Tôi cần hướng dẫn cuộc sống của tôi ra sao? Tôi nên sống thế nào trong xã hội này? Có thể hiểu ra những gì? Đấy là ba vấn nạn từng gây lúng túng cho con người qua bao thời đại. Lý tưởng thì, cuộc sống phải dẫn dắt chúng ta tới cảm nhận về sự đủ đầy, để chúng ta không phải ân hận lúc chúng ta chết. Cuộc sống trong xã hội phải truyền cho chúng ta ý nghĩa của trách nhiệm phổ quát. Kiến thức phải dạy cho chúng ta về cả bản chất của thế giới quanh chúng ta và tâm trí của chính chúng ta.

Những vấn nạn tương tự nằm ở trung tâm những thực hành khoa học, triết học, chính trị, nghệ thuật, công tác xã hội, và đường hướng tinh thần. Việc phân cách giả tạo những hoạt động này, như thường xảy ra trong cuộc sống hiện nay của chúng ta, hẳn dẫn đến những viễn cảnh bị thu hẹp. Nếu không có sự khôn ngoan phát sinh từ lòng vị tha, khoa học và chính trị là những con dao hai lưỡi, đạo đức không có lối thoát, tình cảm phát triển bừa bãi, và đường hướng tinh thần trở thành viển vông.

Quan điểm đúng về khoa học là, khoa học là công cụ, mà thực chất chẳng tốt cũng chẳng xấu. Khoa học không tạo ra sự khôn ngoan, dù những cái nhìn thấu đáo của khoa học giúp chúng ta thay đổi thế giới. Chỉ tư tưởng và sự quan tâm của con người mới có thể soi sáng cho chúng ta con đường để chúng ta phải noi theo trong cuộc đời này. Vì thế, như một bổ trợ cho khoa học, chúng ta phải nuôi dưỡng “khoa học tinh thần”, hay chúng ta thường gọi là đường hướng tinh thần (linh đạo). Đường hướng này không phải điều gì xa xỉ nhưng là điều cần thiết.

Suốt hai mươi năm qua, đã có nhiều cuộc đối thoại giữa Phật giáo và khoa học. “Chất lượng lạ thường của những gặp gỡ này là thái độ khai mở nhưng mang tính phê phán về các tín đồ Phật giáo và khoa học gia, cả hai hăm hở mở rộng các chân trời của họ qua việc học hỏi những phương pháp thẩm tra và trực quan của nhau. Những bài tường trình đã được xuất bản về những cuộc gặp gỡ “Trí tuệ và sự sống” này ngày càng được nhiều người thuộc các nền văn hoá khác nhau và liên quan tới nhiều lĩnh vực học thuật quan tâm đón nhận, nhất là liên quan đến “Bản chất của trí tuệ”.

Khác biệt chính giữa sự truy tầm tri thức về khoa học đối lại với cùng sự truy tầm về Phật giáo là những mục tiêu tối thượng của chúng. Ở Phật giáo, tri thức chủ yếu cần cho những mục đích chữa trị. Mục đích sẽ giải thoát chúng ta khỏi phải chịu đựng điều được gây ra bởi sự gắn bó quá đáng của chúng ta vào thực tại biểu kiến về thế giới ngoại tại và bởi sự nô lệ của chúng ta vào cái tôi cá nhân, cái tôi mà chúng ta mường tượng là trung tâm của hữu thể của chúng ta.

Những cuộc đối thoại này phản ánh những viễn cảnh của hai lối sống khác nhau: lối sống của nhà vật lý học thiên thể, người con của Phật tử, người muốn đương đầu kiến thức khoa học của mình với nguồn gốc triết học; và lối sống của nhà khoa học phương Tây, người sau này đã trở thành nhà sư Phật giáo, mà kinh nghiệm bản thân của ông ta đã khiến ông ta so sánh hai cách tiếp cận thực tại này.

Tác giả :Matthieu Ricard – Trịnh Xuân Thuận
Dịch giả : Matthieu Ricard – Trịnh Xuân Thuận
Nhà xuất bản :Tp HCM
Năm xuất bản :2005
Tổng số trang :382
Kích thước :16x24cm