Page và Brin đã kết luận những mặt trái của hoạt động tìm kiếm trong khu vực kinh tế tư nhân là “có thể được thị trường chấp nhận”.

Xương sống của Google là tìm kiếm. Nguồn: businessinsider.
Xương sống của Google là tìm kiếm. Nguồn: businessinsider.

Vụ bê bối Cambridge Analytica (với các thông tin rò rỉ cho thấy nền tảng Facebook đã bị các tay thao túng nước ngoài khai thác để tác động đến kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016) đã khiến người dân Mỹ đề cao cảnh giác về việc các phương tiện truyền thông xã hội và mô hình doanh thu dựa trên quảng cáo có thể đe dọa nền dân chủ tự do. Nhưng đơn vị tiên phong trong mô hình kinh doanh giám sát là Google chứ không phải Facebook, và những người sáng lập của Google vốn đã nhận thức được cả cơ hội lẫn rủi ro của mô hình này ngay từ năm 1998 khi Brin và Page còn đang suy nghĩ để đặt tên cho công ty khởi nghiệp của họ.

Vào thời điểm họ chọn Google thay vì Googol (Page là người đã đơn giản hóa cách viết, hay trong một dị bản khác của câu chuyện là đã gõ chữ sai) và biến nó thành một biểu tượng vui vẻ, những lãnh đạo ở Đại học Stanford đã bắt đầu tò mò về dự án bí ẩn đang tiêu thụ quá nhiều sức mạnh máy tính. Họ nhắc nhở Page và Brin rằng với tư cách là những học viên đang sử dụng nguồn lực của trường để thực hiện nghiên cứu, hai người có nghĩa vụ phải công bố những phát minh của mình. Page và Brin không đồng ý. Họ quá bận rộn với việc hoàn thiện các thuật toán: những phương trình toán học phức tạp để biến dữ liệu thành kết quả tìm kiếm.

Thuật toán mang hào quang của khoa học, bởi nó được phát triển dựa trên toán học và những thông tin định lượng. Nhưng thuật toán cũng có phần “cảm tính”, vì nó phản ánh những ý tưởng và thiên kiến của người lập trình. Tất nhiên, một số thuật toán sẽ tốt hơn những thuật toán khác. Đến cuối những năm 1990, những gì Page và Brin đã tạo ra được cho là rất hữu ích – hoặc ít nhất là rất có giá trị và hai người quyết định giữ cho riêng mình.

Cố vấn Terry Winograd của Page và Brin vào thời điểm đó kể lại rằng ông cảm thấy rất thắc mắc: “Mọi người [ở Stanford] đều nói: ‘Tại sao phát minh đó lại bí mật như vậy? Đó là một dự án học thuật. Chúng tôi cần được biết nó hoạt động như thế nào’”.

Đây là sự khác biệt cơ bản giữa học giả với doanh nhân. Học giả được khen tặng khi họ tiết lộ những phát hiện từ nghiên cứu của mình – lý tưởng nhất là đăng bài trên một tạp chí chuyên ngành – để những người khác có thể học hỏi từ họ. Trái lại, doanh nhân cần giữ kín những bí mật độc quyền có thể mang về cho họ những khoản tiền lớn. Rõ ràng Page và Brin đã quyết định chọn cách thứ hai.

Page đặc biệt thận trọng với việc tiết lộ nghiên cứu của bản thân quá sớm. Page kể lại câu chuyện về Nikola Tesla, nhà khoa học xuất sắc người Serbia đã được vinh danh trên bìa tạp chí Time vào năm 1931 vì những phát kiến của ông trong lĩnh vực rô-bốt, điện và radio… nhưng cuối cùng lại chết trong nghèo khó vì không thương mại hóa được ý tưởng của mình. (Tesla hiện được nhiều người nhớ đến chủ yếu vì Elon Musk đã tôn vinh người kỹ sư bị lãng quên này bằng cách lấy tên ông đặt cho chiếc xe điện của mình). Page tự hứa với lòng sẽ không đi theo con đường của Nikola Tesla.

Nhưng Winograd đã thắng. Vào năm 1998 khi còn theo học ở Stanford, Page và Brin đã công bố bài viết học thuật có tựa đề The Anatomy of a Large-Scale Hypertextual Web Search Engine (tạm dịch: Mổ xẻ công cụ tìm kiếm web siêu văn bản trên quy mô lớn). Bài viết chủ yếu giải thích về cơ chế hoạt động bên trong công cụ tìm kiếm của họ. Nhưng đồng thời, nó cũng cảnh báo về một cuộc xung đột sắp xảy ra, có liên quan đến việc hoạt động tìm kiếm có thể tạo ra lợi nhuận như thế nào. Cuộc xung đột sẽ xoay quanh việc khai phá dữ liệu – vốn là lĩnh vực chuyên môn của Sergey Brin – và việc quảng cáo dựa trên dữ liệu người dùng sẽ giúp người biết ứng dụng nó trở nên rất giàu có.

Mỉa mai thay, đó là mô hình mà hai nhà sáng lập Google kiên quyết phản đối ngay từ đầu: không phải bản thân việc khai phá dữ liệu, mà là sự kết hợp của hoạt động đó với tìm kiếm và quảng cáo nhắm mục tiêu. Khai phá dữ liệu đơn giản là phân tích một lượng dữ liệu lớn để khám phá các xu hướng và khuôn mẫu trong một tập hợp. Nhưng theo dõi hành vi của người khác – tìm kiếm những gì, nhấp vào kết quả nào… – và xây dựng một cơ sở dữ liệu về họ để sau đó bán lại thông tin cho các đơn vị quảng cáo có vẻ là việc làm quá xấu xa.

“Nếu đọc bài báo gốc do Larry và Sergey viết tại Stanford về việc tạo ra một công cụ tìm kiếm, bạn sẽ thấy họ đã nói cụ thể rằng hoạt động tìm kiếm sẽ bị cản trở nếu người ta dựa vào đó để bán quảng cáo. Vì vậy, họ phản đối ý tưởng chạy quảng cáo trên Google”, Douglas Edwards, một trong những kỹ sư phần mềm đầu tiên của công ty, kể lại.

Quả thật, quan điểm này được hai nhà sáng lập thể hiện rất rõ. “Hiện tại, mô hình kinh doanh chủ yếu cho các công cụ tìm kiếm thương mại là quảng cáo”, Page và Brin viết ở trang 18, phần 8, trong phần phụ lục A có tiêu đề “Quảng cáo và những động cơ phức tạp”. Nhưng họ cũng nói thêm: “Mục tiêu của mô hình kinh doanh quảng cáo không phải lúc nào cũng song hành với mục tiêu cung cấp dịch vụ tìm kiếm chất lượng cho người dùng”.

Trong phần phụ lục này, họ còn nói: “Chúng tôi dự đoán rằng các công cụ tìm kiếm được quảng cáo tài trợ sẽ thiên vị các đơn vị quảng cáo và xa rời nhu cầu của người dùng. Vì ngay cả các chuyên gia cũng khó đánh giá được các công cụ tìm kiếm, nên sự thiên lệch của công cụ tìm kiếm sẽ đặc biệt khó nhận ra”.

Đây là một tuyên bố thú vị, vì sau này Google đã khẳng định mọi thứ họ làm – kể cả những việc gây nhiều tranh cãi – đều là vì lợi ích của người dùng. Cũng thật thú vị khi tuyên bố này nhấn mạnh sự phức tạp vốn có của công nghệ – sự phức tạp đã tạo điều kiện cho Google lẩn tránh khi họ bị hỏi những câu hóc búa về chính sự thiên lệch mà Page và Brin vốn biết rất rõ.

Tất nhiên, tác động lâu dài của tất cả điều này vẫn chưa thật sự rõ ràng vào năm 1998. Nhưng quan trọng là chúng ta phải hiểu rằng ngay cả khi đó, Page và Brin đã có phần lo lắng. Họ kết luận rằng rủi ro sai sót trong hoạt động tìm kiếm được thương mại hóa không phải là nhỏ. Họ thậm chí còn xem xét việc giữ tính năng tìm kiếm trong Phạm vi công cộng, vì như vậy thì nó sẽ không dễ bị thao túng như trong một mô hình kinh doanh phụ thuộc vào quảng cáo.

Nhưng cuối cùng, họ kết luận những mặt trái của hoạt động tìm kiếm trong khu vực kinh tế tư nhân là “có thể được thị trường chấp nhận”, hay nói cách khác là mọi người hoặc sẽ không biết hoặc không quan tâm đến việc họ đang bị thao túng.

Và đó thật sự là những gì đã diễn ra trong thời gian qua.

trích: Đừng trở nên xấu xa
Tác giả: Rana Foroohar – Phát hành: First News và NXB Dân trí
Cuốn sách là một bản cáo trạng về cách mà các công ty công nghệ lớn nhất hiện nay đang chiếm đoạt dữ liệu, sinh kế, phá vỡ kết cấu xã hội và hủy hoại tâm trí chúng ta.

nguồn: Zingnews