Ngàn năm áo mũ là một nghiên cứu công phu và đầy tham vọng của Trần Quang Đức: dựng lại bức tranh trang phục Việt Nam trong cung đình và ngoài dân gian trong khoảng một nghìn năm từ thời Lý đến thời Nguyễn (1009-1945).

Trang phục cung đình luôn được quy định nghiêm ngặt và có nhiều đổi thay qua các triều đại. Ngàn năm áo mũ lý giải nguyên do và phân tích mức độ mô phỏng trang phục Trung Hoa trong quy chế trang phục của các triều đại Việt Nam, mô tả chi tiết, tỉ mỉ nhiều dạng trang phục như bộ Tế phục Cổn Miện uy nghi của các vị hoàng đế, các bộ Triều phục, Thường phục Lương quan, Củng Thần, Ô Sa, Bổ phục trang trọng của bá quan, hay Lễ phục Vĩ Địch, Phượng quan lộng lẫy của hoàng hậu v.v.. Trong khi đó trang phục dân gian không biến động nhiều, phổ biến là kiểu áo giao lĩnh, tứ thân, hay lối ăn mặc cởi trần đóng khố của đàn ông và yếm, váy giản tiện của đàn bà tồn tại qua hàng trăm năm lịch sử. Sự kiện vua Minh Mạng cấm “quần không đáy” là một biến cố lớn lao, để rồi chiếc áo dài năm thân đi vào đời sống dân gian và bây giờ trở thành trang phục quan trọng bậc nhất của người Việt.

Có thể nói, Ngàn năm áo mũ bù đắp phần nào vào khoảng trống mênh mông của lịch sử trang phục Việt Nam nói riêng, lịch sử văn hóa Việt Nam nói chung. Cùng với những ý nghĩa chính trị, xã hội sâu rộng, đây thực sự là một nghiên cứu quan trọng và có giá trị lâu dài.

Về tác giả

Trần Quang Đức sinh năm 1985 tại Hải Phòng. Năm 2004, khi đang là sinh viên năm thứ nhất Đại học Quốc gia Hà Nội, anh đã đạt giải nhất cuộc thi Cầu Hán Ngữ lần thứ 3 – dành cho sinh viên chuyên ngành tiếng Hán trên toàn thế giới. Năm 2009, anh tốt nghiệp tại Đại học Bắc Kinh Trung Quốc. Từ năm 2010 đến 2012, trong khi công tác tại phòng Tu thư thuộc Công ty Văn hóa Truyền thông Nhã Nam, anh tập trung nghiên cứu văn hóa trang phục Việt và viết cuốn sách Ngàn năm áo mũ.

Hiện Trần Quang Đức là nghiên cứu viên thuộc Viện Nghiên cứu Văn học Việt Nam. Anh đồng thời là dịch giả của các tác phẩm Trà kinh (2008), Chuyện tình giai nhân (2011) và Trường An loạn (2012).

Nhận xét

Ngàn năm áo mũ và 21 trang tuyệt vời

Theo đó cuốn sách này không phải là món bia hơi bạn có thể uống nhanh chóng. Nó giống như thứ rượu ngon cần phải được nhâm nhi chậm rãi và thưởng thức bằng một nhịp độ ung dung, bởi bạn thực sự cần phải đọc toàn bộ những trích dẫn một cách cẩn thận. Vì vậy, tôi sẽ phải mất một khoảng thời gian để đọc hết cuốn sách này, nhưng đó sẽ là một hành trình thú vị.

Năm 1971, Alexandre Woodside đã xuất bản một công trình mang tên Vietnam and the Chinese Model: A Comparative Study of Nguyễn and Ch’ing Civil Government in the First Half of the Nineteenth Century [Việt Nam và mô hình Trung Hoa: Một nghiên cứu so sánh về chính quyền dân sự nhà Nguyễn và nhà Thanh ở nửa đầu thế kỉ XIX]. Chủ đề cơ bản của cuốn sách này là: Việt Nam là một vùng đất “Đông Nam Á” và rồi nhà Nguyễn đã “kế thừa” một “mô hình cai trị Trung Hoa” vốn không thực sự phù hợp với thực tế “Đông Nam Á” của Việt Nam.

Gần đây tôi có nghe một buổi nói chuyện của Giáo sư Woodside trong đó ông soát lại một số trong số những vấn đề ấy. Không có gì là ngạc nhiên khi ông không còn nói về một “mô hình Trung Hoa” nữa, mà thay vào đó, ông nói về những thứ như “các quốc gia quốc tế hóa” và “những sự lan truyền xuyên quốc gia”.

Tôi nói “không có gì là ngạc nhiên” bởi bên cạnh thực tế hiển nhiên là bất kì một con người sáng trí nào cũng sẽ luôn luôn có những ý tưởng khác về những gì ông/bà ta viết hơn bốn mươi năm trước đó, Alexandre Woodside còn dành nhiều thời gian để tư duy so sánh (xem chẳng hạn cuốn Lost Modernities: China, Vietnam, Korea, and the Hazards of World History [Những tính hiện đại bị đánh mất: Trung Hoa, Việt Nam, Triều Tiên, và nguy cơ của lịch sử thế giới] của ông), và việc tư duy so sánh có thể xem về mặt tri thức là rất khai phóng.

Tôi được gợi nhắc về điều này khi bắt đầu đọc một cuốn sách [ra đời] gần đây mang tên Ngàn năm áo mũ của một học giả trẻ người Việt có tên Trần Quang Đức. Tôi biết cuốn sách này một thời gian trước, nhưng tôi mới chỉ bắt đầu đọc nó, và tôi chỉ mới đọc xong 21 trang, nhưng tôi nghĩ đó là 21 trang tốt nhất trong giới sử học ở Việt Nam mà tôi đã từng đọc, vì vậy tôi nóng lòng muốn đọc phần còn lại của cuốn sách này.

Tại sao 21 trang đó lại tốt như vậy? Thứ nhất, bởi không giống như con số không kể xiết những người viết về Việt Nam tiền hiện đại, Trần Quang Đức có thể TRIỆT ĐỂ đọc các nguồn tư liệu nguyên cấp bằng ngôn ngữ nguồn, chữ Hán. Đây là “nguyên tắc số một” đối với bất kì sử gia nào ở bất cứ đâu. Bạn để công trình học thuật của mình dựa vào các nguồn tài liệu nguyên cấp mà bạn đọc bằng ngôn ngữ nguồn, và đó chính xác là cái mà Trần Quang Đức đã làm, và anh rõ ràng đã thực hiện điều đó với năng lực hoàn hảo.

Làm sao tôi nghĩ như vậy? Bởi vì bất kì khi nào anh trích dẫn một nguồn tư liệu nào đó, anh cung cấp văn bản Hán ở chú thích để người đọc có thể kiểm chứng những gì anh đang nói. Giữa nhiều thứ khác, nó thể hiện sự tự tin hoàn toàn của tác giả vào công trình học thuật của mình.

Lí do khác lí giải vì sao 21 trang này tốt như vậy là chúng mang tính so sánh. Và việc tư duy so sánh bắt buộc các học giả phải suy nghĩ sáng suốt.

Cuốn sách này khảo sát các loại áo mũ đã được dùng bởi các triều đình quý tộc khác nhau từ thời Lý đến thời Nguyễn, và trong lời dẫn nhập của cuốn sách Trần Quang Đức cho rằng sự lựa chọn áo mũ ở một phạm vi rộng chịu ảnh hưởng bởi hai luồng tư tưởng: tư tưởng đế quốc và tư tưởng Hoa Di.

Rốt cuộc, Trần Quang Đức ở đây đang nói về những điều mà Alexandre Woodside đã nói hơn 40 năm trước, tức là, rằng các triều đình Việt khác nhau đã tự xem họ là một kiểu “quốc gia trung tâm” (Trung Quốc).

Tuy nhiên, đồng thời, điều Trần Quang Đức lập luận trong lời dẫn nhập của anh cũng nằm cùng dòng với điều Alexandre Woodside đang nói ngày hôm nay – rằng việc các vương quốc Việt khác nhau tự xem họ là “Hoa” vây quanh bởi các tộc “Di” không phải vì họ đã “kế thừa” một mô hình Trung Hoa”, mà bởi vì họ là một “quốc gia quốc tế hóa”, cũng giống như các vương quốc cùng thời ở những nơi mà ngày nay chúng ta gọi là “Triều Tiên” hay “Nhật Bản”.

Nhưng với sự giàu có về tài liệu mà Trần Quang Đức cung cấp, tôi nghĩ rằng anh đã vượt qua Woodside. Anh cung cấp vô số ví dụ để luận chứng cho bất cứ một trong số các luận điểm của anh, và [các ví dụ này] không chỉ từ Việt Nam mà còn từ Triều Tiên cũng như Nhật Bản, và kết quả là, những luận điểm của anh đi đến kết luận cực kì thuyết phục.

Theo đó cuốn sách này không phải là món bia hơi bạn có thể uống nhanh chóng. Nó giống như thứ rượu ngon cần phải được nhâm nhi chậm rãi và thưởng thức bằng một nhịp độ ung dung, bởi bạn thực sự cần phải đọc toàn bộ những trích dẫn một cách cẩn thận. Vì vậy, tôi sẽ phải mất một khoảng thời gian để đọc hết cuốn sách này, nhưng đó sẽ là một hành trình thú vị.

Và trong khi tôi đang hạnh phúc được đọc một cuốn sách có chất lượng thế này, tôi cũng nhận ra rằng có một ít các học giả Việt Nam trẻ tuổi đang làm luận án Tiến sĩ ở nước ngoài, những người mà tôi dám chắc cũng sẽ tạo ra những cuốn sách học thuật vững vàng rất sớm thôi. Điều tôi thực sự thích ở cuốn sách này (cho đến bây giờ) là nó chứng minh rằng để tạo ra thứ học thuật tốt, điều cần thiết là sử gia phải biết đọc những tài liệu nguyên cấp bằng ngôn ngữ nguồn, và phải biết nhìn nhận quá khứ bằng một nhãn quan rộng lớn.

Đó là những kĩ năng cần được phát triển ở bất cứ nơi đâu. Chúng chỉ đòi hỏi sự cần mẫn, và xét từ những gì tôi đã đọc cho đến bây giờ, Trần Quang Đức đã hạ được mục tiêu của mình. Làm tốt lắm!! Tôi mong được đọc tiếp cuốn sách này và sẽ viết nhiều hơn về nó khi đọc xong.

Nguồn: http://leminhkhai.wordpress.com/2013/05/23/1000-years-of-caps-and-robes-and-21-pages-of-excellence/

Xin chúc mừng tác giả Trần Quang Đức và học giới Việt Nam!

Theo Le Minh Khai – Người dịch: Hoa Quốc Văn

Sách: Ngàn năm áo mũ
Tác giả: Trần Quang Đức
Nhà xuất bản: NXB Thế giới
Công ty phát hành: Nhã Nam