫu. Thông qua hình thức tổ chức Đạo Mẫu này để phát huy tính chủ động của cộng đồng tín hữu trong việc phát huy các giá trị Đạo Mẫu và khắc phục tình hình lợi dụng trục lợi, biến dạng trong nghi lẽ Hầu bóng như hiện nay, trả lại những giá trị đích thực của ngôi nhà Đạo Mẫu Việt Nam.
[1] Ngô Đức Thịnh. Đạo Mẫu Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, H., 2009
[2] Karen Fjelstad and Nguyen Thi Hien (Editors). Possessed by the Spirits : Mediumship in comtemp0rary Vietnammese Commumunities. Cornell Southesst Asia Program, NewYork, 2006
[3] Ngô Đức Thịnh. Lên đồng, hành trình của thần linh và thân phận. Ncb. Trẻ, 2008
[4] Đào Duy Anh. Kinh Đạo Nam, Nxb. Lao Động, H., 2007
Nguồn : Đạo mẫu Việt Nam