Bốn thập kỉ biến động và li tán ở Afghanistan, một lối dẫn dắt chân thực bậc thầy, câu chuyện về những số phận bị vùi dập đầy ám ảnh. Với Ngàn mặt trời rực rỡ, Khaled Hossini đã thành công chạm đến trái tim người đọc bằng câu chuyện từ cuộc sống, tâm tư của con người quê hương ông.

Chiến tranh, bạo lực, đói nghèo, thương đau… là những gì người ta thường hình dung về Afghanistan. Những điều đó đúng nhưng chưa đủ. Ngàn mặt trời rực rỡ đưa ta đến gần hơn với cuộc đời và số phận của người dân Afghanistan qua việc khắc họa những mảnh đời đau khổ, bất hạnh.

Mariam là đứa con của một thương nhân giàu có và quyền lực nhất xứ với một người đàn bà thấp kém, từng là người hầu của gia đình cô. Mariam lớn lên cùng với người mẹ mắc bệnh động kinh, tính khí thất thường, dường như căm ghét và hằn học với cuộc đời. Họ sống trong một kolba, một cái chòi lụp xụp cách xa thành phố. Mariam chỉ được cha đến thăm vào mỗi thứ năm hàng tuần. Trong suốt mười lăm năm sống với mẹ, Mariam đã bị nhồi nhét những ý nghĩ về việc mình là một đứa trẻ vô thừa nhận, nhưng ý nghĩ đầy vị kỉ và hằn học của người mẹ đã dấy lên trong Mariam những mâu thuẫn trong niềm tin, rằng nên tin những lời mẹ nói hay tin vào giá trị của bản thân. Vì thế, Mariam lại càng tôn thờ bố, người đàn ông chỉ đến thăm cô một lần mỗi tuần nhưng lại luôn yêu thương cô, che chở cô, khiến cô cảm thấy an toàn, người kể cô nghe các câu chuyện về các vùng đất ông đến và mang theo những món quà cho cô. Rồi một ngày Mariam tìm đến nhà bố, chờ đợi để được gặp ông, nhưng đổi lại là sự trốn tránh. Sự hèn nhát trong từng hành động của người cha đã từng chút giết đi hi vọng và sự tôn thờ trong trái tim Mariam. Khi cô thất vọng trở về tìm người mẹ thì mẹ cô đã treo cổ tự vẫn. Mariam được đưa về nhà bố, ngay sau đó, những người vợ của ông đã sắp xếp cho cô cuộc hôn nhân với người đàn ông hơn cô đến hai chục tuổi hòng tống khứ đứa con hoang của chồng mà ông bố lại không hề ngăn cản và phản kháng lại.

Giai đoạn đầu của cuộc hôn nhân, Mariam vẫn mơ về hạnh phúc khi người chồng là Raseed đối xử dịu dàng tử tế với cô và cô mang thai đứa con đầu lòng. Nhưng kì thực đó là bước ngoặt nối dài thêm chuỗi ngày buồn đau, đen tối của Mariam. Raseed chỉ là một kẻ gia trưởng, độc đoán, nhẫn tâm. Ông ta mong vẻ đẹp của Mariam chỉ mình ông ta nhìn ngắm, nhưng bản thân lại có đời sống riêng tư đầy biến thái, trác táng. Ông ta tỏ ra vui mừng và che chở cô nhưng kì thực chỉ chờ đợi một đứa con trai. Khi Mariam sảy thai ở tuần thứ sáu, Raseed lập tức coi cô như một kẻ tội đồ. Bảy lần sảy thai tiếp theo đã khiến Mariam trở thành chiếc bóng lặng lẽ đi bên cuộc đời Raseed. Người phụ nữ bên ông ta phải sống cuộc đời cam chịu, là công cụ để giúp ông ta sinh đẻ những đứa con trai. Khi Laila đến với ngôi nhà của họ, Mariam càng cảm nhận hết những cay đắng của mình. Việc Mariam phản đối Laila không hẳn xuất phát từ nỗi đắng cay của riêng cô, mà sâu thẳm trong lòng, cô không muốn cô gái trẻ phải sống một cuộc đời đau khổ với người đàn ông bạc bẽo.

Laila lại trái ngược hoàn toàn với Mariam, cô sinh ra trong một gia đình êm ấm có cha mẹ, hai anh trai yêu thương vô điều kiện và cậu bạn thân Tariq luôn sẵn sàng đứng ra bảo vệ, là chỗ dựa tinh thần của Laila. Cô được đi học và khuyến khích theo đuổi những ước mơ, được sống trong môi trường bình đẳng. Laila hiểu rõ những giá trị mình theo đuổi và tin tưởng. Cũng trong những năm trưởng thành của Laila, Afghanistan chìm trong thời kì hỗn loạn, biến động, chiến tranh và nội chiến xảy ra liên miên. Chiến tranh và nội chiến đã khiến Afghanistan chìm trong đau thương, chết chóc, đàn ông phải nhập ngũ, phụ nữ bị hãm hiếp, trẻ con và người già chết bởi bom đạn. Người dân phải bỏ xứ, tị nạn ở những vùng đất khác, quốc gia khác. Chiến tranh khiến hai anh trai của Laila gia nhập đội quân thánh chiến và hi sinh tại chiến trường, khiến bầu không khí gia đình cô chìm vào tăm tối, khiến cha mẹ cô bị chết bởi bom đạn và ngay bản thân cô cũng bị thương. Chiến tranh cũng khiến mối tình sâu nặng của cô với người bạn từ thuở niên thiếu bị chia cắt. Laila và người yêu đã trao nhau những điều đẹp đẽ nhất của cuộc đời. Lời Tariq nói trước khi lên đường “Anh nhất định sẽ quay lại tìm em” như lời thề từ trái tim, từ đức tin và như sợi dây ràng buộc tâm hồn họ với nhau mãi mãi, song chiến tranh và sự sắp xếp nghiệt ngã của số phận đã đẩy Laila vào ngôi nhà của người đàn ông bạo tàn Raseed khi cô đang mang trong mình sinh linh nhỏ minh chứng tình yêu của mình và Tariq.

Laila thông minh, ý thức mạnh mẽ về văn hóa Afghanistan và hi vọng vào tương lai của nó. Cô cũng rất táo bạo và chấp nhận bất cứ rủi ro nào có thể đến để thực hiện được điều mình muốn. Bằng chứng là, cô đã quyết định kết hôn với Rasheed để sinh ra đứa con đầu lòng của mình với Tariq; âm mưu trốn thoát Rasheed hay liều mình đến trại trẻ mồ côi để thăm bé Aziza bất chấp khả năng bị Taliban đánh đập đến chết.

Mariam và Laila, hai người phụ nữ, hai tuổi thơ trái ngược nhau, những biến cố khốc liệt khiến họ phải gặp nhau và số phận hòa quyện với nhau. Sự xuất hiện của Laila đã mang đến cho Mariam cảm giác có một cuộc sống đích thực, đó là có người chị em tốt trong cuộc đời và những đứa con đáng yêu, thánh thiện. Ngược lại, sự xuất hiện của Mariam đã giúp Laila có được một người bạn, một người mẹ, một tấm gương để hiểu được những hi sinh cần thiết để trở thành một người mẹ tốt.

Khaled Hosseini dẫn người đọc chiêm nghiệm những khổ đau và mất mát rồi đến cuối cùng gửi cài chút hi vọng đẹp đẽ, sáng chói nhất. Tariq trở về như lời hứa năm xưa của anh. Niềm hi vọng nhen nhóm lên trong tất cả mọi người, nhất là Laila, về một cuộc sống mới, một tương lai mới với anh, với các con và cả Mariam.

Song niềm hi vọng ấy vụt tắt khi Mariam giết chết Raseed để bảo vệ và mang lại tự do cho Laila và những đứa con. Và như thế, Mariam đã phải trả giá, phải từ bỏ cuộc sống của chính mình. Mariam giống như cái tên của cô, đóa huệ trắng thanh khiết, lặng lẽ nhưng kiên định, khi hiểu được những giá trị mình hằng mong mỏi, cô sẽ đứng lên chiến đấu kiên cường chẳng sợ hãi dù là cái chết.

Lồng trong bối cảnh lịch sử chân thật của Afghanistan, những biến động xảy ra trong bốn thập kỉ đầy những đau thương của đất nước Trung Đông ấy đã khiến cho cuộc đời của Mariam và Laila trở nên chân thực hơn, câu chuyện của họ, nỗi đau khôn cùng và sự bền bỉ của họ cũng trở nên chân thật hơn bao giờ hết và chạm đến tận sâu thẳm tâm hồn. Và chính câu chuyện cuộc đời nhân vật cũng khắc họa rõ thêm lên hiện thực xã hội ở quê hương nhà văn. Một đất nước Afghanistan với nền chính trị hỗn loạn và tôn giáo hà khắc, bất công với người phụ nữ. Một đất nước với những vết thương chiến tranh chẳng bao giờ xóa nhòa trong mỗi gia đình, ngoài xã hội, đất nước chẳng yên bình, con người tha hương…

Ngàn mặt trời rực rỡ được tạp chí Time xếp ở vị trí thứ 3 trong 10 tiểu thuyết xuất sắc nhất thế giới năm 2007. Đây là cuốn tiểu thuyết đầy chân thực mang đến tột cùng đau thương, tột cùng hi vọng và sức mạnh của người dân, đặc biệt là người phụ nữ Afghanistan…

Nguồn: http://vannghequandoi.com.vn/van-hoc-nuoc-ngoai/ngan-mat-troi-ruc-ro-dau-thuong-va-hi-vong-afghanistan_9885.html