Luận ngữ tân thư của Phạm Lưu Vũ, xét về góc độ bạn đọc đơn thuần, thực sự là rất thú vị bởi người đọc thông qua lăng kính của nhà văn, ai cũng thấy cá nhân mình và những người quanh mình trong đó. (Mặc dù Phạm Lưu Vũ “khôn ngoan” mượn giọng truyện xưa để kể – mà thực chất gã sáng tác khiến người đọc u u mê mê cứ tưởng như mình đang được đọc lại lịch sử). 
Cái thú vị ở chỗ là trong mỗi một truyện, nếu để ý kỹ, nó đều có những liên quan kết nối với những truyện khác. 
Luận ngữ tân thư thật sự là một tập văn lạ. Lạ bởi chỗ từ xưa tới nay chưa có nhà văn nào Dám và Tự tin mượn những tích, những giai thoại cổ xưa thông qua “một góc nhìn tinh quái, thông minh và cũng khá cay nghiệt” để “làm lại một cuộc tư duy” cho bạn đọc như kiểu Phạm Lưu Vũ. 

Và tôi tin là trong mỗi chúng ta, sau khi đọc Luận ngữ tân thư, ít nhiều chúng ta chắc chắn sẽ không bị mê mị về cái thứ cổ văn đã khiến chúng ta bị dụ dỗ trong nhiều năm, nhiều thập kỷ. 

Đạo diễn Trần Quốc Trọng

… Với văn chương, để giải chấp và giải cấu trúc về hình thức hoặc nội dung đều rất khó khăn. Nhất là về nội dung, quán tính tư tưởng dễ làm người cầm bút trì trệ, hoặc viết trong sự yên ổn một cách bảo thủ. Vì thế sẽ rất thú vị khi đọc Luận ngữ tân thư, bởi ở đây Phạm Lưu Vũ thường làm được cuộc giải chấp về nội dung, để từ đó đưa ra cái nhìn phản biện về hành trình tư tưởng của Việt Nam.

Nhà thơ Lý Đợi

Một tác phẩm như Luận ngữ tân thư có thể gây choáng ngợp với độc giả truyền thống. Ở đây có đủ mọi thứ: từ nghiêm túc đến đùa bỡn không thương tiếc; từ lớn lao, vĩ đại đến nhỏ nhặt, chi tiết, tầm thường (hóa). Văn chương thì trên cái nền cổ thư với lời vàng ý ngọc trau chuốt, bất ngờ lại xuất hiện lối văn đường phố tinh quái, đanh đá. Phải nói rằng, đây là một siêu phẩm, theo nghĩa nhuần nhuyễn cổ học, dã sử, huyền thoại, tiếu lâm, ngụ ngôn, luận đề và phóng túng, Phật học và công lý dân gian.

Trong văn chương đương đại, Phạm Lưu Vũ và Luận ngữ tân thư đã xác lập được một chỗ đứng riêng biệt, đắc địa.

Nhà văn Lê Anh Hoài