“Trăng xanh – blue moon” sẽ xuất hiện trên bầu trời đêm vào ngày 31/10 tới, đúng ngày Halloween năm nay.

“Trăng xanh” là một khái niệm ở phương Tây chỉ hiện tượng trăng tròn lần thứ 2 trong một tháng dương lịch. Trước đó, hiện tượng trăng tròn đầu tiên đã diễn ra vào ngày 1/10-3/10 vừa qua.

Thông thường, trăng chỉ tròn 1 lần mỗi tháng – tương ứng với 12 kỳ trăng của 12 tháng. Nhưng do quỹ đạo của Mặt trăng xoay quanh Trái đất chỉ là 29,5 ngày, trong khi đó theo dương lịch 1 tháng sẽ có 30 – 31 ngày, nên sẽ dư ra khoảng 11 ngày mỗi năm. Vì vậy, hiện tượng trăng xanh sẽ xảy ra trung bình 2,5 năm một lần. Tuy nhiên để hiện tượng này xuất hiện vào đúng đêm Halloween thì cần tới 19 năm.

Lần cuối cùng cả thế giới nhìn thấy trăng tròn vào đêm Halloween là vào năm 1944. Vào năm 1955, trăng tròn Halloween một lần nữa xuất hiện ở nhiều nơi trừ Tây Bắc Mỹ và Tây Thái Bình Dương.

Nếu bỏ qua đợt “trăng xanh” trùng khớp với Halloween năm nay, chúng ta phải đợi đến năm 2039, tức 19 năm nữa để được nhìn thấy hiện tượng thiên văn này lần nữa.

Mặc dù có tên gọi “trăng xanh”, nhưng Mặt Trăng không bị đổi màu và trông không có gì khác so với trăng tròn bình thường hàng tháng.

Một điều thú vị nữa là trăng tròn tháng 10 còn được gọi là “Trăng Thợ săn – Full Hunters Moon”. Nguyên nhân là do tháng 10 là thời điểm muông thú đã được vỗ béo, và là lúc bắt đầu chuẩn bị cho mùa đông sắp tới. Khi đó, hoạt động săn bắt, giết mổ và bảo quản thịt để sử dụng trong những tháng mùa đông sẽ bắt đầu.